Máy bay không người lái bay lượn trên cánh đồng lúa An Giang, nông dân đứng trên bờ chỉ việc bấm điện thoại

Chủ nhật, ngày 28/08/2022 05:10 AM (GMT+7)
Nhanh chóng, tiện lợi, giảm công sức canh tác, lại an toàn cho nông dân… đó là những ưu thế khi sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) trong canh tác nông nghiệp mà nhiều nông dân An Giang triển khai thời gian qua. Không chỉ sử dụng cho mảnh ruộng gia đình, nông dân còn làm dịch vụ để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Bình luận 0

Vài năm gần đây, việc sử dụng drone đang dần trở nên phổ biến đối với nông dân. Không riêng gì đối với sản xuất lúa, drone còn được sử dụng trong canh tác cây ăn trái… Việc sử dụng drone trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần giảm thất thoát thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), giảm chi phí, giảm công phun xịt, đồng thời giúp nông dân an toàn trong sản xuất nông nghiệp…

Mặc dù chi phí ban đầu đầu tư khá cao, hơn 400 triệu đồng, nhưng khi đưa vào sử dụng, anh Lý Văn Tu (xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang) rất tâm đắc khi sử dụng drone để phun thuốc trừ sâu cho ruộng lúa và vườn xoài của gia đình. Anh Tu cho biết, trước đây sử dụng phương pháp phun xịt truyền thống, nông dân mất nhiều thời gian và công sức để phun xịt, di chuyển...

Với thiết bị bay này, anh Tu chỉ cần đứng trên bờ ruộng điều khiển thiết bị bay đến ruộng lúa, ấn nút là máy tự động phun thuốc trừ sâu. Tốc độ phun của máy rất cao, trung bình 1 giờ phun được 50 công (50.000m2). Lượng thuốc phun ra đều và thấm sâu vào hầu hết các bộ phận trên cây lúa. 

Thiết bị này có 3 chức năng chính: Bơm, xả, rửa, nên anh không cần động tay đến việc phun hay rửa bình sau khi phun.  Hiện nay, ngoài phục vụ cho ruộng lúa và vườn cây ăn trái hơn 1ha, anh Lý Văn Tu còn nhận phun thuốc thuê cho các thửa ruộng khác khi nông dân có nhu cầu, với mức giá 180.000 đồng/ha.

Ở huyện miền núi Tri Tôn, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư drone để phục vụ sản xuất, đồng thời mở rộng làm thêm dịch vụ. Thấy được cơ hội “làm ăn” từ thiết bị này, ông Nguyễn Thọ Trường (xã Tân Tuyến) đã mạnh dạn đầu tư khoảng 400 triệu đồng để mua thiết bay không người lái. 

Ông Trường cho biết, trong một lần xem trình diễn drone phun thuốc trên đồng ruộng, ông rất thích thú với công nghệ mới này, từ đó ông Trường bỏ nhiều thời gian để tính toán hiệu quả của thiết bị mang lại. Sau thời gian dài suy nghĩ, ông quyết định sắm drone để sử dụng cho 12ha đất của gia đình, đồng thời làm dịch vụ.

Máy bay không người lái bay lượn trên cánh đồng lúa An Giang, nông dân đứng trên bờ chỉ việc bấm điện thoại - Ảnh 2.

Nhiều nông dân sử dụng thiết bị bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp

Theo ông Trường tính toán, mỗi drone có giá dao động 400-700 triệu đồng. Thời gian trung bình mất 7 phút/ha ruộng lúa, khoảng 3 bình thuốc sẽ thay pin một lần. 

Mỗi ngày một drone phun từ 30-70ha tùy vào khoảng cách giữa các thửa ruộng cần phun thuốc. Chi phí thuê drone khoảng 160.000 đồng/ha, trừ chi phí nhân công khoảng 20% (người lái, 1-2 người phụ tá), nhiên liệu 30%, chưa tính khấu hao máy móc, ông Trường có thể thu về lợi nhuận khoảng 2-3 triệu đồng/ngày.

Ngoài các ưu điểm về sự nhanh chóng, tiện lợi, thiết bị bay không người lái drone nhờ tích hợp các tính năng gieo sạ, bón phân, phun thuốc BVTV… nên giúp giảm nhân công lao động và quan trọng nhất bảo vệ sức khỏe người nông dân, do không cần trực tiếp phun thuốc BVTV như trước đây. Điều này được anh Nguyễn Văn Lợi (đại diện Hợp tác xã (HTX) Phú Thượng, xã Phú Thành, huyện Phú Tân) khẳng định sau khi sử dụng drone.

Anh Lợi cho biết, tổng diện tích sản xuất của HTX thực hiện mỗi vụ khoảng 700ha. Hiện nay, giá thuê nhân công làm việc đồng áng khá cao và không có lao động. Qua tìm hiểu thiết bị bay “3 trong 1” trên internet nhận thấy, thiết bị này giảm rất nhiều công lao động cho sản xuất lúa, thời gian phun, sạ được rút ngắn nên HTX mong muốn được sở hữu thiết bị này. 

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, HTX Phú Thượng đã đăng ký mua 1 thiết bị drone chi phí 630 triệu đồng, trong đó Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 50%.

Bình quân 1 ngày, drone phun xịt khoảng 5ha, thu về khoảng 400.000 đồng. Mỗi vụ, ước tính phun xịt dịch vụ khoảng 300ha, trừ chi phí còn lời 24 triệu đồng. Theo tính toán của anh Lợi, với nguồn thu này phải mất hơn 10 vụ mới có thể thu hồi vốn. Tuy nhiên, thiết bị này có thể làm dịch vụ lâu dài nên khả năng sinh lời là rất cao.

Theo đánh giá của nhiều nông dân, chi phí khi thuê drone thấp hơn rất nhiều so với thuê lao động. Trung bình 1ha đất, drone sẽ phun từ 10-15 phút, chi phí cho mỗi lần phun 160.000 đồng/ha. Nếu tính theo giá lao động hiện nay, phải tốn khoảng 300.000 đồng/ha.

Bên cạnh đó, sử dụng drone sẽ tiện lợi rất nhiều so với phun, xịt truyền thống. Bởi nông dân chỉ cần đứng một chỗ và điều khiển thiết bị, không phải mang từng bình thuốc BVTV vào tận ruộng để phun làm hư hao lúa theo từng lối đi. 

Đặc biệt, thiết bị bay không người lái phun thuốc BVTV giúp giảm 90% lượng nước và 30% thuốc BVTV. Vì thế, tránh được sự tiếp xúc giữa con người với thuốc BVTV, giúp đảm bảo an toàn hơn về sức khỏe cho nông dân.

Đức Toàn (Báo An Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem