Rượu hoẵng, thịt chua. Đó là những món đặc trưng chỉ có trong những ngày “đại tiệc” của gia đình người Dao. Tức là ngày làm lễ đặt tên, hay còn gọi là Lễ Lập Tĩnh của người Dao. Họ tổ chức cho con trai có độ tuổi từ 10 trở lên và đã là con trai thì ai cũng phải qua lễ này. Lễ này to như lễ cưới, vui hơn tết xuân.
Việc tổ chức thì không có quy định mùa nào, tháng nào, nhưng người Dao tiền ở Phiêng Luôn, Mộc Châu thường làm vào dịp đúng độ hoa cúc quỳ nở rộ. Ấy cũng là dịp mà công việc trên nương đã vãn, chủ yếu chuẩn bị cho một mùa xuân mới sắp tới.
|
Các công đoạn chuẩn bị cho một mẻ rượu hoẵng |
Rượu hoẵng được nấu bằng gạo nếp nương, sau khi ủ ngấu đúng độ thì cắm ống vầu, ống nứa vào để nó tự nhỏ xuống vò gỗ những giọt trắng đục như nước vo gạo, sánh như mật ong rừng. Phải nhiều chum lớn, vại to để ủ hàng tạ gạo mới cho được vài chục lít nước hoẵng quý và thơm nồng. Rượu làm vừa dân dã, lại vừa tỉ mẩn. Thịt chua cũng vậy.
Nó đã được gia chủ bày ra lá chuối rồi thì đến ngay cả người sành ăn cũng khó mà chê được. Thịt lợn phải do gia chủ tự nuôi vài năm, chỉ cho ăn lá rừng và đồ nhà trồng được. Khi mổ lợn, thớ thịt còn giật lách tách thì ướp muối hạt với gia vị của người Dao tự kiếm, rồi cuốn lá chuối thật kín, đưa vào chum gắn nhựa trám lại, hạ thổ nơi đất dốc khô ráo. Thịt chua để càng lâu càng ngon, thời gian có thể tính bằng năm thịt mới gọi là “đạt chuẩn”.
Khách đến Phiêng Luông đúng dịp này, thì lạ cũng như quen, thân cũng như thường, ai ai cũng được gia chủ coi như khách quý. Họ kéo vào rồi thì phải cạn xong bát rượu hoẵng, sau đó muốn nói gì thì nói. Cho đến khi nồng say rồi, gia chủ sẽ nhường cho nơi ấm nhất để khách ngả lưng.
Tỉnh giấc dậy khách có thể chia tay gia chủ để tiếp tục hành trình khám phá mới. Khách có thể quên hay nhớ còn gia chủ thì luôn coi khách như người nhà, cho dù chỉ qua một bát rượu hoẵng nồng say.
Theo An ninh Thủ đô
Vui lòng nhập nội dung bình luận.