Minh bạch là tâm điểm của cải cách

Thứ năm, ngày 12/04/2012 14:49 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 11.4, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã công bố Báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2012. ADB đánh giá Nghị quyết 11 của Chính phủ VN đã làm giảm lạm phát, khôi phục được phần nào lượng dự trữ ngoại tệ.
Bình luận 0

Ảnh hưởng từ bất ổn tại châu Âu

Báo cáo cũng dự báo, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại các nước đang phát triển ở châu Á ở mức 6,9% trong năm 2012 và tăng lên 7,3% trong năm 2013. Tăng trưởng GDP trong năm 2011 là 7,2%, sau khi đã tăng 9,1% trong năm 2010, năm mà khu vực hồi phục mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Riêng tại VN dự báo tăng trưởng ở mức 5,7% trong năm 2012, sau đó tăng lên 6,2% trong năm 2013.

img
Sản xuất, kinh doanh ở VN đang dần phục hồi sau giai đoạn khó khăn vì lạm phát (ảnh minh họa).

Ông Changyong Rhee - Trưởng ban kinh tế của ADB cho rằng: “Những bất ổn kéo dài tại khu vực đồng Euro và thương mại toàn cầu tiếp tục sụt giảm tạo ra những nguy cơ lớn hơn đối với triển vọng phát triển của châu Á”.

Giám đốc quốc gia ADB tại VN - ông Tomoyuki Kimura nhấn mạnh, ADB ủng hộ những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong quá trình cải cách cơ cấu trong năm 2012. Ông cũng nhấn mạnh, việc tăng sự minh bạch phải là tâm điểm của tiến trình cải cách, đặc biệt là liên quan đến các lĩnh vực của các doanh nghiệp nhà nước. ADB cũng đánh giá cao các kế hoạch tái cấu trúc lĩnh vực tài chính của Chính phủ VN và cho rằng, yêu cầu dài hạn là xây dựng một hệ thống tài chính đa dạng và hiệu quả, có thể đáp ứng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7-8%.

Đánh giá về triển vọng và thách thức kinh tế ở VN, ông Dominic Meller - chuyên gia kinh tế chia sẻ: Việc duy trì thắt chặt chính sách trong cả năm 2011 của Chính phủ VN thông qua Nghị quyết 11 đã làm giảm lạm phát, giúp ổn định tỷ giá hối đoái và khôi phục được phần nào lượng dự trữ ngoại tệ. Bên cạnh việc nỗ lực vừa phát triển kinh tế vừa giảm lạm phát, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2012 từ 6- 6,5% và mức lạm phát thấp dưới 10%. Lạm phát trung bình của VN có thể giảm xuống mức sát ngưỡng hai con số, với điều kiện các chính sách được duy trì chặt chẽ, nhưng sau đó có thể tăng lên 11,5% trong năm 2013.

Hàng triệu người chưa được hưởng lợi

Tuy nhiên, ADB cũng cho rằng, tăng trưởng nhanh ở châu Á đang để lại đằng sau hàng triệu người, tạo ra khoảng cách ngày càng gia tăng giữa người giàu và người nghèo, đe doạ làm suy yếu tính ổn định của khu vực.

Ông Kimura nhận xét, khoảng cách giàu nghèo ở VN cũng đang gia tăng mức báo động. Theo ông Kimura, Chính phủ VN đã xây dựng được chiến lược mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, trong đó ADB cũng là một đối tác hỗ trợ. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề khoảng cách giàu - nghèo ở VN vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa.

Theo ADB, việc phân phối không bình đẳng công nghệ mới, hạ tầng và đầu tư càng làm tăng chênh lệch, giàu nghèo đặc biệt là giữa khu vực nông thôn và thành thị.

Ông Dominic Meller cho rằng, sở dĩ khoảng cách giàu nghèo gia tăng ở VN là do người nghèo ở VN ít có cơ hội tiếp cận nguồn vốn hơn so với dân cư thành thị. Bất bình đẳng trong tiếp cận với giáo dục, y tế và các dịch vụ công khác cũng góp phần đáng kể làm tăng bất bình đẳng, càng cản trở cơ hội cho người nghèo có thể nâng mức sống.

Ở châu Á nói chung, tỷ lệ bỏ học đối với trẻ em của các gia đình nghèo nhất cao gấp 5 lần, trong khi khả năng tử vong của một trẻ sơ sinh thuộc gia đình nghèo cao gấp 10 lần so với trẻ sinh trong một gia đình giàu. Bất bình đẳng về cơ hội tạo ra chênh lệch về thu nhập, rồi từ đó lại dẫn tới những khác biệt lớn về tiếp cận cơ hội trong tương lai đối với các gia đình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem