Những thực phẩm thừa sau Tết thường là bánh chưng, bánh tét, dưa kiệu, dưa cải, tai heo ngâm chua, giò chả, thịt… Bánh chưng, bánh tét thì bạn có thể chiên lại, ăn kèm dưa món, củ kiệu làm bữa sáng đơn giản. Với những thực phẩm khác, có thể chế biến thành các món sau:
Các món từ dưa cải
Trong các loại dưa muối chua ngày Tết thì dưa cải là nguyên liệu chế biến được nhiều món ăn nhất. Bạn có thể dùng giò heo, xương hoặc sườn còn lại trong tủ lạnh nấu chung với dưa cải thành món canh rất ngon. Ngoài thịt heo, dưa cải còn nấu với cá, thịt bò…
Dưa cải kho cũng là món mặn phổ biến của bữa cơm gia đình. Bạn có thể thả dưa cải vào kho chung với nồi thịt kho tàu còn lại ngày Tết, hoặc kho với cá (cá thu, cá nục, cá kèo…), thịt ba chỉ, bao tử, phèo non… Bao tử và phèo dùng để xào dưa cải cũng rất ngon, ngoài ra dưa cải còn có thể xào với trứng, thịt gà, mực, tôm…
Gỏi tai heo
Nếu hủ tai heo ngâm giấm nhà bạn vẫn chưa hết, qua Tết lại ngại bày ra cuốn bánh tráng rau sống lích kích, bạn có thể dùng tai heo trộn gỏi hoặc làm gỏi cuốn chấm mắm nêm rất ngon.
Với gỏi tai heo, có thể trộn chung với những loại rau củ giòn, như đu đủ xanh, ngó sen, cà rốt, xoài xanh, kiệu chua… Nước trộn gỏi, thay vì dùng chanh, lấy nước ngâm chua từ lỗ tai heo hoặc nước kiệu trộn sẽ rất ngon.
Bên cạnh gỏi, gỏi cuốn tai heo cũng là món ăn chơi rất thú vị. Rau cuốn gỏi là rau sống, dưa leo, xà lách, tùy thích có thể thêm ít bún, Món này chấm với mắm nêm pha chua ngọt.
Bún thang
Đây là món “dọn tủ lạnh” yêu thích của nhiều người. Bún thang nếu ăn đúng cách sẽ rất cầu kỳ nhưng với kiểu “thanh lý” thực phẩm thừa thì đơn giản hơn, nguyên liệu chủ yếu là xương (heo hoặc gà), thịt gà, chả, trứng, rau sống.
Để nấu bún, bạn dùng xương heo hoặc xương gà hầm nước dùng, thả vào đó ít hành tím, chân nấm, tôm khô, râu mực, đường phèn cho ngọt nước. Cho gà vào luộc chung với nước hầm, khi gà mềm thì vớt ra.
Bún thang thường ăn kèm với chả lụa, trứng tráng xắt sợi nhuyễn, gà luộc xé nhuyễn, tôm chấy, rau răm hành lá xắt nhỏ. Khi ăn trụng bún vào tô, xếp các nguyên liệu lên, chan nước dùng vào, bún thang phải ăn với chút mắm tôm thì mới ngon.
Xà bần
Xà bần không phải là món ăn thường thấy trong mâm cơm mà chỉ xuất hiện sau những bữa tiệc nhiều thịt, cá như lễ, Tết, đám giỗ ở miền Nam. Món này đơn giản là trút tất cả những thứ còn lại sau khi ăn vào một nồi lớn, nêm nếm, nấu sôi lại, khi nào ăn thì hâm lại lần nữa.
Xà bần gồm rất nhiều thứ, ngoài thịt, cá, tôm, rau củ, còn có dưa cải, tôm khô, củ kiệu, trứng, gỏi… Trước khi đổ thức ăn thừa vào, nên lọc lại những nguyên liệu có thể gây thiu hoặc đổ nhớt như nước trộn, nước canh… Vì gồm nhiều thứ nên xà bần cũng mang vị rất riêng, chua, cay, mặn, ngọt đều có đủ, ai quen ăn sẽ thấy rất thú vị.
Rau củ, trái cây
Có nhiều cách chế biến rau củ, như xào, nấu canh, kho… nhưng đơn giản nhất và cũng giữ được dưỡng chất nhất là hấp. Bông cải, bắp cải, khổ qua, cải thảo, đậu que, đậu Hà Lan, bầu, bí…, tất cả đều có thể luộc/hấp, sau đó chấm chao hoặc chấm kho quẹt.
Với trái cây, ngoài làm nước ép, sinh tố, bạn có thể xắt nhỏ mọi thứ, sau đó trộn chung với sữa chua, thêm ít đá xay nhuyễn là có món yaourt trái cây bổ dưỡng.
(Theo Phunuonline)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.