Máy ghi âm, quay lén lậu bán tràn lan

Thùy Anh Thứ ba, ngày 15/09/2020 05:59 AM (GMT+7)
Với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các trang mạng xã hội, hình thức kinh doanh online trở nên phổ biến, việc mua bán hàng hóa thuận lợi.
Bình luận 0

Tuy nhiên, không chỉ có các mặt hàng thông thường mà vô số hàng không rõ nguồn gốc, thậm chí hàng cấm cũng được rao bán công khai trên mạng xã hội, mà các loại thiết bị ghi âm, ghi hình, quay lén là ví dụ.

Hiện nay, không khó để mua được những thiết bị quay lén, nghe lén trên mạng xã hội. Chỉ cần gõ từ khóa "máy quay lén, nghe lén" trên Google hay Facebook, ngay lập tức có thể tìm thấy hàng loạt thông tin về những loại mặt hàng này với vô vàn chủng loại. Có thể thấy đủ loại máy nghe lén, quay lén ít ai nghĩ tới như: Ổ cắm điện, sạc pin, bút, cúc áo... và rất nhiều thiết bị khác có định vị toàn cầu.

Phát hiện nhiều điểm mua bán trái phép

Nhiều thiết bị nghe lén, quay lén được ngụy trang trong các vật dụng thiết yếu nhỏ gọn có thể mang theo bên người hoặc thường xuyên được sử dụng hằng ngày như bật lửa, đồng hồ, kính mắt, sạc dự phòng, chuột máy tính, chìa khóa ô tô, xe máy. Bên cạnh đó, các thiết bị nghe trộm sử dụng sim điện thoại hay sóng GMS cũng được rao bán một cách công khai trên mạng xã hội.

Máy ghi âm, quay lén lậu bán tràn lan - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng khám xét một điểm tập kết thiết bị công nghệ nghe lén, quay lén trái phép trên địa bàn quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: N.Q

Điều 6, Nghị định 66/2017 quy định: Chỉ các cơ sở kinh doanh sau đây mới được kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị: Cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; Cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; Cơ sở kinh doanh không thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự...

Mới đây, hàng loạt các thiết bị ghi âm, ghi hình nghe trộm không nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ vừa được Công an quận Ba Đình phối hợp Phòng PA 05 - Công an TP.Hà Nội và Đội quản lý thị trường (QLTT) số 3- Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện thu giữ tại một kho hàng tại phố Đội Cấn.

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện trong nhà có nhiều thiết bị ghi âm, ghi hình. Làm việc với tổ công tác, chủ cửa hàng được xác định là Phạm Xuân Nhâm (SN 1990, quê Kim Sơn, Ninh Bình). Tại thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ và khai nhận số hàng này mua trôi nổi trên thị trường để bán kiếm lời.

Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ tang vật gồm 177 sản phẩm điện tử ghi âm, ghi hình các loại (camera, bút camera, gạt tàn camera, tai nghe; kính mắt, bật lửa, củ sạc, móc khóa, chìa khóa gắn camera; củ định vị, camera hành trình) do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Trước đó, ngày 8/8, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp cùng Đội QLTT số 3 – Cục QLTT Hà Nội cũngđã phát hiện đường dây mua bán thiết bị công nghệ cao có địa điểm giao dịch tại ngõ 612 đường Đê La Thành, quận Ba Đình, Hà Nội. Đáng chú ý, thời điểm phát hiện "ổ" buôn bán thiết bị gian lận thi cử này trùng ngay trong thời điểm diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 150 thiết bị công nghệ cao dùng để phục vụ khách hàng có nhu cầu gian lận trong thi cử, gồm các loại như: Đồng hồ có chức năng nghe lén, ghi âm; sạc dự phòng quay lén; Bút ghi âm, ghi hình; thiết bị định vị; camera gắn cúc áo; điện thoại nghe lén… với tổng giá trị hơn 247 triệu đồng.

Công an xác định "đầu nậu" cung cấp mặt hàng này là Nguyễn Công Chốp (SN 1985, quê ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). Chốp thuê nhà tại ngõ 612 đường Đê La Thành và thực hiện các video hướng dẫn cách sử dụng thiết bị công nghệ cao, chăm sóc khách hàng và cất giữ hàng tại đây.

Tại thời điểm kiểm tra, Chốp không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa nêu trên. Ngoài số tang vật bị thu giữ tại chỗ, tổ công tác còn phát hiện 1 sổ ghi chép nội dung đang lưu trữ các giao dịch bán hàng. Trong đó, thể hiện số điện thoại người mua có địa chỉ ở nhiều tỉnh thành như: Quảng Nam, Hà Nội, Khánh Hòa, Bình Dương, Nghệ An, Đà Nẵng… Theo lời khai của Chốp, khách hàng tại Hà Nội sẽ được giao hàng trực tiếp và tư vấn cách sử dụng. Khách ở xa sẽ được cung cấp hàng qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

Nỗi bất an với thiết bị nghe lén, quay lén

Máy ghi âm, quay lén lậu bán tràn lan - Ảnh 3.

Hơn 150 sản phẩm thiết bị công nghệ cao bị cơ quan chức năng thu giữ tại ngõ 612 đường Đê La Thành, quận Ba Đình. Ảnh: N.Q

Theo lực lượng chức năng, các sản phẩm camera siêu nhỏ trên thị trường ngày càng được cải tiến tinh vi hơn khi ngụy trang với vỏ bọc bên ngoài là những vật dụng, đồ dùng được sử dụng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ: Loại camera dạng bút hay cúc áo, khi gắn vào vị trí phù hợp đã làm cho đối tượng bị quay lén không thể nhận ra...

Nói về vấn đề thiết bị quay lén, nghe lén tràn lan trên "chợ mạng", bà Phạm Thanh Bình - Phó đội trưởng Đội QLTT số 3, Cục QLTT Hà Nội, cho biết: "Thực tế loại hình kinh doanh này không công khai tại cửa hàng, toàn bộ là trên Zalo, Facebook hoặc các trang điện tử. Vấn đề ở đây là các thiết bị này đáp ứng được nhu cầu của thị trường nhưng nó chưa được công khai vì đây là các mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Khi các hộ kinh doanh muốn kinh doanh mặt hàng này phải có giấy phép của Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an theo quy định tại Nghị định 66/2017. Vì thế hầu hết hàng hóa ở đây đều thuộc dạng trôi nổi, không hóa đơn chứng từ. Việc buôn bán các thiết bị công nghệ cao đều mang tính chất chui lủi, giấu diếm. Vì vậy, tất cả vụ việc đều đòi hỏi sự vào cuộc theo dõi, phát hiện của lực lượng công an".

Theo trung tá Trần Tuấn Đức - Đội trưởng Đội An ninh Công an quận Ba Đình, tình trạng những thiết bị điện tử ghi âm, ghi hình các loại hiện nay trên thị trường bày bán khá tràn lan với mẫu mã đa dạng, giá cả, chủng loại phong phú. Rất dễ dàng bắt gặp những thông tin rao bán thiết bị quay trộm, quay lén, nghe lén... trên mạng.

"Hiện các thiết bị camera siêu nhỏ là những mặt hàng không bị cấm lưu hành. Ngoài giá cả phải chăng, các loại hàng này có ưu điểm là dễ dàng ghi lại hình, âm thanh mà không bị người khác phát hiện. Ưu điểm này đôi khi lại biến thiết bị nghe lén, ghi hình trộm thành phương tiện để kẻ xấu lợi dụng làm bậy. Trong thời gian vừa qua, nhiều vụ quay lén tại các khu vệ sinh công cộng, phòng thay đồ, nhà nghỉ... đã trở thành nỗi lo lắng, bất an của người dân, đặc biệt là với nhiều phụ nữ" - trung tá Đức nói.

"Tất cả những hình ảnh, âm thanh nhạy cảm được đối tượng xấu ghi lại bằng camera hoặc ghi âm siêu nhỏ luôn trở thành nỗi bất an của nhiều người. Chính vì thế, ngoài công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm nói chung, thì tội phạm thuộc lĩnh vực công nghệ cao luôn được xem là bài toán cần có lời giải kịp thời, phù hợp với thời đại công nghệ hiện nay" - đại úy Nguyễn Hồng Thanh chia sẻ. 

Quay lén trong nhà vệ sinh, khách sạn để tống tiền

Đại úy Nguyễn Hồng Thanh - Đội phó Đội An ninh Công an quận Ba Đình (Hà Nội) cho rằng, thiết bị quay lén, ghi âm trộm được bán quá nhiều trên thị trường với công nghệ hết sức tinh vi, ai cũng có thể mua và sử dụng. Người mua với những mục đích tốt thì ít, mua với mục đích xấu thì rất nhiều. Trên thực tế, thời gian qua các đoạn phim quay trộm cảnh phòng the, cảnh "nóng"... để tống tiền, hay quay trộm trong nhà vệ sinh, nhà tắm của nhà trọ, ký túc xá nữ tại các trường đại học, cao đẳng... xuất hiện tràn lan trên không gian mạng.


img

Cảnh sát kiểm tra các thiết bị có lắp camera siêu nhỏ của các đối tượng tại cơ quan công an. Ảnh: Doãn Tấn

Giữa tháng 3/2020, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã khởi tố 3 đối tượng Trịnh Công Linh (SN 1986, trú tại Thọ Xuân, Thanh Hóa), Đoàn Duy Hướng (SN 1993, trú tại Đồng Khê, Văn Chấn, Yên Bái) và Nguyễn Chí Công (SN 1977; trú tại Tây Hồ, Thọ Xuân, Thanh Hóa) để điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản. Theo điều tra, các đối tượng đã bàn bạc lắp camera giấu kín tại các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn TP.Hà Nội để quay lén các cặp đôi đến quan hệ. Khi nắm được thông tin, lai lịch của những người này, các đối tượng gửi những hình ảnh, video quan hệ tình dục và yêu cầu họ phải đổi lấy sự bình yên với cái "giá" là 30 triệu đồng cho mỗi trường hợp.

Trong số tang vật mà công an thu giữ có 7 hệ thống camera giấu kín trong khách sạn, 7 thẻ nhớ lưu giữ thông tin video của đối tượng đã ghi lén được, máy tính bàn, máy tính xách tay của đối tượng dùng lưu giữ video...

Các đối tượng khai nhận, Trịnh Công Linh là người đặt mua camera, sau đó cùng với Đoàn Duy Hướng đi mua các công cụ phục vụ lắp đặt. Linh cùng với Hướng đi vào các nhà nghỉ, khách sạn chọn các phòng có lắp quạt, tivi chiếu thẳng vào giường để lắp camera giấu kín quay lại hình ảnh quan hệ của các cặp đôi. Sau khi khách ra về, Linh và Hướng bố trí đi theo về tận nhà, nơi làm việc và lấy biển số xe gửi cho Công tìm thông tin của chủ xe để thực hiện hành vi tống tiền. Các đối tượng khai nhận đã quay lén được 10 cặp đôi và nhắn tin đe dọa, cưỡng đoạt tiền của 4 người.

A.T

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem