Bác sĩ Nguyễn Minh Hảo Hớn - Phó Khoa Mũi Xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP. HCM cho biết vòi nhĩ là một ống nối thông tai giữa và vòm mũi họng. Nó có chức năng cân bằng áp lực tai giữa và bên ngoài, dẫn lưu dịch tiết từ tai giữa. Bình thường vòi tai ở tình trạng đóng để hạn chế dịch tiết và vi trùng từ vùng mũi họng lan vào tai giữa. Khi ngáp hoặc nuốt thì vòi tai mở ra để cân bằng áp lực tai giữa.
"Máy bay trong giai đoạn cất cánh và hạ cánh, áp lực tăng, giảm đột ngột nếu vòi tai không thông tốt sẽ không cân bằng áp lực kịp thời dẫn đến tình trạng viêm tai giữa cấp làm bệnh nhân đau tai dữ dội", bác sĩ Hớn phân tích. Một số bệnh nhân bị viêm mũi họng trước đó thì vòi tai cũng có thể bị viêm phù nề kèm theo và rất dễ xảy ra tình trạng trên.
Lời khuyên để tránh tình trạng đau tai khi đi máy bay
Nghiệm pháp Valsalva.
- Khi máy bay cất cánh hoặc hạ cánh nên làm nghiệm pháp Valsalva. Hai tay bóp chặt 2 cánh mũi, ngậm miệng, thổi hơi lên tai để cho loa vòi mở rộng mục đích cân bằng áp lực tai giữa. Hoặc có thể nhai kẹo chewing gum.
- Trước khi có kế hoạch đi máy bay nếu bị viêm mũi họng thì nhanh chóng đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
- Bệnh nhân sau mổ, nhất là sau cắt amidan thì tối thiểu 4 tuần mới có thể đi máy bay. Bệnh viện Tai Mũi Họng TP. HCM từng có bệnh nhân sau cắt amidan 3 tuần vẫn bị chảy máu khi đi máy bay. Trong trường hợp chảy máu động mạch, trên máy bay không có phương tiện cầm máu kịp thời sẽ rất nguy hiểm.
Trường hợp phẫu thuật xoang thì tùy vào mức độ phẫu thuật, bác sĩ đánh giá vết mổ ở lần nội soi gần nhất và cho lời khuyên. Thường sau 4 tuần thì vết mổ mới ổn định.
- Một số phương pháp bảo vệ ngoài như nhét bông vào tai chỉ giảm phần nào tiếng ồn chứ không có giá trị trong cân bằng áp lực tai giữa.
Lê Phương (VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.