Ông Chu Tuấn Thanh trả lời:
Luật BHYT hiện hành quy định mức cùng chi trả 5% đối với một số nhóm đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện bảo trợ xã hội và 20% đối với người thuộc hộ cận nghèo… đã hạn chế việc tiếp cận dịch vụ y tế, nhất là những người mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính. Dù chỉ phải chi trả 5% chi phí viện phí nhưng với nhiều người nghèo, đặc biệt là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, đây là một rào cản lớn.
Để tạo điều kiện cho người dân tham gia BHYT được bảo đảm quyền lợi, tiến đến bảo hiểm toàn dân, Luật BHYT sửa đổi đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, khóa XIII vừa qua. Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT có hiệu lực từ 1.1.2015 quy định người thuộc hộ nghèo; người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế khó khăn, người thuộc diện hưởng bảo trợ xã hội được Quỹ bảo hiểm xã hội thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh thay vì 95% như hiện nay. Đồng thời, người cận nghèo cũng được thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh thay cho mức 80%, thân nhân của người có công (theo khoản 15, Điều 12 Luật BHYT) cũng được nâng từ 80% lên 100% so với quy định cùng chi trả hiện nay của Luật BHYT.
Không chỉ người nghèo, người cận nghèo được nâng quyền lợi khi tham gia BHYT mà các đối tượng khác nếu tham gia BHYT liên tục cũng sẽ được tăng mức chi trả viện phí. Theo đó, nếu người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở sẽ được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh, ngoại trừ trường hợp vượt tuyến, trái tuyến, sử dụng dịch vụ cao chi phí lớn... Cùng với đó, mức hưởng BHYT cũng được nâng từ 80% lên 100% chi phí với đối tượng tham gia BHYT là thân nhân của người có công.
Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT cũng đưa ra quy định những trường hợp tham gia BHYT theo hộ gia đình được giảm trừ mức đóng cho các thành viên. Cụ thể, người thứ nhất trong gia đình đóng BHYT đúng mức phí quy định, từ người thứ 2 đến thứ 5 đóng lần lượt bằng 80%, 70%, 60%, 50% và từ người thứ 6 trở lên đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.