Bỏ nghề mổ lợn, một người Thái Nguyên chuyển sang làm món bánh "tuổi thơ" này, bán đắt hàng

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ hai, ngày 04/03/2024 05:34 AM (GMT+7)
Trải qua một thời gian dài làm nghề giết mổ lợn, sau khi lập gia đình, anh Lương Văn Trọng (xóm Tân Thành, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đã quyết định chuyển sang công việc sản xuất bánh đa, tạo thương hiệu riêng, được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Bình luận 0

Từ một người chuyên giết mổ lợn, anh Lương Văn Trọng, xóm Tân Thành, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã chuyển sang công việc sản xuất bánh đa thủ công, xây dựng được thương hiệu sản phẩm riêng, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Trọng cho biết: Trước khi đến với nghề làm bánh đa như hiện nay, anh đã có một thời gian dài làm nghề giết mổ lợn. Sau khi lập gia đình, do quê ngoại ở Bắc Giang có nghề làm bánh đa truyền thống nên được sự động viên của vợ, năm 2006 anh đã cùng với vợ quyết định chuyển sang nghề này.

Bỏ nghề mổ lợn, một người Thái Nguyên chuyển sang làm món bánh "tuổi thơ" này, bán đắt hàng- Ảnh 1.

Năm 2006, anh Lương Văn Trọng, xóm Tân Thành, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên bắt tay vào công việc sản xuất bánh đa. Ảnh: Hà Thanh

Ban đầu khi bắt tay vào công việc làm bánh đa, vợ chồng anh cũng gặp phải rất nhiều khó khăn do là địa bàn mới nên chưa tiếp cận được thị trường. Thời gian đầu khi sản xuất ra, sản phẩm của gia đình anh chủ yếu bán cho những người quen, sau đó dần dần khi đã được nhiều khách hàng ưa chuộng thì anh bắt đầu tiếp cận và đưa sản phẩm vào các nhà hàng với số lượng ngày một lớn dần.

Để làm ra được chiếc bánh đa ngon, theo anh Trọng việc lựa chọn nguyên liệu ban đầu là vô cùng quan trọng. Gạo làm bánh đa phải là loại gạo không dẻo, không sâu bệnh như gạo khang dân, C70, vì gạo dẻo khi làm sẽ không nở, còn nếu là gạo bị sâu bệnh khi làm ra sẽ không thơm. Đối với vừng cũng phải lựa chọn vừng chuẩn, sau đó mang về lọc và rửa sạch rồi phơi khô.

Quy trình sản xuất bánh đa trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Tất cả các công đoạn đều phải dựa vào kinh nghiệm và cảm nhận của người sản xuất.

Sau khi đã lựa chọn được gạo và vừng chuẩn, gạo sẽ được cho vào nghiền thành bột nước sau đó pha trộn với đường, mật mía hoặc muối tuỳ theo khẩu vị của từng người với tỷ lệ phù hợp. Công đoạn tiếp theo, bánh sẽ được tiến hành tráng thủ công bằng tay với nồi hơi, sau đó rắc vừng và đậy vung lại để ủ hơi cho đến khi bánh chín.

Bỏ nghề mổ lợn, một người Thái Nguyên chuyển sang làm món bánh "tuổi thơ" này, bán đắt hàng- Ảnh 2.

Bột sau khi nghiền được đưa vào tráng bằng nồi hơi. Ảnh: Hà Thanh

Bỏ nghề mổ lợn, một người Thái Nguyên chuyển sang làm món bánh "tuổi thơ" này, bán đắt hàng- Ảnh 3.

Bánh có sự kết hợp của bột gạo, đường, mật mía và muối nên lên màu vàng ruộm, đẹp mắt. Ảnh: Hà Thanh

Tiếp đến, bánh được đưa ra phơi ngoài trời dưới điều kiện thời tiết tự nhiên. Trong quá trình phơi cần chú ý, phơi từ từ phải đạt 3 nắng mới đảm bảo, vì nếu phơi nhanh quá bánh sẽ dễ bị nổ, vỡ.

Bỏ nghề mổ lợn, một người Thái Nguyên chuyển sang làm món bánh "tuổi thơ" này, bán đắt hàng- Ảnh 4.

Bánh sau khi tráng sẽ được đưa ra phơi ngoài trời trong điều kiện thời tiết tự nhiên đến khi khô kiệt. Ảnh: Hà Thanh

Bên cạnh đó, việc lựa chọn loại than để nướng bánh cũng rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến chất lượng của bánh trong quá trình nướng. Than được anh Trọng lựa chọn để nướng bánh đa là than hoa (than củi) chứ không sử dụng một số loại than khác như than đá vì nhiệt độ của loại than này rất cao nên nướng bánh sẽ không chín thấu và rất dễ bị cháy do không thể điều chỉnh được nhiệt độ theo ý muốn.

Bỏ nghề mổ lợn, một người Thái Nguyên chuyển sang làm món bánh "tuổi thơ" này, bán đắt hàng- Ảnh 5.

Than để nướng bánh đa phải là than củi thì nướng bánh mới chín thấu và không bị cháy. Ảnh: Hà Thanh

Anh Trọng cho biết, việc làm bánh đa phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết. Vì gia đình anh chỉ lựa chọn phơi bánh đa ngoài tự nhiên, chứ không sử dụng lò sấy, bởi theo anh Trọng bánh sấy trong lò sẽ không được đẹp và ăn không thơm ngon, không xốp. Ngoài ra khi sấy trong lò, bánh sẽ bị co, không nở nên không có độ mỏng.

Thông thường cứ 3 ngày gia đình anh sẽ cho ra một mẻ bánh đa. Muốn bánh đa xốp và giòn thì phải phơi kỹ, phơi đi phơi lại nhiều lần cho khô kiệt. Trung bình mỗi ngày, vợ chồng anh sản xuất được khoảng 700 chiếc bánh, trong đó mỗi kg gạo làm ra được khoảng 12 chiếc bánh đa. Với giá bán sỉ hiện tại 5.000đ/chiếc, tính ra mỗi kg gạo gia đình anh lãi khoảng 15.000 – 17.000đ.

Bỏ nghề mổ lợn, một người Thái Nguyên chuyển sang làm món bánh "tuổi thơ" này, bán đắt hàng- Ảnh 6.

Trung bình mỗi ngày, vợ chồng anh Trọng sản xuất được khoảng 700 chiếc bánh đa. Ảnh: Hà Thanh

Để cạnh tranh với các sản phẩm bánh đa khác trên thị trường, theo anh Trọng khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào là quan trọng nhất. Nguyên liệu phải đảm bảo chất lượng thì bánh làm ra mới ngon và đạt tiêu chuẩn.

Bỏ nghề mổ lợn, một người Thái Nguyên chuyển sang làm món bánh "tuổi thơ" này, bán đắt hàng- Ảnh 7.

Bánh sau khi nướng chín có độ mỏng, giòn, xốp, thơm ngon. Ảnh: Hà Thanh

Hiện tại, bánh của gia đình anh Trọng chủ yếu được đưa vào các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được nhiều khách hàng ưa chuộng, tuy nhiên sản phẩm làm ra luôn trong tình trạng không đủ hàng để bán. Với công việc sản xuất bánh đa như hiện nay, mỗi tháng vợ chồng anh Trọng có thu nhập trung bình khoảng 10 triệu đồng/người.

Dự định trong thời gian tới, gia đình anh sẽ mở rộng thêm quy mô sản xuất để đáp ứng hàng hoá phục vụ thị trường và tạo thêm công ăn việc làm cho bà con tại địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem