May văn chương không phải... thuốc độc

Thứ sáu, ngày 03/05/2013 06:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nguyễn Phi Hùng (bút danh Phùng Hi) - thầy giáo một trường huyện ở Phú Yên vừa đoạt giải Ba Cuộc thi Truyện ngắn Báo Văn Nghệ 2011-2013, với tác phẩm “Phương Nam”. Phóng viên đã trò chuyện với anh.
Bình luận 0

Đang là thầy dạy toán, vì sao anh “ham hố” thêm viết văn?

img

- Giáo viên bây giờ phải làm thêm nhiều thứ để bù vô đồng lương, tiếc là viết văn không giống làm thêm chút nào. Cụ thể hơn là nó chẳng bù gì vô lương, còn sinh lắm phiền toái. May mà văn chương không luôn là thuốc độc, nó còn là thuốc an thần.

Nhiều người bảo văn chương đang ít người đọc. Thế nhưng vẫn lắm người lao theo, trong đó có anh?

- Ồ, ít người đọc, chứ đâu có ít người viết! Xin nhắc lời nhà văn Khắc Trường hôm Báo Văn Nghệ tổ chức đoán giải: “Đến bây giờ mà người ta vẫn còn viết văn thì thật là... kinh khủng”. Ý là, người viết văn sao mà đông quá. Văn chương đã trải mấy nghìn năm, phủ tràn thế giới, có còn chỗ nào để viết nữa đâu? Vậy mà vẫn lắm người lao theo. Vâng, trong đó có tôi, thật là... kinh khủng!

Lâu nay, đề tài truyện của anh thường “vụn vụn đời thường”, sao mấy truyện dự thi như “Phương Nam”, “Vua Bà” đều có đề tài lịch sử?

- Tôi vẫn thích cái “vụn vụn đời thường” như anh nói nhưng chắc do duyên số. “Phương Nam” thì chưa nghe ai nói gì, chứ “Vua Bà” thì đã có người rầy thế này: “Chúng ta xưa nay ai cũng biết cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Mê Linh năm 40 với những lý do rất cụ thể - nợ nước, trả thù cho chồng... Nhưng trong truyện “Vua Bà” thì không phải như vậy. Tôi không nghĩ mình sở trường truyện đề tài lịch sử nhưng nhà văn Sương Nguyệt Minh đã nhắn tôi là: “Anh cứ viết như “Phương Nam” thì sẽ có một giọng điệu riêng”. Biết đâu đấy...

Anh vẫn viết với thế mạnh góc nhìn của một ông giáo sống ở nông thôn?

- Tôi thấy chẳng có thế mạnh nào. Sống ở đâu cũng là nơi đi về, rảnh chút thì ngắm nghía cuộc đời, rảnh hơn chút nữa thì ngắm nghía mình, rồi mài mình ra mà viết, vậy mà vẫn cứ đụng chạm đâu đó...

Có vẻ làm ông “giáo quê” vất vả nhưng vui vẻ. Sau giải thưởng văn chương này, anh có dự định gì mới?

- Tôi chưa bao giờ coi nghề giáo là vất vả. Được làm nghề giáo, tôi trau dồi kiến thức hằng ngày. Trước đây tôi dạy toán ở trường THPT và tôi đã có nhiều bài viết về chuyên môn đăng trên một số tạp chí. Nay tôi công tác ở trung tâm dạy nghề cấp huyện, không còn hứng thú đào sâu chuyên môn... Sau giải thưởng, trước mắt tôi sẽ dồn sức viết xoay quanh vấn đề tiêu cực, tham nhũng, bất cập, xuống cấp, u mê, lạc đường... trong ngành giáo dục.

Xin cảm ơn anh!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem