Mất cả tấn thóc, một phụ nữ Thái Nguyên mới làm ra thứ sợi ngon, người ta ăn được quanh năm

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ bảy, ngày 09/03/2024 09:03 AM (GMT+7)
Trải qua 10 năm gắn bó với nghề sản xuất mỳ gạo, chị Trương Thị Hương – Giám đốc HTX Hương Mạnh (xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ) đã có thị trường ổn định, được nhiều khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Năm nay chị đăng ký thương hiệu OCOP cho sản phẩm mỳ gạo.
Bình luận 0

Năm 2014, sau khi lập gia đình, chị Trương Thị Hương - Giám đốc HTX Hương Mạnh (xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã cùng chồng bắt tay vào công việc sản xuất mỳ gạo và duy trì từ đó đến nay.

Mất cả tấn thóc, một phụ nữ Thái Nguyên mới làm ra thứ sợi ngon, người ta ăn được quanh năm- Ảnh 1.

Chị Trương Thị Hương - Giám đốc HTX Hương Mạnh (xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) bắt tay vào làm mỳ gạo từ năm 2014. Ảnh: Hà Thanh

Theo chị Hương, trước khi kết hôn, chồng chị đã từng làm mỳ tráng được một thời gian ngắn, nên sau khi lập gia đình, do không có công việc ổn định, hai vợ chồng đã quyết định đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất mỳ.

Kinh nghiệm lúc đó cũng chưa có nhiều, nên hai vợ chồng vừa làm vừa học hỏi dần. Lần đầu tiên bắt tay vào làm mỳ, vợ chồng chị mất cả một tấn thóc mà không ra được thành phẩm, do không làm đến đâu hỏng đến đó. 

Mất cả một tháng trời bỏ đi làm lại, cuối cùng vợ chồng chị Hương mới cho ra được mẻ mỳ gạo hoàn chỉnh đầu tiên.

Từ đó đến nay, mỳ của gia đình chị làm ra ngày càng chất lượng, được nhiều khách hàng ưa chuộng, nên hàng làm ra đến đâu bán hết đến đó. 

Khách không những mua về ăn mà còn mua làm quà biếu tặng, chính vì vậy có những thời điểm không đủ hàng để bán.

Mất cả tấn thóc, một phụ nữ Thái Nguyên mới làm ra thứ sợi ngon, người ta ăn được quanh năm- Ảnh 3.

Gạo làm mỳ được lựa chọn kỹ lưỡng. Ảnh: Hà Thanh

Do chất lượng sản phẩm được đánh giá cao, nên năm 2022 được sự động viên, hỗ trợ của các cấp, ngành địa phương, vợ chồng chị Hương đã thành lập HTX Hương Mạnh tại xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên với 7 thành viên. 

Hiện nay, HTX đang có hai sản phẩm chính là mỳ bún và mỳ phở được đóng gói với trọng lượng khác nhau.

Để làm ra được sản phẩm mỳ ngon, đạt chất lượng thì việc lựa chọn nguyên liệu hết sức quan trọng. Gạo được chị Hương lựa chọn kỹ lưỡng, không lẫn, là loại gạo khang dân, bao thai trắng và bao thai hồng chuẩn. 

"Mỳ được làm hoàn toàn từ 100% gạo nguyên chất mà không pha trộn bất cứ tạp chất gì, vì vậy gạo ngon thì sẽ cho ra thành phẩm ngon" chị Hương cho hay.

Sau khâu lựa chọn nguyên liệu, gạo sẽ được vo kỹ rồi cho vào ngâm qua một đêm đến sáng hôm sau thì cho vào xay thành bột. 

Sau công đoạn đó, bột sẽ được đưa vào lọc và ép trong khoảng 5 – 6 tiếng, rồi cho vào máy đùn mỳ. Khi mỳ đã ra thành sợi sẽ tiếp tục cho vào ủ qua một đêm đến sáng hôm sau đưa vào bể rửa và phơi khô rồi đóng gói.

Mất cả tấn thóc, một phụ nữ Thái Nguyên mới làm ra thứ sợi ngon, người ta ăn được quanh năm- Ảnh 5.

Bột làm mỳ được xay bằng cối đá giúp mỳ làm ra có chất lượng ngon hơn. Ảnh: Hà Thanh

Trước đây, khi chưa có lò sấy thì việc sản xuất mỳ của gia đình chị Hương phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nếu thời tiết mưa sẽ không thể sản xuất. Nhưng từ khi gia đình đầu tư lò sấy thì ngay cả khi trời mưa vẫn có thể sản xuất mỳ được, tuy nhiên chi phí sẽ cao hơn.

Mất cả tấn thóc, một phụ nữ Thái Nguyên mới làm ra thứ sợi ngon, người ta ăn được quanh năm- Ảnh 6.

Bột sau khi xay được đóng vào bao để lọc và ép. Ảnh: Hà Thanh

Theo chị Hương, thời tiết đẹp nhất để sản xuất mỳ là thời điểm hanh khô từ tháng 7 đến tháng 12 trong năm, khi này sợi mỳ làm ra sẽ đẹp và chất lượng ngon, đồng thời, hạn sử dụng được lâu hơn mà không bị xỉn màu. 

Ngược lại, thời điểm tháng Giêng, tháng hai và tháng 3 mỳ làm ra sẽ rất hay bị gãy. Còn tháng 5, tháng 6 do thời tiết nắng gắt nên mỳ chỉ sử dụng được trong khoảng thời gian ngắn 15 ngày là đã xuống màu, bởi vậy thời điểm đó, gia đình chị chỉ làm mỳ để giao cho khách chứ không để hàng dự trữ.

Mất cả tấn thóc, một phụ nữ Thái Nguyên mới làm ra thứ sợi ngon, người ta ăn được quanh năm- Ảnh 7.

Thời tiết đẹp nhất để làm mỳ là thời điểm từ tháng 7 đến tháng 12 trong năm. Ảnh: Hà Thanh

Điểm khác biệt đối với sản phẩm mỳ gạo của gia đình chị Hương đó là sợi mỳ có màu trắng trong, khi nấu lên có độ dai, giòn chứ không bị nhão, sau khi nấu có thể để trong thời gian dài mà không bị nát như nhiều loại mỳ gạo trên thị trường hiện nay. 

Có được chất lượng như vậy là do chị Hương sử dụng loại cối đá để xay bột chứ không dùng máy nghiền bột khô, vì theo chị Hương khi sử dụng máy nghiền bột khô, sợi mỳ sẽ không có độ trắng trong mà có màu đục, khi nấu bị nhão, ảnh hưởng đến chất lượng.

Chị Hương chia sẻ, thời điểm gia đình bán hàng chạy nhất là từ tháng 12 (tháng giáp tết Nguyên đán) đến tháng Giêng, tháng hai năm sau. Với hai dàn máy, một máy đùn và một dàn máy tráng như hiện nay, trung bình mỗi ngày, gia đình chị Hương sản xuất từ 2,5 – 4 tạ mỳ tuỳ từng thời điểm. Để duy trì việc sản xuất và tiêu thụ mỳ, hiện gia đình chị Hương đang sử dụng 3 lao động gồm hai vợ chồng chị và thêm một lao động thuê theo ngày.

Mất cả tấn thóc, một phụ nữ Thái Nguyên mới làm ra thứ sợi ngon, người ta ăn được quanh năm- Ảnh 8.

Sản phẩm được đóng gói để xuất bán ra thị trường. Ảnh: Hà Thanh

Hiện nay, sản phẩm mỳ gạo của gia đình chị Hương ngoài bán ra thị trường cho người dân và các đại lý trên địa bàn Thái Nguyên còn được đưa vào các siêu thị, các trạm dừng xe và xuất bán đi một số tỉnh, thành như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng…

Sản phẩm mỳ gạo đang được gia đình chị Hương bán với giá dao động từ 25.000 – 30.000đ/kg tuỳ từng loại gạo. Còn một số sản phẩm đưa vào siêu thị có giá bán 50.000 – 60.000đ.kg. Đến nay, sản phẩm đã được đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ với bao bì sản phẩm chất lượng.

Mất cả tấn thóc, một phụ nữ Thái Nguyên mới làm ra thứ sợi ngon, người ta ăn được quanh năm- Ảnh 9.

Hiện các sản phẩm mỳ gạo của HTX đã có bao bì, mẫu mã và tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Hà Thanh

Dự định trong thời gian tới, gia đình chị Hương sẽ đầu tư thêm một dàn máy đùn mỳ nữa để mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu sản phẩm đưa ra thị trường. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của HTX đó là vẫn đang thiếu về nguồn vốn nên chị Hương mong muốn sẽ được các cấp, ngành hỗ trợ để mở rộng quy mô và xây dựng phòng trưng bày sản phẩm.

Mất cả tấn thóc, một phụ nữ Thái Nguyên mới làm ra thứ sợi ngon, người ta ăn được quanh năm- Ảnh 10.

Chị Hương đang hoàn tất các thủ tục để đăng ký xây thương hiệu OCOP cho sản phẩm mỳ gạo của HTX trong năm nay. Ảnh: Hà Thanh

Đến thời điểm hiện tại, chị Hương đang hoàn tất các thủ tục giấy tờ về an toàn vệ sinh thực phẩm để đăng ký thi sản phẩm OCOP trong năm nay. "Hi vọng sau khi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP sẽ là cơ hội giúp HTX mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó giúp sản phẩm đi xa hơn, khẳng định uy tín trên thị trường, tạo thêm thu nhập cho người lao động" chị Hương bày tỏ mong muốn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem