Lấy chồng được 5 năm cũng là 5 năm tôi chưa một lần được cùng bố mẹ đẻ quây quần bên mâm cơm ngày Tết. Lý do chắc cũng như nhiều phụ nữ khác, lấy chồng rồi sinh con rồi con nhỏ, muốn về cũng chẳng được. Đến khi con lớn có thể đi xa thì lại bị chụp ngay cái mũ “xuất giá tòng phu”. Nhưng có lẽ, khác với nhiều người, tôi lại còn được (hay là bị?) mẹ đẻ khuyên về nhà chồng ăn Tết.
Hình minh họa
Lấy chồng ngay trước Tết, năm đầu tiên xa nhà, đêm giao thừa tôi khóc như mưa. Chồng hết dỗ dành lại nịnh nọt cũng không ăn thua bèn bốc máy lên gọi cho mẹ vợ, hy vọng bà dỗ được tôi. Vừa nghe tiếng mẹ, tôi lại òa lên khóc nức nở như trẻ con. Đầu dây bên kia, mẹ cũng thút thít, rồi bảo: “Thôi con ạ, mình là phận đàn bà 12 bến nước. Lấy chồng rồi thì phải theo chồng chứ làm sao được hả con. Thôi ngoan nào, rồi qua Tết về chơi với mẹ”. Nghĩ đấy chỉ là cách mẹ an ủi để mình đừng khóc, sáng mồng 2 Tết, tôi nằng nặc đòi chồng cho về ngoại. Chiều vợ, mà cũng là năm đầu tiên làm rể, chồng tôi mượn xe đưa vợ về quê.
Hai vợ chồng vừa về đến cổng, tôi chạy như bay vào nhà, ôm chầm lấy mẹ. Ngạc nhiên nhìn vợ chồng tôi, bà đẩy nhẹ tôi ra rồi bảo: “Sao chúng mày lại về đây? Chêt chết, Tết nhất lại đưa nhau về ngoại thế này rồi ông bà bên đó lại nghĩ bố mẹ không biết dạy con. Chết thật!” Tôi sững sờ, hóa ra những gì mẹ nói là suy nghĩ của mẹ chứ không phải chỉ để an ủi tôi. Rồi như nhận ra mình hơi bị hớ, mẹ kéo vợ chồng tôi vào bàn, rồi đi chuẩn bị cơm nước, tôi xuống bếp phụ mẹ thì bị mẹ đuổi lên nhà: “Thôi con lên với chồng con đi. Bố mày một chốc nữa mới về, để nó ngồi một mình lóng ngóng không biết làm gì.” Chồng tôi, chẳng biết là do chưa quen, hay do thái độ khách khí của mẹ tôi mà đúng là ngồi như phỗng ở bàn nước, chẳng biết làm gì. Tự nhiên vô cớ, tôi lại quay sang giận luôn cả chồng.
Gần trưa bố tôi đi chúc Tết về, cũng ngạc nhiên không kém. Ăn cơm trưa xong, ông bà giục vợ chồng tôi đi nghỉ. Tôi lại chạy sang phòng mẹ, xin ngủ với mẹ. Kéo tôi vào lòng, mẹ thút thít: “Phận đàn bà con gái phải lo cho nhà chồng con ạ. Mẹ ở với bố con 30 năm nay rồi, nhà bà ngoại ngay bên kia sông chứ có xa xôi gì, đi xe máy 10 phút là đến nơi nhưng có năm nào mẹ dám về bên đó lâu trong mấy ngày Tết đâu con. Chỉ tạt qua chúc Tết ông bà ngày mồng 2 rồi lại tất tả về nhà. Mẹ nhớ, mẹ thương con lắm chứ. Nhưng cái phận đàn bà mình nó vậy rồi biết làm sao. Tết nhất con cứ đòi về đây thế này, nhỡ ông bà thông gia lại bảo là mẹ không biết dạy con thì sao. Nhà mình cách Hà Nội có gần trăm cây số, cuối tuần, bắt chuyến xe khách là về đến nhà. Mày về với mẹ lúc nào chả được, ở cả tháng cũng được. Nhưng Tết thì phải về bên đó con ạ. Bao đời nay vẫn vậy, truyền thống nó là vậy rồi. Mẹ thương mẹ nhớ con, con cũng thương cũng nhớ bố mẹ, mẹ biết. Cố gắng con ạ!”
Hụt hẫng vì cảm giác không được chào đón, thất vọng vì suy nghĩ cổ hủ của mẹ, cảm thấy bơ vơ như không có chốn đi về, tôi lại òa lên khóc. Lần này thì chồng tôi lại phải đứng ra dỗ dành. Rồi lấy cớ về sớm trả xe, chồng tôi xin phép đưa vợ về lại quê nội.
Từ đó, cứ hễ gần đến Tết, mẹ tôi lại gọi điện nói bóng gió chuyện về quê chồng ăn Tết, bố mẹ vẫn ổn, rồi ra Tết cho các cháu về chơi với ông bà.
Tôi chẳng buồn tranh cãi với mẹ nhưng không khỏi cảm thương cho những người phụ nữ như mẹ tôi. Họ thậm chí còn chẳng dám có cái ý nghĩ sẽ về với bố mẹ mình mấy ngày Tết dù trong lòng vẫn không thôi thương nhớ. Đến bao giờ phụ nữ nước mình mới có thể bình đằng với nam giới khi mà chính họ cũng không dám đòi bình đẳng ngay cả trong nhận thức?
Ăn Tết nhà ngoại – câu chuyện không hề mới nhưng năm nào cũng làm nhiều gia đình phải trăn trở. Vì sao những nàng dâu mong về nhà ngoại ngày đầu năm tới vậy?. Đến bao giờ câu chuyện này mới không còn là nỗi đau đầu?
Hãy lắng nghe và chia sẻ câu chuyện của bạn trong chuyên đề “Ăn Tết nhà ngoại” của Báo điện tử Dân Việt. Địa chỉ nhận mail: loisongsuckhoe@gmail.com.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.