Thua kém hoàn toàn Nga, MỹLực lượng không quân chiến thuật của Trung Quốc (TQ) bao gồm khoảng 76 chiếc Su-27SK, 90 chiếc Su-30MKK/MK2 (đều mua của Nga), 200 chiếc J-10A/B, 140 chiếc tiêm kích J-11A/B sản xuất theo giấy phép từ Nga (sau đó TQ đã tự ý hủy giấy phép và sao chép thành J-11B), 72 chiếc máy bay cường kích JH-7 cùng một số lượng hơn 600 chiếc máy bay thế hệ cũ hơn như J-8, J-7, Q-5.
Mặc dù số lượng máy bay chiến thuật hiện đại của TQ tương đối nhiều, chất lượng khá cao so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực nhưng lực lượng không quân TQ (PLAAF) lại khá yếu trong lĩnh vực máy bay ném bom chiến lược.
Năng lực máy bay ném bom chiến thuật của TQ vừa thiếu lại vừa yếu, so với các cường quốc quân sự khác như Nga, Mỹ thì năng lực máy bay ném bom chiến lược của TQ kém xa rất nhiều so với hai cường quốc nói trên.
Đối với bất kỳ quốc gia nào muốn xây dựng một lực lượng quân sự hùng mạnh, “xưng hùng xưng bá” với thế giới thì không thể thiếu sức mạnh trong lĩnh vực máy bay ném bom chiến lược. Máy bay ném bom chiến lược chính là một trong bộ ba răn đe hạt nhân, thiếu nó thì khó lòng trở thành cường quốc quân sự thật sự.
Năng lực ném bom chiến lược của TQ đang được đặt lên đôi cánh “già cỗi” của những chiếc máy bay ném bom H-6, đây là một biến thể sản xuất tại TQ của máy bay ném bom Tu-16. H-6 có chuyến bay đầu tiên vào năm 1959, tính đến những năm 1990 có khoảng 150 chiếc đã được sản xuất.
“Đôi cánh già cỗi” H-6
Máy bay ném bom phản lực H-6
H-6 là một máy bay ném bom phản lực 2 động cơ, máy bay có thiết kế theo quy ước của những máy bay ném bom tiêu chuẩn. Động cơ được bố trí ở hai bên hông máy bay, cánh chính được bố trí ngay phía bên ngoài động cơ, máy bay có 2 cánh ổn định phía đuôi cùng một cánh đuôi đứng.
Máy bay ném bom này rất dễ nhận biết bởi cửa hút không khí nằm ngay hai bên hông ở vị trí cánh chính chứ không nằm bên dưới như các loại máy bay ném bom khác. Đuôi máy bay được trang bị một ụ pháo phòng không 23mm, phía trên lưng được trang bị một tháp pháo điều khiển từ xa 23mm, dưới bụng máy bay cũng được trang bị một tháp pháo 23mm điều khiển từ xa khác, tổng số pháo được trang bị lên đến 7 khẩu.
Khoang chứa bom của H-6 có thể mang theo khoảng 9 tấn bom. Máy bay có chiều dài 34,8m, sải cánh 33m, chiều cao 10,36m. Trọng lượng rỗng 37,2 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 79 tấn, tốc độ tối đa 1.050km/h, tốc độ hành trình 768km/h, phạm vi hoạt động 6.000km, phi hành đoàn 4 người.
Vào cuối những năm 1990, phi đội máy bay ném bom H-6 bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong giai đoạn này TQ đang dồn sức phát triển lực lượng máy bay chiến thuật hiện đại nhằm thu hẹp khoảng cách chất lượng so với không quân các nước trong khu vực nên phi đội H-6 dường như bị “lãng quên”.
Đầu những năm 2000, TQ bắt đầu quá trình hiện đại hóa phi đội máy bay ném bom H-6 để hoạt động với vai trò máy bay ném bom chiến lược cũng như trang bị tên lửa hành trình cho nhiệm vụ tấn công tầm xa.
H-6 đã trải qua khá nhiều biến thể nâng cấp khác nhau nhưng chỉ có 2 biến thể nâng cấp gần đây là H-6M và H-6K là được chú ý nhiều nhất bởi nó đã thay đổi khá nhiều vai trò của loại máy bay ném bom này. Trong đó H-6M là biến thể nâng cấp được thực hiện vào khoảng giai đoạn 2002, biến thể này đang được sử dụng cho không quân hải quân TQ.
Có rất ít thông tin chi tiết về quá trình nâng cấp của biến thể H-6M. Tuy nhiên qua các bức ảnh được công bố trên các trang mạng quốc phòng của TQ thì biến thể H-6M tháo bỏ toàn bộ các pháo 23mm thay vào đó là các thiết bị điện tử mới cùng các thùng chứa nhiên liệu để tăng phạm vi hoạt động.
Dưới cánh biến thể này được trang bị bốn điểm treo lớn mang theo 4 tên lửa chống hạm YJ-81 tầm bắn khoảng 120km. Ngoài nhiệm vụ chống hạm, H-6M cũng có thể trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất KD-88 (biến thể tấn công mặt đất của tên lửa chống hạm C-802), tên lửa KD-88 có tầm bắn khoảng 180-200km.
Biến thể nâng cấp mới nhất của H-6 là H-6K, biến thể này thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2007. H-6K được đánh giá là biến thể nâng cấp hiện đại nhất của gia đình H-6. Biến thể H-6K có khá nhiều thay đổi so với các biến thể trước đó.
H-6K được trang bị 2 động cơ phản lực cánh quạt NPO Saturn D-30KP-2 của Nga, loại động cơ này đang được sử dụng cho máy bay vận tải IL-76MD của Nga. Động cơ mới được đánh giá tiết kiệm nhiên liệu hơn, công suất mạnh hơn và có phạm vi hoạt động xa hơn.
Buồng lái điện tử hóa hiện đại, các màn hình hiển thị đa chức năng LCD khổ rộng, trạm hoa tiêu bằng kính ở mũi được thay thế bằng một radar mới mạnh hơn. Khoang chứa bom được thay thế bằng các thùng chứa nhiên liệu. Pháo 23mm ở đuôi được loại bỏ thay vào đó là các thiết bị điện tử mới.
Dưới cánh H-6K được trang bị với 6 giá treo vũ khí trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất CJ-10. Loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất này có tầm bắn khoảng 2.000-2.200km. Việc trang bị tên lửa CJ-10 lần đầu tiên PLAAF có khả năng thực hiện cuộc tấn công phủ khắp khu vực châu Á.
Dự kiến với chương trình nâng cấp này, PLAAF sẽ kéo dài thời gian sử dụng của H-6K thêm khoảng một thập kỷ nữa. Vào khoảng tháng 1/2009, một số nguồn tin không chính thức cho biết, TQ đang phát triển một loại động cơ phản lực cánh quạt mới được gọi là WS-18 để trang bị cho H-6K nhằm thay thế cho động cơ nhập khẩu từ Nga.
H-6K vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, các tính năng mới của máy bay cần được kiểm chứng. Mặc dù H-6K đã mang lại một năng lực mới cho lực lượng máy bay ném bom chiến lược của TQ nhưng sự già cỗi trên đôi cánh của H-6 là điều không thể tránh khỏi. Mặc khác máy bay này được sản xuất theo công nghệ những năm 1950 cho dù có được nâng cấp thì cũng khó lòng đạt được tiêu chuẩn của máy bay ném bom chiến lược hiện đại.
Lương Đình (Thế giới & Hội nhập) (Lương Đình (Thế giới & Hội nhập))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.