Mệnh lệnh dập dịch corona cần nghiêm như mệnh lệnh thời chiến

Quốc Phong  Thứ bảy, ngày 08/02/2020 11:03 AM (GMT+7)
Từ xa xưa các cụ đã dạy, dập dịch phải như dập lửa, phải như đánh giặc. Để dịch không hoành hành, những chỉ đạo cấp cao phải rõ ràng quyết liệt và phải được thực thi nghiêm khắc. Nó phải được xem như mệnh lệnh trong chiến tranh.
Bình luận 0

Mấy ngày qua, người dân tiếp tục lo lắng khi dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới vẫn đang có nguy cơ bùng phát cao trên toàn thế giới, dù Việt Nam đã có những kết quả nghiên cứu và điều trị khả quan đầu tiên. Đục nước béo cò, một số hiệu thuốc tăng giá vô tội vạ khẩu trang và nước rửa tay diệt khuẩn. Trong bối cảnh dịch bệnh đã được công bố, đó có thể xem là một hành vi vô trách nhiệm với cộng đồng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo rất quyết liệt: Nơi nào tăng giá vô lối sẽ tước ngay giấy phép kinh doanh. 

Việc thực thi này trước hết thuộc về các ngành y tế, quản lý thị trường và địa phương nơi để xảy ra vi phạm. Sau những án phạt khá nặng tay hàng triệu đến hàng chục triệu  đồng ban đầu, chúng ta chờ đợi những bước đi tiếp theo để xử lý.

img

Công an TP Hà Nội phối hợp với Đội QLTT kiểm tra các cửa hàng tăng giá khẩu trang. Ảnh: CACC

Trước cảnh báo của lãnh đạo và sự bất bình của cộng đồng, nhiều hiệu thuốc lại phản ứng ngược so với trước: Từ chối bán khẩu trang và nước rửa tay. Sự việc cũng đang được cơ quan chức năng xem xét.

Tương tự là các cửa hàng trên sân bay bán khẩu trang với giá cao vọt tuỳ tiện nhưng không bị ai sờ gáy. Đến khi cộng đồng lại lên tiếng gay gắt,  họ mới quay sang phát khẩu trang miễn phí cho khách. Lâu nay ở sân bay cái gì cũng quá  đắt đỏ ở mức khó chấp nhận, và họ mặc nhiên xem như mình là ngoại lệ được bán giá cao.

Trong khi đó, tại sân bay các nước, người ta còn phát không khẩu trang cho khách để bảo vệ môi trường sức khỏe chung. Giúp hành khách an toàn cũng chính là giúp mình an toàn. 

Lúc dịch bệnh là lúc các bộ ngành, địa phương càng cần quán triệt thật sát sao chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không được nương nhẹ với bất cứ sai phạm nào. Phải xem đó như mệnh lệnh của thời chiến.

Chuyện dừng lễ hội  là một ví dụ khác. Văn bản ban đầu của Chính phủ ngày 31/1 yêu cầu “tạm dừng” các lễ hội chưa khai mạc, nhưng thực tế cho thấy, lễ khai mạc dù không diễn ra nhưng nhiều chùa chiền vẫn hàng vạn khách chen chân thăm viếng. Phải đến văn bản tiếp theo ngày 2/2, Chính phủ mới chỉ đạo “dừng hẳn” lễ hội. Việc chỉ đạo cũng nên rõ ràng, dứt khoát như thế mới dễ cho cấp dưới thực hiện nghiêm.

img

Nhiều hiệu thuốc trong chợ thuốc Hapulico đồng loạt treo biển không bán khẩu trang, nước rửa tay ngày 3/2. Ảnh: Đ.V

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nếu không có những “mệnh lệnh bất thường” mà tôi kể lại sau đây thì chúng ta đâu dễ giành thắng lợi.

Cụ Nguyễn Mạnh Can, năm nay đã sang tuổi 93, cụ nguyên là phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng (từ năm 1982). Đầu tuần qua, khi ngồi với cụ, chúng tôi có đàm đạo chuyện nguy cơ dịch do virus corona lây lan nhanh nếu như lơ là, chủ quan, và nếu thiếu những mệnh lệnh quyết liệt được ban bố. 

Cụ kể lại một câu chuyện khiến tôi vô cùng tâm đắc. 

Vào năm 1969, khi đang là Vụ trưởng Vụ Thành thị và doanh nghiệp của Ban Tổ chức Trung ương thì ông Can đề xuất đi cơ sở thâm nhập thực tế. Cấp trên cử ông về làm Bí thư Đảng uỷ Nhà máy cơ khí Trung quy mô (thuộc Bộ Cơ khí Luyện kim, khu đất mà nay là Khu đô thị Royal City Hà Nội).

Lúc đó, Thiếu tướng Đinh Đức Thiện đang là Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng, thì được Trung ương điều động kiêm nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Cơ khí Luyện kim.

Một hôm, Bộ trưởng Đinh Đức Thiện cho gọi Giám đốc nhà máy là ông Nguyễn Duy Bửu lên nhận nhiệm vụ.

Sau vài câu xã giao, Tướng Thiện, vốn là người nổi tiếng mạnh mẽ, rốt ráo trong mọi việc và tính tình thì “nóng như lửa”, đã chỉ đạo: Hiện nay chiến trường Miền Nam đang cần Trung ương chủ động chi viện xăng dầu và hàng hoá phục vụ chiến đấu. Tôi giao cho cậu về tìm hiểu nghiên cứu cho quân đội 2 việc hệ trọng:

Thứ nhất, khẩn trương trong ba tháng tới nghiên cứu thiết kế và sản xuất thành công cách vận hành bơm xăng dầu vào chiến trường, nhưng đặt ngầm trong lòng đất. Hiện quân đội cũng đã nghiên cứu nhưng đang cần bên dân sự trợ giúp thêm phần chế tạo những trạm bơm xăng theo hình thức vận hành của bánh răng. Tôi đã có mẫu đây nhưng không có bản vẽ thiết kế. Cậu phải họp ban lãnh đạo rồi tổ chức đội ngũ kỹ sư, thợ giỏi cùng nghiên cứu. Tôi biết, việc này ở nước mình hiện chỉ có Nhà  máy cơ khí Trung quy mô làm được mà thôi.

Thứ hai, cậu tìm cách cải tiến xe tải của Nga, loại Zil 1 cầu sang Zil 2 cầu sao cho khoẻ hơn, đảm bảo chạy đường rừng núi để chở hàng an toàn chi viện chiến trường. Thời gian cũng vậy, không được muộn hơn. 

Bây giờ cậu về, suy nghĩ thật khẩn trương với anh em, nếu thấy làm được thì trả lời sớm. Nếu thấy không thể làm được trong thời gian như thế thì cũng báo cáo ngay để tôi chủ động tìm người thay cậu.

Ông Duy Bửu về Nhà máy liền kể lại ngay với ông Mạnh Can nhiệm vụ mới.

Thật mừng khôn tả, cả hai nhiệm vụ cực kỳ quan trọng mà Bộ trưởng Đinh Đức Thiện giao cho tập thể Nhà máy cơ khí Trung quy mô ngày ấy đều được hoàn thành xuất sắc. Chính nhờ nhiệm vụ này mà Nhà máy có nhân tố điển hình rất giỏi, đóng góp tài năng hoàn thành và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, như Anh hùng Nguyễn Thế Hùng, thuộc phân xưởng Dụng cụ chính xác - cụ Nguyễn Mạnh Can hồi tưởng.

Mệnh lệnh thời chiến từng như vậy, dù cách làm việc và hành động của ông Đinh Đức Thiện đôi khi bị đánh giá là độc đoán. Trong tình thế chiến tranh, điều đó có thể chấp nhận vì sự cần thiết và hiệu quả. Trong thời bình lại là câu chuyện không nên, nhất là thời điểm hiện nay, người lãnh đạo dù ở cấp nào cũng cần phải làm việc dân chủ, chống độc đoán, chuyên quyền...

Nhưng trước tình thế ngặt nghèo, có nguy cơ bùng phát dịch bệnh do virus corona, rất cần các ngành, các cấp và địa phương phải tuân thủ mọi chỉ đạo từ trung ương. Phải xem đó như mệnh lệnh thời chiến. Ai, địa phương nào không chấp hành thì phải xử nghiêm minh, nhanh chóng để răn đe. Chỉ có vậy, chúng ta mới chiến thắng dịch bệnh nguy hiểm này. 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành Xăng dầu Quân đội đã xây dựng và đưa vào sử dụng tuyến đường ống xăng dầu chiến lược dài hơn 5.000km, cùng với hơn 300 trạm bơm, hơn 100 điểm kho bể với tổng sức chứa hơn 30.000m3, hình thành mạng lưới bảo đảm chi viện xăng dầu cho các chiến trường, góp phần quan trọng vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm tốt các chủng loại xăng dầu cho các lực lượng chiến đấu giành thắng lợi trong chiến tranh biên giới Tây - Nam và biên giới phía Bắc. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem