Nam Định là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Không chỉ được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt - nơi phát tích của vương triều Trần, một trong những triều đại hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, Nam Định còn được biết đến bởi kho tàng quý giá gồm trên 1.600 di tích lịch sử văn hóa, nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, ẩm thực phong phú.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có những làng nghề nổi tiếng như làng nghề truyền thống hoa, cây cảnh Vị Khê có từ thế kỷ thứ XIII, làng nghề Lã Điền, Trừng Uyên (Điền Xá, huyện Nam Trực); Làng nghề mộc Mỹ nghệ truyền thống La Xuyên (Yên Ninh, huyện Ý Yên); Làng nghề đồ gỗ khảm trai Bình Minh (Hải Minh, huyện Hải Hậu); Làng nghề đúc đồng truyền thống Tống Xá trên 900 năm tuổi với những sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước.
"Nghề và làng nghề đã tồn tại và phát triển như một phần không thể tách rời lịch sử mỗi làng quê, thôn xóm. Đức tính kiên trì, bền bỉ, sự sáng tạo, khéo léo, bàn tay tài hoa của cha ông đã ghi dấu trên tất cả các di tích lịch sử, văn hóa qua các triều đại. Mỗi làng nghề đều hàm chứa những giá trị văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc", ông Lê Hồng Đức, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT Nam Định) chia sẻ.
Theo ông Đức, việc bảo tồn, khôi phục và tuyên truyền quảng bá khơi dậy tiềm năng thế mạnh của mỗi làng nghề có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó không chỉ là giải quyết việc làm cho người lao động; xóa đói, giảm nghèo mà còn góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giới thiệu rộng rãi tinh hoa văn hóa Việt đến bè bạn trên thế giới.
Nam Định được mệnh danh là "đất trăm nghề". Nơi đây đã và đang tồn tại phát triển hàng trăm làng nghề từ xa xưa từng nổi tiếng khắp vùng Sơn Nam Hạ.
Đến bất cứ địa phương nào trong tỉnh, du khách đều bắt gặp những di tích thờ các ông tổ nghề và các lễ hội tôn vinh nghề truyền thống với tục "hiến xảo" (dâng các sản phẩm tinh, khéo lên các vị tổ nghề bày tỏ sự tri ân).
Không những thế, Nam Định hiện đang sở hữu nhiều làng nghề có lịch sử hàng trăm năm, được giữ gìn qua nhiều thế hệ. Nếu như huyện Nam Trực nức tiếng gần xa với làng rèn Vân Chàng, làng hoa cây cảnh Vị Khê (Điền Xá); làm hoa giấy, hoa lụa ở Báo Đáp; luyện đồng, chạm vàng bạc ở Đồng Quỹ… thì huyện Trực Ninh lại được biết đến với nghề ươm tơ, dệt lụa ở các làng Cự Trữ, Cổ Chất, Dịch Diệp.
Tiếp đến, huyện Nghĩa Hưng với nghề khâu nón Nghĩa Châu, dệt chiếu Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn; đan vó cá Hoàng Nam. Huyện Mỹ Lộc với nghề làm chăn bông, quần áo ở Mỹ Thắng. Huyện Vụ Bản - vùng đất "địa linh nhân kiệt" cũng khá giàu có về làng nghề: rèn Quang Trung; sơn mài, sơn then làng Hổ Sơn; gối mây Tiên Hào.
Huyện Ý Yên từ lâu đã được xem là đất nghề, nào là chạm khắc gỗ La Xuyên; đúc đồng Tống Xá, Vạn Điểm; nào là sơn mài Cát Đằng, mây tre đan Yên Tiến…
Với tuổi đời hơn 900 năm, nghề đúc đồng ở huyện Ý Yên những năm gần đây được cả nước biết đến qua những công trình văn hóa - lịch sử tầm cỡ như tượng vua Lê Thái Tổ đặt tại vườn hoa Chí Linh (Hải Dương), tượng đài chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tại thành phố Điện Biên, chùa Đồng ở Yên Tử (Quảng Ninh), tượng 14 vị hoàng đế thời Trần (Nam Định), tượng Tam Thế Phật chùa Bái Đính...
Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển mô hình làng nghề gắn với du dịch
Ông Lê Hồng Đức, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT Nam Định) cho biết, Nam Định là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành xây dựng nông thôn mới (năm 2019); về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XIX đề ra. 100% số xã, thị trấn và 10/10 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Tính đến nay, toàn tỉnh Nam Định có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 329 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, gồm 47 sản phẩm 4 sao và 282 sản phẩm 3 sao.
"Đây là lợi thế để phát triển du lịch, bởi đã có sự vào cuộc quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; nhận thức của người dân đã thoát khỏi tư duy đơn thuần là phát triển nông nghiệp, mà hướng tới các loại hình dịch vụ để nâng cao đời sống và thu nhập.
Mặt khác, cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện, nước sạch, môi trường, thông tin liên lạc, y tế... được đầu tư xây dựng đồng bộ, hợp lý; cảnh quan đẹp, môi trường trong lành... sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút du khách và kéo dài thời gian lưu trú", ông Đức nhấn mạnh.
Ông Đức chia sẻ, với những tiềm năng và giá trị to lớn của các làng nghề truyền thống, việc phát triển các sản phẩm du lịch kết nối giữa làng nghề với lễ hội và di tích, danh thắng ở tỉnh Nam Định cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt giữa các cơ quan chính quyền các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của người dân địa phương, các công ty du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh để đưa ra các chính sách, định hướng phát triển du lịch nông nghiệp một cách bền vững và hiệu quả.
Hơn nữa, cần nâng cao nhận thức về phát triển mô hình làng nghề truyền thống gắn với du lịch trong xây dựng NTM, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn.
Ngoài ra, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với sự liên kết chặt chẽ của các ngành (nông nghiệp, công thương, công nghiệp chế biến và du lịch) với các công ty lữ hành trong và ngoài nước.
"Các địa phương trong tỉnh cần sớm hình thành các dịch vụ ăn uống, lưu trú, tăng cường các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, giúp du khách có cơ hội giao lưu, trải nghiệm thực tế. Thiết kế, chọn lựa các sản phẩm phù hợp làm quà lưu niệm để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách", ông Đức cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.