Miền Tây xây dựng chiến lược cho thủ phủ trái cây 29.000 tỷ đồng

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 27/09/2019 13:00 PM (GMT+7)
Xác định trái cây sẽ mang lại nguồn lợi lớn, thậm chí vượt mặt cây lúa, các tỉnh ĐBSCL đã lên kế hoạch xây dựng chiến lược cho ngành hàng này.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, từ năm 2009, giá trị sản lượng ngành hàng cây ăn trái đã vượt mặt cây lúa, vươn lên đứng đầu các loại cây trồng của tỉnh. Đến nay giá trị ngành hàng này chiếm 62% trong giá trị sản lượng ngành trồng trọt, đạt hơn 29.000 tỷ đồng.

Hình thành vùng tập trung

Với vị trí địa lý nằm trải dài trên bờ Bắc sông Tiền hơn 120 km, Tiền Giang là tỉnh trọng điểm về cây ăn trái, với sản lượng lớn và có giá trị kinh tế cao. Theo đó, “Thủ phủ cây ăn trái” này hiện có 79.000ha cây ăn trái với sản lượng đạt 1,5 triệu tấn/năm.  

img

Phó Chủ tịch Hội Nông dân VN Nguyễn Xuân Định (phải) và lãnh đạo Tiền Giang thăm gian hàng trái thanh long tại Hội chợ triển lãm Nông nghiệp - Thương mại khu vực Tây Nam Bộ năm 2019, tại TP.Mỹ Tho (Tiền Giang).

Nhiều vùng cây ăn trái đã hình thành, gồm: Sầu riêng (13.000 ha, sản lượng 200.000 tấn/năm), khóm Tân Phước (diện tích 15.500 ha, sản lượng 246.000 tấn/năm), thanh long (8.000 ha, sản lượng 115.000 tấn/năm), xoài cát Hòa Lộc (4.200 ha, sản lượng 105.000 tấn/năm), bưởi (5.000 ha, sản lượng 70.000 tấn/năm) và một số loại cây ăn trái đặc sản khác như: vú sữa lò rèn, nhãn, cam, chôm chôm, mãng cầu  xiêm,...

Theo Sở NNPTNT, về sản xuất theo hướng an toàn, tỉnh hiện có 11 HTX, 22 THT sản xuất cây ăn trái được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP với hơn 610 ha. Ngoài ra, trên địa bàn có hơn 150 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến trái cây. Một số doanh nghiệp có quy mô lớn, như: Công ty TNHH sản xuất, chế biến nông sản Cát Tường, Công ty Nông sản Hòa Lộc…

Ông Huỳnh Tấn Lộc – Giám đốc HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp cho biết, tình hình sản xuất trái cây trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào quy củ. HTX này đang sản xuất theo hướng sầu riêng sạch để tăng cường xuất khẩu.

“HTX có hơn 100 thành viên, với hơn 50ha trồng chuyên canh sầu riêng. Mỗi năm HTX thu hoạch hơn 150.000 tấn sầu riêng, với 70% xuất khẩu”, ông Lộc thông tin.

Trong khi đó, tại một tỉnh chuyên canh cây lúa như Đồng Tháp, tình hình phát triển cây ăn trái đang có chiều hướng đáng khích lệ.

Theo Sở NNPTNN tỉnh Đồng Tháp, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái, sản xuất theo hướng an toàn. Một số sản phẩm đã được xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, như: Quýt hồng Lai Vung, quýt đường Vĩnh Thới, xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành…  

img

Vú sửa Lò Rèn - một sản phẩm chủ lực của Tiền Giang

Hiện tỉnh có 4 HTX, 37 THT sản xuất xoài thực hiện sản xuất, liên kết tiêu thụ. Năm 2018, tỉnh Đồng Tháp liên kết tiêu thụ xoài được hơn 1.600 tấn. Trong đó, gần 1.600 tấn liên kết tiêu thụ với công ty trong nước, số còn lại xuất sang các nước, như: Nhật, Nga, Ý…

Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, 30% HTX, THT của tỉnh đang hoạt động khá tốt, góp phần đưa trái cây của tỉnh thâm nhập ngày càng rộng trên thị trường trong - ngoài nước.

Xây dựng chiến lược cho trái cây

Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh này sẽ quy hoạch hơn 500ha diện tích cây ăn trái được chứng nhận VietGAP, hơn 400ha được cấp mã vùng. Trong đó, ngành hàng xoài có hơn 180ha VietGAP, hơn 300ha được cấp mã vùng, 85% diện tích xoài áp dụng kỹ thuật bao trái… 

Đại diện Trung tâm dịch vụ nông nghiệp và nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành hàng xoài, trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành nông nghiệp đã thực hiện,  hướng dẫn, tập huấn nhà vườn trồng xoài đảm bảo tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng để tham gia xuất khẩu.  

Tỉnh Đồng Tháp lên kế hoạch đến 2020, giá trị sản xuất cây ăn trái (so sánh với năm 2010) đạt hơn 4.600 tỷ đồng. Trong đó, ngành hàng xoài đạt hơn 2.250 tỷ đồng.

“Tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các nhà vườn về việc liên kết sản xuất theo quy hoạch; hỗ trợ tín dụng trong sản xuất cho các HTX, THT; tăng cường ứng dụng KHKT, quảng bá thương hiệu; nâng cao năng lực công nghiệp chế biến; xây quy trình sản xuất thâm canh… để ngành trái cây của tỉnh phát triển bền vững”, Đại diện Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp và Nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết.

img

ĐBSCL không chỉ là vùng trồng cây ăn trái chủ lực cung cấp trái cây nguyên liệu cho xuất khẩu tươi và chế biến.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, tỉnh đang thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên cơ sở tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, có sức mạnh cạnh  tranh cao. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển ngành hàng trái cây thành ngành hàng chiến lược theo hướng bền vững.

 “Trước mắt tập trung phát triển cây xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, khóm, thanh long, bưởi da xanh”, ông Cao Văn Hóa – Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang khẳng định.

Cũng theo ông Hóa, lộ trình xây dựng chiến lược cho cây ăn trái của tỉnh, gồm: Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung theo các sản phẩm tái cơ cấu; tổ chức sản xuất lại theo hướng ứng dụng công nghệ cao để đột phá năng suất, chất lượng, giảm giá thành; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; kết nối cung - cầu; liên kết sản xuất theo chuỗi; liên kết vùng và đô thị lớn trong tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa - Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, hiện ĐBSCL có hơn 300.000ha trồng cây ăn trái, chiếm gần 40% diện tích trồng cây ăn trái của cả nước. Hằng năm, khu vực này cung cấp cho thị trường khoảng 4 triệu tấn quả.

Các tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn trong khu vực là Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Tháp… Các loại cây ăn trái có diện tích lớn ở ĐBSCL, gồm: Chuối, xoài, cam, nhãn, khóm, bưởi, sầu riêng, thanh long, chôm chôm, quý…

Trong thời gian gần đây, ĐBSCL không chỉ là vùng trồng cây ăn trái chủ lực cung cấp trái cây cho nhiều tỉnh, thành trong nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong cung cấp trái cây nguyên liệu cho xuất khẩu tươi và chế biến.

Các loại trái cây, như: xoài, nhãn, thanh long, bưởi, chuối, khóm… được thị trường trong – nước ưa chuộng. Trái xoài (cát Hòa Lộc, cát chu) đang được thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc ưa thích; trái thanh long, nhãn, vúa sữa, chôm chôm đã xuất khẩu sang Mỹ với sản lượng gia tăng qua hằng năm. Bưởi da xanh, bưởi Năm Roi đang được các thị trường châu Á có nhu cầu nhập khẩu dạng tươi.

img

Nông dân Ngũ Hiệp thu hoạch sầu riêng

Riêng thanh long là mặt hàng quả xuất khẩu chủ lực với khoảng 1,1 tỷ USD năm 2018. Tiếp đó là chuối, chôm chôm, nhãn, vải, xoài, măng cụt, sầu riêng.

Năm 2018, có 13 thị trường xuất khẩu lớn có giá trị trên 25 triệu USD. Trong đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất chiếm 73,1% thị phần, còn lại là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Malaysia, Thái-lan, Australia, Đài Loan (Trung Quốc), UAE.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem