Tâm sự rất thật lòng tại buổi tọa đàm, GS Chu Hảo cho biết: “Tính cả năm nay, giải thưởng Phan Châu Trinh đã có 6 lần trao giải và đã được xã hội thừa nhận là một giải thưởng có uy tín. Chính điều đó tạo nên áp lực cho Hội đồng xét giải, chúng tôi phải thảo luận kỹ càng hơn, tranh luận nhiều hơn để tìm ra những gương mặt xứng đáng với giải thưởng và đáp ứng được lòng mong mỏi của công chúng”.
|
Các tác giả vinh dự được nhận giải Phan Châu Trinh lần thứ V, năm 2011. |
Quy chế xét giải của giải thưởng Phan Châu Trinh khá giống với giải thưởng Nobel danh giá ở chỗ, chỉ các thành viên của Hội đồng xét giải mới có quyền giới thiệu và đề cử giải thưởng, ngoài ra, chính những người đã từng được nhận giải thưởng này ở các năm trước cũng có được vinh dự này. Năm nay, ngoài 8 thành viên của Hội đồng gồm Chủ tịch là, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc, Phó chủ tịch là GS TS Nguyễn Trọng Chuẩn, các ủy viên là ông Bùi Văn Nam Sơn, nhà nghiên cứu Triết học, GS TS Ngữ văn Lê Ngọc Trà, GS TS Vật lý Nguyễn Văn Trọng, GS TS Đông Nam Á học Phạm Đức Dương, học sĩ Lương Xuân Đoàn, GS Chu Hảo, Hội đồng xét giải đã có thêm 3 thành viên mới. Đây là 3 gương mặt thuộc “thế hệ trẻ” do bà Nguyễn Thị Bình- Chủ tịch Quỹ mời tham dự gồm có: PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Phó Giám đốc Đại học Quốc Gia Hà Nội, TS Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách và Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh- Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP. HCM. Việc bổ sung này, theo lý giải của đại diện Hội đồng quản lý Quỹ là nhằm “trẻ hóa” Hội đồng khoa học bởi các thành viên cũ của Hội đồng đều đã ở tuổi bát thập và thất thập.
Về sự giới hạn đối tượng được quyền đề cử giải thưởng, đại diện Quỹ cho biết: “Chúng tôi cũng biết với cách làm việc như hiện nay, có thể số lượng người được giới thiệu xét giải sẽ bị hạn chế tuy nhiên chúng tôi tự tin đã làm việc hết sức tận tâm, khoa học và công minh. Bất cứ đề cử nào khi đưa ra thảo luận mà không nhận được 100% số phiếu đồng thuận thì cũng không được đưa vào giải. Có những người rất có uy tín gọi điện đến đề xuất muốn được gặp gỡ, trao đổi rồi vận động để giới thiệu ai đó, công trình nào đó vào danh sách xét giải, hoặc có những học giả mang những công trình dày cộp đến xin ứng cử nhưng chúng tôi cũng buộc phải từ chối, bởi vì không có ai trong Hội đồng đứng ra giới thiệu và đề xuất phản biện cho họ”.
Tại cuộc tọa đàm, nhiều ý kiến quan tâm tới việc làm sao để có thể quảng bá tốt hơn cho công trình, tác phẩm của những người đã và sẽ đoạt giải thưởng Phan Châu Trinh cũng như giúp cho tinh thần, tư tưởng của họ lan tỏa và có sức ảnh hưởng nhiều hơn trong xã hội. Tuy nhiên, GS Chu Hảo cho biết: “Về những cuốn sách, những công trình nghiên cứu đã được Quỹ lựa chọn để trao giải thì sau khi đoạt giải, tình hình xuất bản cũng không khá hơn. Điều này cũng không quá khó hiểu, bởi đó là sự phản ánh sự xuống cấp thảm hại của nền văn hóa, giáo dục của chúng ta trong giai đoạn gần đây cùng với một nguyên nhân khách quan ví dụ suy thoái kinh tế. Các cuốn sách được các tác giả dồn nhiều công phu, tâm huyết tuy nhiên số lượng xuất bản không quá 2.000 bản/ 90 triệu dân. Người quan tâm đến sách thì không có tiền, người thực sự có tiền thì không mấy ai quan tâm đến sách”.
Trước nỗi băn khoăn về vấn đề tài chính của giải thưởng Phan Châu Trinh- một vấn đề thường trực và đã có “thâm niên”, GS Chu Hảo cho biết: “Vấn đề văn hóa Mạnh Thường Quân cho văn hóa, khoa học, giáo dục ở VN hiện nay không được như thời xưa mà đang mai một dần đi. Có rất nhiều Mạnh Thường Quân sẵn lòng tài trợ cho bóng đá hoặc các cuộc thi sắc đẹp, tuy nhiên, với giải thưởng Phan Châu Trinh thì họ vẫn rất thờ ơ. Có thể vì họ thấy nếu tài trợ cho bóng đá hoặc một cuộc thi hoa hậu thì hình ảnh của họ có thể được quảng bá ngay lập tức, cái đó mình cũng không thể trách được. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng tôi muốn hướng Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh thành một quỹ hoạt động chuyên nghiệp, có ban điều hành, hoạt động bài bản, vận động tài trợ và có thể có cách khiến tiền tài trợ đó sinh lời để đảm bảo ổn định tài chính cho giải thưởng”.
Năm 2012, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao bốn giải thưởng cho sáu cá nhân : 1. Giải Vì sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục cho bà Bùi Trân Phượng và ông Vũ Đức Hiếu; 2. Giải Dịch thuật cho ông Chu Tiến Ánh và ông Phạm Duy Hiển (bút danh Phạm Nguyên Trường); 3. Giải Nghiên cứu cho nhà sử học Lê Thành Khôi; 4. Giải Việt Nam học cho nhà Việt Nam học người Pháp Philippe Langlet. Lễ trao giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh được tổ chức vào hồi 19 giờ ngày 29. 3, tại Phòng hội Sunflower (lầu 1) Khách sạn REX, 141 Nguyễn Huệ - Quận 1 – TP Hồ Chí Minh. Buổi lễ đặt dưới sự chủ trì của Bà Nguyễn Thị Bình – Chủ tịch Quỹ, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Lê Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.