Mèo báo, con động vật hoang dã có tên trong sách Đỏ lần đầu tiên thấy ở rừng rậm Nghệ An
Một loài động vật hoang dã quý hiếm lần đầu "lọt" vào bẫy ảnh ở khu rừng Nghệ An, nó đi lầm lũi trong đêm
Cảnh Thắng - Nguyễn Tình
Thứ năm, ngày 07/11/2024 18:53 PM (GMT+7)
Bẫy ảnh được đặt ở một khoảnh rừng rậm thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đã "soi" được hình ảnh một con động vật hoang dã lần đầu thấy. Đó là một con mèo báo lạ đang đi lầm lũi trong đêm, bẫy ảnh còn "bắt" được hình ảnh các con động vật có tên trong sách Đỏ khác.
Ngày 7/11, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An) cho biết, thông qua việc đặt bẫy ảnh đơn vị đã phát hiện nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm.
Bẫy ảnh ghi lại cảnh cá thể mèo báo đang lầm lũi đi trong đêm tại khu rừng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Đây là lần đầu tiên thấy một con mèo báo-động vật hoang dã quý hiếm "lọt" vào ống kính của máy ảnh tại khu rừng nổi tiếng này. Ảnh: P.H.
Cụ thể, bẫy ảnh được đặt tại trạm quản lý và bảo vệ rừng Thông Thụ 1, Thông Thụ 2, Đồng Văn 2 và Na Chạng, huyện Quế Phong, Nghệ An.
Các loài động vật hoang dã quý hiếm đã được ghi nhận có tên trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ Thế giới- IUCN.
Ông Nguyễn Văn Sinh cho biết thêm, các loài động vật hoang dã quý hiếm được ghi nhận bao gồm loài mang thường, loài lợn rừng, loài nhím đuôi ngắn, loài khỉ mốc, khỉ vàng, sơn dương, cầy giông sọc.
Đặc biệt, lần đầu tiên khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt ghi nhận được hình ảnh một cá thể mèo báo (prionailurus bengalensis).
Hình ảnh cá thể mèo báo được bẫy ảnh ghi lại khi đang lầm lũi đi trong đêm tối ở cánh rừng.
Một cá thể sơn dương được phát hiện tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Ảnh: P.H.
Ông Sinh cho hay: "Mèo báo hay còn gọi là mèo rừng, mèo gấm là động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IIB. Tùy theo từng nơi mà mèo báo có tên gọi khác nhau. Mèo báo trưởng thành có trọng lượng 3 đến 5kg, thân dài 450 đến 550mm và đuôi dài 250 đến 290mm".
"Phương pháp khảo sát bằng bẫy ảnh được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu về đa dạng sinh học tại Việt Nam.
Phương pháp này đặc biệt hữu ích trong việc phát hiện các loài quý hiếm, khó phát hiện bằng quan sát trực tiếp.
Bẫy ảnh có thể tự động ghi lại hình ảnh của tất cả các loài động vật có trọng lượng lớn hơn 500g di chuyển trước cảm biến.
Phương pháp này giúp tích lũy lượng lớn dữ liệu ở các khu vực xa xôi, địa hình hiểm trở. Bẫy ảnh giúp cung cấp thông tin về sự phân bố, tập tính và tương quan giữa loài với các yếu tố con người và tự nhiên", giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho biết thêm.
Nhím đuôi ngắn đang di chuyển tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Ảnh: P.H.
Đến nay, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã ghi nhận hơn 2.420 loài và dưới loài thuộc 885 chi, 208 họ của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch.
Trong đó, 130 loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng, với 112 loài có trong Sách đỏ Việt Nam, 25 loài trong Nghị định 32 của Chính phủ và 15 loài trong sách đỏ IUCN.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt là một trong ba vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.
Năm 2007, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt có diện tích hơn 85.000ha, trải dài qua 88 tiểu khu ở 9 xã thuộc huyện Quế Phong.
Cá thể cầy móc cua được phát hiện thông qua bẫy ảnh tại một khu rừng rậm thuộc khu bảo tồn Pù Hoạt, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Ảnh: P.H.
Phát hiện cá thể mèo báo tại khu bảo tồn Pù Hoạt là một dấu hiệu tích cực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam.
Việc bảo tồn các loài động vật quý hiếm, động vật hoang dã có tên trong sách Đỏ tại khu bảo tồn Pù Hoạt, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An không chỉ giúp duy trì hệ sinh thái mà còn góp phần vào bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới.
Trong tương lai, các kế hoạch phát triển bền vững tại khu bảo tồn sẽ đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ các loài động vật quý hiếm và giữ gìn hệ sinh thái đặc hữu của vùng núi Nghệ An.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.