Mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao: Đàn ông và phụ nữ đều chịu hệ lụy

Diệu Linh Thứ hai, ngày 06/07/2020 06:00 AM (GMT+7)
Một trong những vấn đề nóng tại hội nghị chuyên đề công tác dân số toàn quốc năm 2020 vừa diễn ra tại Ninh Bình là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Dù đã có nhiều biện pháp để kìm hãm, “kéo” sự mất cân bằng về tự nhiên nhưng sự thay đổi còn chậm.
Bình luận 0

Nguy cơ "thiếu vợ" cận kề

Theo báo cáo của Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS- KHHGĐ) TP.Hà Nội, sau nhiều nỗ lực trong công tác dân số, tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội đã giảm từ 114,5 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2015 xuống còn 113,2 trẻ trai/100 trẻ gái trong 6 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, hiện tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội vẫn cao hơn so với 6 tháng đầu năm 2019 (112,8 trẻ trai/100 trẻ gái).

Mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao: Đàn ông và phụ nữ đều chịu hệ lụy  - Ảnh 1.

Ngành dân số đang nỗ lực để kéo giảm tỷ lệ giới tính khi sinh, hướng đến tỷ lệ 111/110 vào năm 2025 (ảnh minh họa). T.L

Ông Tạ Quang Huy - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP.Hà Nội cho biết, Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong năm 2020, Hà Nội phấn đấu duy trì tỷ số giới tính khi sinh đạt 113 trẻ trai/100 trẻ gái.

Báo cáo của Tổng cục DS - KHHGĐ, 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có hơn 570.000 trẻ được sinh ra, trong đó số trẻ nam là gần 299.000, trẻ nữ là hơn 271.500. Tỷ lệ giới tính khi sinh hiện nay là 110,5 bé trai/100 bé gái. Dự tính năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh là 111,5 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, để tỷ số giới tính khi sinh đạt mức cân bằng tự nhiên là 104-106 bé trai/100 bé gái thì vẫn còn rất xa.

Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cũng chỉ ra chỉ số mất cân bằng giới tính khi sinh của khu vực thành thị thấp hơn nông thôn, tương ứng là 110,8 và 111,8 bé trai/100 bé gái. Các vùng cũng có sự chênh lệch đáng kể, như Đồng bằng sông Hồng (115,5 bé trai/100 bé gái) và thấp nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (106,9 bé trai/100 bé gái).

Một đặc điểm cũng rất bất ngờ là tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam cao ngay trong lần sinh đầu tiên (110,2/100). Điều này chỉ ra rằng, các bà mẹ có trình độ văn hóa cao sẽ tìm tới các cách hiện đại để lựa chọn giới tính thai nhi ngay lần sinh đầu tiên "cho chắc ăn". Còn tại lần sinh thứ hai, số liệu cho thấy áp lực sinh con trai đã được giảm bớt và đưa tỷ số giới tính khi sinh quay trở về gần với mức cân bằng sinh học.

Ông Nguyễn Văn Tân - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS – KHHGĐ nhận định, mất cân bằng giới tính khi sinh cũng đang là là vấn đề cấp thiết mà Việt Nam cần phải giải quyết ngay, giải quyết sớm. Nếu không có ngày, đàn ông Việt rơi vào tình trạng không có phụ nữ để cưới. Trong nhiều năm qua, dù đã cố gắng với tuyên truyền, siết chặt kiểm tra, xử phạt việc lựa chọn giới tính thai như nhưng tỷ số sinh ở Việt Nam vẫn dao động ở khoảng trên 110 bé trai/bé gái. Năm 2018 là 114,5 bé trai/100 bé gái, năm 2019 là hơn 111/100 nhưng vẫn còn khá cao.

"Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì ước tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ dư thừa 2,3 - 4,3 triệu đàn ông. Lúc đó sẽ nhiều hệ lụy xã hội về lao động, việc làm, an ninh trật tự đến hạnh phúc gia đình..." - ông Tân cho biết.

Ông Tân kể thêm, ông vừa đọc được thông tin chuyên gia dân số Trung Quốc đã đề xuất chế độ "đa phu" – một vợ nhiều chồng nhằm giải quyết tình hình "thiếu vợ" đang trở thành vấn đề nan giải của đất nước này. Giải pháp này cũng đồng thời cũng thúc đẩy sinh nhiều con vì 3-4 cha mẹ sẽ nuôi được nhiều trẻ em hơn do phụ nữ Trung Quốc ngày càng lười đẻ. Thậm chí, chuyên gia này còn đề xuất... hợp pháp hóa mại dâm để đáp ứng nhu cầu tình dục cho đàn ông thiếu bạn tình. Nguyên nhân có giải pháp "cùng bất đắc dĩ" này là do Trung Quốc đang thiếu 34 triệu "bà vợ", hệ lụy của chính sách sinh 1 con và lựa chọn giới tính thai nhi, dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh. Đây là bài học lớn cho Việt Nam.

"Đừng nghĩ rằng thiếu phụ nữ thì chị em sẽ có giá. Việc khan hiếm cô dâu sẽ khiến phụ nữ dễ bị chèn ép, giành giật, biến thành "món hàng" có giá như: ép phụ nữ kết hôn sớm, tỷ lệ ly hôn và tái hôn cao, nguy cơ bị giành giật bạn đời, gia tăng tình trạng buôn bán phụ nữ, mại dâm, xâm hại tình dục, bạo lực gia đình...

Càng có học càng... "trọng nam khinh nữ"

Phân tích kết quả điều tra dân số tại Việt Nam, các chuyên gia dân số nhận định, Việt Nam có nhiều điều khác biệt so với nhiều nước châu Á. Thông thường người ta sẽ cho rằng bà mẹ trình độ văn hóa thấp thì sẽ có tư tưởng phong kiến nặng nề, trọng nam khinh nữ, muốn đẻ con trai cho nhà chồng để nối dõi, thờ phụng tổ tiên nhà chồng. Tuy nhiên, ở Việt Nam lại trái ngược hoàn toàn.

Theo đó, tỷ số giới tính khi sinh tăng từ mức 106 – 111 ở các bà mẹ có trình độ tiểu học lên mức 113 ở các mẹ có trình độ trung học phổ thông và cuối cùng là 115 ở bậc đại học trở lên (Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 1/4/2014). Điều đáng ngạc nhiên là ở nhóm những bà mẹ chỉ đi học có 3 năm thì tỷ số giới tính khi sinh tương tự mức sinh học tự nhiên là 105.

Một đặc điểm tiếp theo cũng rất bất ngờ nữa đó là tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam cao ngay trong lần sinh đầu tiên (110,2/100). Điều này chỉ ra rằng, các bà mẹ có trình độ văn hóa cao sẽ tìm tới các cách hiện đại để lựa chọn giới tính thai nhi ngay lần sinh đầu tiên "cho chắc ăn". Còn tại lần sinh thứ hai, số liệu cho thấy áp lực sinh con trai đã được giảm bớt và đưa tỷ số giới tính khi sinh quay trở về gần với mức cân bằng sinh học.

Tuy nhiên, tại lần sinh thứ ba trở lên, áp lực bắt buộc phải có con trai được thể hiện một cách mạnh mẽ nhất. Tỷ số giới tính khi sinh ở lần này tăng lên rất cao 120,2 trẻ trai/100 trẻ gái; đặc biệt là đối với các cặp vợ chồng chưa có con trai, tỷ số này lên tới 148,4/100.

Ông Tân cho rằng, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tăng cao ở bà mẹ có học thức là do chị em dù có học thì vẫn nặng tâm lý ưa thích con trai. Đồng thời họ có học thức, có tiền nên đã sử dụng các biện pháp lựa chọn giới tính thai nhi hiện đại: Siêu âm, kích trứng, chọn ngày thụ thai, lọc tinh trùng...

Nghị định 176/2013 của Chính phủ đã quy định mức xử lý các hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi như: bán, cho thuê, phân phát đưa lên mạng Internet các ấn phẩm có nội dung về phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi; siêu âm cung cấp giới tính thai nhi... Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến.

Tại đợt thanh tra, kiểm tra vừa diễn ra của Tổng cục DS - KHHGĐ, đoàn kiểm tra vẫn phát hiện tình trạng nhà sách để "lọt" sách hướng dẫn cách sinh con trai con gái và được bày bán công khai cho khách hàng. Cụ thể, tại Hiệu sách Nhân dân (đường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội), có bày bán cuốn "Hải Thượng Lãn Ông - Y tông tâm linh (quyển 1) của Nhà xuất bản Y học có chứa nội dung vi phạm về tuyên truyền, phổ biến, tư vấn phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn. Trước đó, cuốn sách này cũng từng được phát hiện bày bán tại Hiệu sách Thăng Long và Công ty CP sách Việt Nam (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tại thời điểm kiểm tra trong năm 2019.

Tuy nhiên, sách, tài liệu hướng dẫn sinh con trai, con gái, lựa chọn giới tính ở các nhà sách còn phát hiện, tịch thu được. Nhưng các tài liệu tương tự đăng tải trên mạng xã hội, nhất là các trang có máy chủ đặt ở nước ngoài khá khó khăn. Ngoài ra, việc phát hiện các phòng khám siêu âm, khám sản thông báo giới tính thai nhi cũng rất khó khăn. Họ thường có những cách dùng tiếng lóng, dùng ám chỉ để thông báo.... nên tìm ra bằng chứng để bắt quả tang, xử phạt không dễ... 

Ông Nguyễn Văn Tân - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS – KHHGĐ:

Tiếp tục nâng cao vị thế của phụ nữ

Về các giải pháp, theo tôi quan trọng là tuyên truyền để làm thay đổi các quan niệm "thâm căn cố đế" như: Con trai nối dõi, thờ cúng tổ tiên, nuôi cha mẹ lúc về già… Trong xã hội hiện nay, nhiều bằng chứng cho thấy giá trị phụ nữ và đàn ông là như nhau trong đóng góp kinh tế, chăm lo gia đình. Con gái được nuôi dạy tốt cũng thành đạt, kiếm tiền giỏi, hoàn toàn đảm nhiệm được công việc chăm sóc bố mẹ già.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc là họ đã nâng cao vị thế của phụ nữ, chị em chủ động tài chính, tự quyết định cuộc đời mình, không cần phải "nhìn mặt nhà chồng" sinh con trai cho bằng được nữa. Nhờ đó, Hàn Quốc đã sớm cân bằng giới tính khi sinh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem