Khó phát hiện bệnh
Theo TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dịch bệnh do virus Zika tiếp tục có những diễn biến khó lường khi hiện tại cả nước đã phát hiện 9 trường hợp dương tính. Đồng thời, bệnh sốt xuất huyết cũng đang gia tăng cục bộ ở một số địa phương, đặc biệt tại khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Hiện nay đang vào thời điểm mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh, làm tăng nguy cơ lây truyền và bùng phát dịch bệnh. “Muỗi mang mầm bệnh Zika cũng là muỗi truyền sốt xuất huyết. Loại muỗi này có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố, do đó, nguy cơ lây nhiễm cả 2 loại bệnh này rất khó lường” – TS Phu nhận định.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và PGS.TS. Phan Trọng Lân (Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM) đang giám sát công tác phòng chống sốt xuất huyết tại quận 7, TP. Hồ Chí Minh.
Theo TS Phu, hiện cả nước mới phát hiện 9 ca bệnh do virus Zika, tuy nhiên không loại trừ còn nhiều ca bệnh chưa phát hiện. “Bệnh do virus Zkia có biểu hiện rất nhẹ (sốt, mệt mỏi, một số ít trường hợp có phát ban đỏ dưới da) do đó dễ nhầm lẫn sang cảm cúm. Hầu hết các ca bệnh đều tự khỏi, người dân có thể tự mua thuốc cảm cúm điều trị hoặc không điều trị mà không đến các cơ sở y tế, do đó không phát hiện được” – TS Phu cho biết.
TS Phu nhận định, đối với dịch bênh do virus Zika, quan trọng nhất là cần nâng cao ý thức phòng tránh cho phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ dự định mang thai. “Việc thai nhi bị bệnh đầu nhỏ chỉ phát hiện ở 3 tháng cuối thai kỳ. Vì thế, các bà mẹ mang thai từ 3 tháng trở xuống hoặc chuẩn bị mang thai phải đề phòng muỗi đốt, không đi đến vùng có dịch. Khi có thai mà có các dấu hiệu sốt, mệt mỏi, lại đi qua vùng có dịch sốt xuất huyết (Zika) hoặc gần gũi người mắc bệnh thì nên đi khám để được chẩn đoán và tư vấn” – TS Phu khuyến cáo.
Mọi người vào cuộc “diệt muỗi”
Để tăng cường phòng, chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết, chủ động phòng chống dịch bệnh trong những tháng cuối năm và vận động người dân tích cực tham gia, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, loăng quăng phòng, chống bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết” trên địa bàn tỉnh, thành phố lần thứ 2 (trong tháng 10 và tháng 11.2016) nhằm huy động các ban, ngành, đoàn thể, vận động mọi người dân tham gia vào hoạt động của chiến dịch.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu địa phương duy trì các hoạt động truyền thông phòng chống bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết trên địa bàn với nhiều hình thức; đặt khuyến cáo phòng chống bệnh do virus Zika tại nơi dễ nhìn khu vực cửa khẩu để hành khách đi từ vùng dịch về chủ động theo dõi sức khỏe và khai báo khi cần thiết….
Ngành y tế đẩy mạnh công tác điều tra giám sát trường hợp bệnh và kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, chủ động lấy mẫu bệnh phẩm (bao gồm cả mẫu huyết thanh và nước tiểu) các đối tượng nghi ngờ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tăng cường lấy mẫu tại các phòng khám (bao gồm cả phòng khám tư nhân) và cộng đồng do người nhiễm virus Zika thường có triệu chứng nhẹ có thể không đến khám và điều trị tại bệnh viện. Ngành y tế kịp thời gửi mẫu bệnh phẩm về Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực để tiến hành xét nghiệm khẳng định nhằm đánh giá sự lưu hành của virus Zika để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống; đồng thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và các biện pháp phòng bệnh hiệu quả trên địa bàn.
Bộ Y tế yêu cầu Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em triển khai tốt việc quản lý thai sản, khám, sàng lọc phụ nữ có thai nghi nhiễm virus Zika để tiến hành tư vấn và xét nghiệm khi cần thiết. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế triển khai tốt công tác phân tuyến, thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, tránh hiện tượng quá tải đối với các bệnh viện tuyến trên; tập huấn và tập huấn lại về giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết cho tất cả các cơ sở y tế các tuyến bao gồm cả hệ thống điều trị tư nhân nhằm giảm tối đa các trường hợp tử vong. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương trong việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm; chuẩn bị đầy đủ vật tư, sinh phẩm chẩn đoán để đáp ứng kịp thời cho công tác giám sát, xét nghiệm, phòng chống dịch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.