“Mát tay” trồng đào cảnh, nhanh chóng thành triệu phú

Thu Hà Thứ bảy, ngày 28/04/2018 16:06 PM (GMT+7)
Toàn xã Nam Mỹ, huyện Nam Trực (Nam Định) có hơn 305ha đất nông nghiệp thì diện tích trồng đào là 75ha với trên 1.600 hộ trồng đào.
Bình luận 0

Cây đào đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ nông dân trong xã với mức thu nhập bình quân 200-250 triệu đồng/hộ/năm.

Phát huy thế mạnh địa phương

img

Theo thống kê của Hội Nông dân xã Nam Mỹ, đến nay trên địa bàn xã có trên 1.600 hộ trồng đào, chiếm 74% số hộ nông dân trong xã. Nhà nhiều thì 1-2 mẫu, hộ ít cũng 5-7 sào.

Đặc biệt, phong trào trồng đào xã Nam Mỹ ngày càng phát triển từ khi UBND tỉnh ra quyết định công nhận làng nghề trồng đào, cây cảnh xã Nam Mỹ. Bám sát lợi thế đó, làng nghề trồng hoa đào đang từng bước phát triển mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương.

Bà Trần Thị Hương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Mỹ cho biết: Ban đầu các hộ dân chỉ trồng đào tại khuôn viên vườn nhà, sau đó đã mở rộng diện tích bằng cách chuyển đổi các vùng diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đào.

Qua quá trình tìm hiểu và học cách ghép hoa đào từ làng hoa Nhật Tân, vào năm 1997, các ông Trần Ngọc Lâm, Trần Ngọc Chiến ở xóm Tân Dân đã tự nhân ghép thành công và đưa các cây đào giống vào trồng với nhiều chủng loại và phong phú như: Đào bích, đào phai, đào thất thốn, đào bạch.

img

Sau học nghề trồng hoa cây cảnh, nhiều nông dân trồng đào cảnh ở Nam Định đã có thu nhập cao.  Ảnh: Thu Hà

"Sau học nghề, có 80% học viên tìm được việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Không những thế, một số học viên còn mở gia trại, trang trại tại địa phương vươn lên trở thành các điển hình sản xuất kinh doanh giỏi”.

Ông Phạm Xuân Hiểu

Năm 2010, các hộ dân đã mạnh dạn mua gốc đào rừng về ghép với giống đào bích, đào phai đã cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với đào thường. Điển hình như hộ ông Trần Phát Thụ, Trần Phát Ý (xóm Tân Dân); ông Triệu Văn Hướng, Triệu Văn Huyền (xóm Tiền Phong) …, hàng năm cho thu nhập từ 200-250 triệu/đồng.

Tuy nhiên, theo nhiều hộ nông dân trong xã, thu nhập từ nghề trồng đào phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Là một trong những hộ tiên phong trồng đào cảnh ở Nam Mỹ, ông Triệu Văn Hướng (xóm Tiền Phong 1) cho biết: “Để đào ra hoa đúng vào dịp tết, tùy theo thời tiết từng năm và tình hình sinh trưởng của cây để điều chỉnh lượng phân bón nhằm hạn chế sự tăng trưởng của thân, lá. Kỹ thuật chăm sóc cây đào khá cầu kỳ, vất vả, từ uốn nắn, tỉa cành và hãm đào, trong đó đòi hỏi kinh nghiệm cao của người làm đào. Nếu thời tiết thuận lợi, người dân mới phần nào được bù đắp lại công sức vất vả”.

Hỗ trợ nông dân sau học nghề

Nhằm hỗ trợ hội viên nông dân trong xã phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, những năm qua, Hội Nông dân xã Nam Mỹ đã tích cực tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm trồng đào giữa các hộ nông dân. Từ năm 2012 đến nay, Hội Nông dân xã Nam Mỹ đã phối hợp với các ngành chức năng, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh dạy nghề, đào tạo cho hơn 350 lao động nông thôn.

Song song với quá trình đào tạo nghề, nhiều năm qua, Hội Nông dân xã đã làm tốt các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ, tư vấn việc làm nhằm giúp cho người học được áp dụng những kiến thức sau mỗi khóa học.

Ông Phạm Xuân Hiểu – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Nam Định) cho biết: Năm 2017, Trung tâm đã tổ chức 16 lớp dạy nghề, đào tạo cho 526 lao động nông thôn với các nghề: May công nghiệp; trồng cây lương thực, thực phẩm; chăm sóc, cắt tỉa, chăn nuôi… Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp các trung tâm dạy nghề trong tỉnh đào tạo nghề cho 2.000 lao động nông thôn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem