Mía tím Hoà Bình ngọt lừ nay chất đầy đường, thưa vắng người mua

Xuân Tuấn Thứ hai, ngày 11/03/2019 14:00 PM (GMT+7)
Mía tím Hòa Bình lâu nay nổi tiếng mềm, ăn ngọt lừ, ăn một lại muốn ăn hai. Cây mía tím là niềm tự hào của bà con người Mường Hoà Bình, vậy mà nay mía chất đầy đồng lại vắng người mua. Người dân đang mong từng ngày, từng giờ có người đến mua mía.
Bình luận 0

Trong cơn mưa bụi lất phất, kèm theo gió lạnh càng thêm như xát muối vào lòng người dân trồng mía ở xứ Mường. Trời lạnh đồng nghĩa với việc, người ta ít đi mua mía. Ngay cả những thương lái vẫn coi nơi này là địa chỉ tin cậy lấy mía, cũng phải trông trời, trông đất mà đi buôn. 

img

Nhiều ruộng mía tím của bà con nông dân xứ Mường vẫn chưa bán được. 

Chưa bao giờ người trồng mía lại rơi vào cảnh bi đát như hiện nay, sau Tết cả tháng trời mà cây mía tím vẫn chất đống ngoài vườn chưa bán được. Từ vùng cao cho đến vùng thấp, đâu đâu cũng gặp ánh mắt buồn của người trồng mía. Anh Man - một hộ trồng mía ở xã Thống Nhất, thành phố Hòa Bình cũng như đang đứng trên đống lửa. Hơn 1ha mía vẫn còn nguyên trên đồi, chưa bán được cây nào. 

Vườn mía tím cây to, lóng dài và giòn ngọt của anh mọi năm còn bán được, năm nay vẫn còn nguyên. Anh Man chia sẻ: "Trước Tết em đã hý hửng sửa đường cho xe lên mua mía. Nay chưa thấy người mua, em lo lắm. Năm nay, nói đến cây mía ai cũng buồn", anh Man chia sẻ. 

img

Năm nay, giá mía giảm xuống chỉ còn 2.000 đồng đến 3.000 đồng/cây mà bà con vẫn khó bán. 

Hầu hết các hộ nông dân ở Hòa Bình, nếu không có vốn đầu tư dài hạn trồng cam, trồng bưởi thì đều trồng mía. Cây mía trồng đầu năm, cuối năm cho thu hoạch. Dẫu sao, nó cũng là cây trồng giúp bà con có thu nhập để đổi gạo và các nhu yếu phẩm khác. Trái với việc tiêu thụ tấp nập hàng năm, năm nay, nhiều vườn mía vẫn "án binh bất động". 

Bà Nguyễn Thị Phương - thương lái chuyên buôn mía ở xã Thống Nhất, thành phố Hòa Bình cho biết: "Mọi năm mua mía, tôi phải đi đặt vườn trước. Năm nay tự nhiên, tình hình tiêu thụ im ắng một cách khác thường. Mía ăn rất ngon, giá rẻ chỉ 2.000 - 3.000 đồng/cây mà không hiểu sao vẫn khó bán. Năm ngoái, 1 tháng tôi bán được 30-40 xe ô tô mía, nay chỉ được vài ba xe". 

img

Mía tím Hòa Bình giòn, ngọt và mềm, là món quà quê đầy ý nghĩa, nhưng nay bà con vẫn khó bán được sản phẩm. 

Không riêng gì bà con xã Thống Nhất, nhiều hộ nông dân ở các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Sơn... đều đứng ngồi không yên vì vườn mía đã vào độ thu hoạch cuối vụ mà chưa bán được. Hỏi về cây mía, ông Bùi Thế Dân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Lạc cũng thở dài sườn sượt.

Ông Dân chia sẻ, nhiều xã vùng thượng của huyện chuyên canh cây mía tím bao năm nay. Dù thu nhập của cây mía không được cao, nhưng nó cũng đủ để bà con duy trì cuộc sống. Tuy nhiên, năm nay, đã bước sang tháng 3 mà mía vẫn chưa bán được. Chỉ còn khoảng hơn tháng nữa là cây mía sẽ bị "bấc" và trổ cờ, nếu không thu hoạch kịp thì nó sẽ trở thành củi. 

img

Tìm đầu ra cho cây mía vẫn còn là bài toán nan giải. 

Hiện toàn tỉnh Hòa Bình có khoảng vài nghìn ha mía tím. Việc tiêu thụ mía tím đều do tư thương ở các nơi đến đặt hàng. Đến nay, chưa có một tổ chức hay đơn vị nào kí được hợp đồng tiêu thụ mía tím. Hơn nữa, cây mía tím chủ yếu là bán cho người ăn, chứ không quay mật và bán cho các nhà máy đường được. Do đầu ra phụ thuộc vào thương lái, người dân không thể tự bán hết được lượng mía khổng lồ của gia đình mình. 

Hầu hết các diện tích mía của bà con của tỉnh Hòa Bình đều phải tự lo đầu ra, chính quyền địa phương gần như không hỗ trợ được gì. Giọt nước mắt của người nông dân vẫn rơi trên đồng ruộng. Ấy vậy mà trong quy hoạch về cây trồng, tỉnh Hòa Bình vẫn tiếp tục mở rộng diện tích trồng mía tím. Đây là một nghịch lý mà chính quyền cấp tỉnh "đứng ở trên giời" để quy hoạch...

Dân Việt sẽ tiếp tục phản ánh về tình trạng này. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem