Mở cửa du lịch: Du khách quốc tế háo hức đến Việt Nam nhưng e ngại bởi nhiều rào cản

Huy Hoàng Thứ tư, ngày 09/03/2022 14:48 PM (GMT+7)
Một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ với Dân Việt, thông tin Việt Nam mở cửa trở lại hoạt động du lịch vào ngày 15/3 đã khiến nhiều đối tác tại thị trường Châu Âu, Trung Đông háo hức muốn sang Việt Nam, tuy nhiên họ cũng đang còn e ngại bởi Việt Nam còn nhiều rào cản.
Bình luận 0

Mở cửa du lịch: "Mở" mà như "đóng"

Mở cửa du lịch: Du khách quốc tế háo hức đến Việt Nam nhưng e ngại bởi nhiều rào cản - Ảnh 1.

Du khách xem trình diễn tại đảo Nam Hội An tháng 12/2021. Ảnh: Thanh Hà

Cũng còn chưa đến 10 ngày nữa là ngày Việt Nam chính thức mở cửa trở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, ý kiến của các bộ, ban ngành vẫn chưa thể đi đến sự thống nhất, lộ trình đón khách vẫn chưa thể công bố để các doanh nghiệp có thể chào bán các sản phẩm du lịch, các dịch vụ phục du lịch khai trương, quay trở lại hoạt động. Điều này khiến nhiều chuyên gia du lịch, doanh nghiệp du lịch, lữ hành cảm thấy bế tắc và chán nản.

Ông Ngô Văn Thỏa - Giám đốc Công ty Du lịch Châu Mỹ (Pan American Travel) chia sẻ với Dân Việt: "Hiện nay, các đối tác quốc tế đều rất quan tâm đến tình hình mở cửa của Việt Nam. Theo xu thế chung của thế giới, đây là điều tất yếu. Công ty chúng tôi cũng đã trao đổi chủ trương, chính sách và xây dựng kế hoạch bán tour với các đối tác. 

Họ rất háo hức và quan tâm, tuy nhiên thời điểm này chúng tôi cũng mới chỉ dám trao đổi như vậy chứ chưa thể đưa khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, bởi rất nhiều lý do. Trong đó với thị trường ở Mỹ thì thời điểm này không phải là mùa du lịch và lý do quan trọng hơn nữa Việt Nam chưa có lộ trình cụ thể, thống nhất cho ngày mở cửa du lịch 15/3.

Trong khi các đối tác nước ngoài thường làm việc theo kế hoạch cụ thể. Do đó, phải tới tháng 10 chúng tôi mới có thể tiến hành đưa khách quốc tế tới Việt Nam"

Theo ông Ngô Văn Thỏa, để thu hút được số lượng lớn khách du lịch quốc tế chỉ khi các thông tin liên quan đến hoạt động mở cửa được cung cấp một cách rõ ràng thì các doanh nghiệp mới có thể xúc tiến làm việc với đối tác nước ngoài được.

Nói thêm về việc mở cửa du lịch, ông Ngô Văn Thỏa cho hay, hoạt động mở cửa vẫn còn một số khó khăn do còn có những rào cản nhất định. Hoạt động mở cửa không thể thoải mái như thời điểm trước đại dịch Covid-19. Do đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn là rất ít, chủ yếu là lượng khách đi theo diện công tác, kinh doanh... Còn lại lượng khách đi theo diện du lịch đơn thuần vẫn chưa nhiều.

"Những rào cản về phê duyệt giấy tờ trong thời điểm này khiến các khách quốc tế e ngại đến Việt Nam. Do đó, các thủ tục hành chính nên được thực hiện như thời điểm trước dịch để du khách thoải mái hơn trong quá trình di chuyển. Trong xu thế chung, chúng ta nên tiến hành thực hiện các vấn đề an ninh, visa, hộ chiếu vắc xin... cần thực hiện một cách đồng bộ, nhất quán để các doanh nghiệp thuận tiện hơn trong quá trình tiếp cận đối tượng khách quốc tế", ông Ngô Văn Thỏa cho biết.

Cũng là một trong những doanh nghiệp lữ hành có thâm niên đưa du khách quốc tế đến Việt Nam, ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group cho Dân Việt biết: "Trong thời gian dịch bệnh tác động nặng nề, chúng tôi đã phải ứng phó với tình hình khó khăn chung bằng cách xây dựng các hoạt động phục vụ khách du lịch nội địa. 

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì bộ máy và thực hiện hoạt động kết nối với các đơn vị du lịch nước ngoài để duy trì mối quan hệ và sẵn sàng hoạt động trở lại. Tuy nhiên hiện nay, chúng tôi đang gặp phải nhiều cản trở vì những thủ tục không rõ ràng. 

Từ đó dẫn đến tình trạng rất nhiều khách du lịch quốc tế muốn đến Việt Nam, nhưng chúng ta lại chưa thể đón khách. Các câu hỏi về lộ trình đón khách,quy định cụ thể về visa, quy định cách ly... còn tồn tại nhiều bất cập. Do đó, khách hàng còn e dè trong quá trình đặt tuyến và doanh nghiệp cũng khó khăn trong việc quảng bá sản phẩm".

Chia sẻ về nhu cầu của du khách của khách du lịch quốc tế, ông Phạm Hà cho biết: "Chúng tôi cung cấp rất nhiều tour du lịch tới thị trường khách tại châu Âu, Úc, Newzealand ... Các nhóm đối tượng này đã từng bị hoãn hủy chuyến nên họ rất mong muốn thực hiện chuyến đi của mình. Việc mở cửa ở thời điểm này cũng là rất phù hợp bởi thời điểm tới đây là mùa du lịch của các thị trường châu Âu, Úc, Newzealand. Tuy nhiên, chúng ta phải thực hiện nhanh chóng các hoạt động mở cửa, đồng thời cần có sự phối hợp giữa các đơn vị như hàng không, y tế, du lịch... để hoạt động mở cửa diễn ra đồng bộ, nhanh chóng và dễ dàng".

Mở cửa du lịch: Nản với các rào cản đối với lộ trình đón khách quốc tế, nhưng tín hiệu vui khi đưa du khách ra nước ngoài

Mở cửa du lịch: Du khách quốc tế háo hức đến Việt Nam nhưng e ngại bởi nhiều rào cản - Ảnh 2.

Khách du lịch quốc tế xem trình diễn tại đảo Nam Hội An tháng 12/2021. Ảnh: Thanh Hà

Ông Phạm Hà chia sẻ: "Tôi được biết mới đây, Bộ Y tế đã có ý kiến quy định phòng chống dịch Covid-19 trong lộ trình đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên nhìn vào quy định, cách ly bắt buộc trong 24 giờ đầu nhập cảnh tại nơi lưu trú, 72h giờ đầu nhập cảnh không nên rời khỏi nơi lưu trú sẽ là một rào cản rất lớn với du khách.

Chúng tôi cũng mong muốn có thể xem xét bỏ đi quy định này để du khách thuận lợi hơn trong quá trình di chuyển đến Việt Nam. Hiện nay, việc phủ sóng vắc xin và quan điểm bình thường hóa dịch bệnh đang dần được thực hiện. Do đó chúng ta cần mở hết mọi rào rản, bỏ các quy định để hoạt động mở cửa nhanh chóng được thực hiện. 

Nhìn ra các nước trên thế giới, hiện nay có đến gần 90 nước họ đã bỏ hết các quy định đối với khách du lịch quốc tế, nếu có còn thì chỉ là xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi lên máy bay. Thậm chí nhiều nước cũng không cần xét nghiệm xét nghiệm SARS-CoV-2 mà vẫn được nhập cảnh và đi lại tự do. Vì vậy nếu giờ chúng ta lại xiết, thêm các quy định thì doanh nghiệp lữ hành như chúng tôi hay những người làm du lịch không biết phải xoay xỏa ra sao với ngành, chúng tôi cảm thấy nản".

Cũng theo ông Ngô Văn Thỏa, mối quan tâm của các doanh nghiệp quốc tế đến thị trường Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Sở dĩ có sự thay đổi này là do trước đây các thị trường truyền thống của chúng ta là khách hàng ở khu vực Bắc Âu và Nga. Tuy nhiên hiện nay hai thị trường này đang chịu ảnh hưởng rất nặng do chiến sự Nga - Ukraina. Do đó, chúng tôi tập trung vào các thị trường khác như Ấn Độ, Trung Đông... Các khách hàng này có xu hướng quan tâm tới các điểm đến như Phú Quốc, Nha Trang, Khánh Hòa... của chúng ta.

"Tôi cho rằng hiện nay, điểm đến Phú Quốc là một trong những điểm đến lý tưởng bởi hiếm có nơi nào cơ sở vật chất được hoàn thiện đầy đủ như vậy, đáp ứng cả về nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí…hơn nữa thời gian bay đến Phú Quốc chỉ tính khoảng 7 tiếng đổ lại, đó là thời gian hợp lý cho khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Nên đây là địa điểm du lịch lý tưởng thu hút các thị trường quốc tế, thu hút được sự quan tâm của du khách nước ngoài", ông Ngô Văn Thỏa cho hay.

Có thể nói, việc chưa thể đi đến thống nhất lộ trình đón khách du lịch quốc tế trước thềm ngày mở cửa du lịch đang là thách thức đối với ngành du lịch nói chung và những người làm du lịch nói riêng. Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, các dịch vụ phục vụ đau đầu cho bài toán làm thế nào để duy trì hoạt động công ty, làm sao để tồn tại chờ ngày khởi sắc, phục hồi du lịch.

Chia sẻ về điều này, ông Ngô Văn Thỏa cho biết: "Công ty chúng tôi may mắn, đã tiến hành chuyển đổi số trong nhiều năm nay. Chúng tôi đã xoay chuyển thực hiện lên kế hoạch, xây dựng sản phẩm du lịch, kết nối đối tác, khách hàng để có được tour đi nước ngoài. Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cùng kinh nghiệm trong hoạt động đưa khách tới nhiều thị trường khác nhau của doanh nghiệp. 

Và đến thời điểm hiện tại, khách hàng Việt Nam đã thuộc nhóm đi lại tự do trên thế giới. Do đó, khách hàng Việt Nam rất thuận lợi trong quá trình tham gia du lịch quốc tế. Chúng tôi cũng đang duy trì đều đặn các chuyến bay du lịch đưa khách từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đến các thị trường quốc tế. Do đó, trong mùa dịch bệnh, chúng tôi vẫn có thể xoay sở và vượt qua khó khăn trong mùa dịch".

"Hiện nay, nhu cầu của du khách Việt Nam đến các thị trường quốc tế là rất lớn. Hầu hết các tour doanh nghiệp cung cấp đều nhận được sự ủng hộ của khách hàng. Tuy nhiên sau thời gian dịch, chúng tôi cũng cần thiết kế lại các điểm đến do sau hai năm dịch bệnh, các thị trường quốc tế cũng có nhiều thay đổi. Với các điểm đến quốc tế, chúng tôi chỉ lựa chọn các điểm đến ổn định và đã có thời gian mở trong một thời gian.  

Chúng tôi thường tập trung đưa khách đến các thị trường như Mỹ, Canada, Dubai, Mexico... Các đơn vị này đều có thị trường hoàn thiện với cơ sở vật chất hạ tầng ổn định. Các tour du lịch hiện nay được bán ra với mức giá trung bình từ 70 đến 90 triệu. Chúng tôi cũng hạn chế đưa ra các tour quá đắt đỏ do sau thời gian dịch bệnh, khả năng tài chính của khách hàng cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. 

Hiện nay mỗi tuần, chúng tôi có 2 lịch khởi hành cố định từ đầu Hà Nội và TP HCM vào thứ 6, thứ 7. Các tour đi Dubai từ Hà Nội dài 6 ngày, còn từ TP HCM là 5 ngày hoặc 8 ngày. Từ nay đến tháng 4, công ty đã có trung bình 15-20 khách/đoàn đi Dubai", ông Ngô Văn Thỏa cho hay.

Chia sẻ thêm về các chuyến đi tới các thị trường quốc tế, ông Ngô Văn Thỏa cho biết, đã không gặp khó khăn nào, do các quốc gia này ít có những quy định khắt khe. Điều kiện du nhất du khách phải đáp ứng chính là khách hàng phải thực hiện test PCR trong 72 giờ trước khi lên chuyến bay. Tuy nhiên tới đây các quốc gia này cũng dần tiến tới bỏ test với du khách. Đồng thời tỷ lệ phủ sóng vắc xin trên toàn thế giới cũng là yếu tố thuận lợi để du khách dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế.

"Tôi nghĩ, Việt Nam cũng cần thực hiện nhanh chóng, đồng thời giảm bớt các quy định về visa, cách ly bắt buộc... để du khách dễ dàng tiếp cận thị trường Việt Nam trong thời gian sớm nhất khi mở cửa du lịch vào ngày 15/3 tới đây", ông Ngô Văn Thỏa nói.

Cũng đồng quan điểm dỡ bỏ các rào cản, ông Phạm Hà đưa ra giải pháp cho việc vừa đảm bảo an toàn cho du khách cho cộng đồng cư dân tại điểm đến cũng như cho người làm du lịch, theo ông Phạm Hà, mình có thể thực hiện giống như quy định của Thái Lan, tức là Test and Go.

Đồng thời, chúng ta cần định vị du lịch là ngành kinh tế trọng tâm trong thời gian này. Từ đó dần tháo gỡ những nút thắt về thể chế chính sách, chất lượng nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch và xúc tiến quảng bá du lịch hiệu quả. Bên cạnh đó, cần hạn chế, đa dạng hóa nguồn khách, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Cùng với đó là quá trình định vị thương hiệu du lịch quốc gia, hướng tới thị trường khách trung và cao cấp. Đây là những yếu tố có thể giúp du lịch Việt Nam sớm phục hồi.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem