Mô hình "gắn kết hộ": Sáng tạo và ý nghĩa

Chủ nhật, ngày 19/02/2012 17:31 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ một tập tục đẹp của đồng bào dân tộc địa phương được trải nghiệm, Binh đoàn 15 đã cho ra đời mô hình “gắn kết hộ”. Sự đúng đắn, sáng tạo của mô hình càng thêm ý nghĩa thời sự trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Bình luận 0

Trên ngôi làng của “người anh hùng chân đất”…

Con đường cấp phối kẻ một vệt thẳng băng qua những vườn điều đang kỳ đơm bông. Không gian yên tĩnh đến độ nghe cả tiếng rù rì của bầy ong tìm mật trong hương điều thoang thoảng… “người Anh hùng chân đất” Rơ Mah KLum đã mất hơn hai năm nay nhưng trong ký ức của người dân làng Mới ông vẫn sống, vẫn hiển hiện qua từng câu chuyện họ kể tôi nghe…

 img
Anh hùng LLVT, Anh hùng Lao động, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang - Tư lệnh Binh đoàn 15 gặp mặt các già làng tiêu biểu - những tác nhân quan trọng của mô hình “gắn kết hộ”.

Hơn 20 năm trước, sau gần 30 năm đánh giặc, Rơ Mah KLum trở về làng. Ông không ngờ đôi mắt ráo hoảnh vì bom đạn lại phải rơi lệ giữa đời thường. Dường như chẳng có gì đổi thay từ ngày ông rời làng đi đánh giặc. Hiểu rằng nếu cứ theo nếp cũ thì đói nghèo sẽ mãi là định mệnh chung thân, Rơmah KLum dẫn 12 hộ thanh niên và 4 hộ gia đình cựu chiến binh theo mình lập làng mới. Binh đoàn 15 đã tiếp sức cho ý nguyện của ông tất cả những gì có thể: Gỡ bom mìn, mở đường, đắp hồ chứa nước…

Tuy nhiên bằng con mắt nhạy cảm của người lính một đời trận mạc, biết trồng cây lúa thì chỉ hết đói chứ không thể thoát nghèo, Rơ Mah KLum đứng ra trồng 7ha cao su để “đặt cược” niềm tin cho dân làng. Toàn làng Mới đã trở thành lớp công nhân tiên phong, có đời sống khá nhất xã Ia Dơk. Năm 2012 này Công ty 74 – Binh đoàn 15 đã chọn làng Mới làm điểm để đầu tư xây dựng nông thôn mới…

- “Cả 56 hộ làng mình đều kết nghĩa với công nhân đội 2. Anh em Kinh giúp cho nhiều việc lắm” – Trưởng thôn Rơ Lan Klok kể giọng phấn khởi. Như mình, nhận vợ chồng anh Lương Đức Thuận làm anh em, năm rồi làm nhà mới hết 30 triệu đồng thì anh đã giúp cho 10 triệu đồng. Có 4 sào cà phê, cứ vài hôm anh lại sang chỉ cho kỹ thuật chăm sóc. Chị thì bày cho vợ mình sắp xếp nhà cửa, dạy dỗ con cái; bày cho cả cách làm đẹp. Từ ngày có anh chị, nhà mình việc gì cũng tốt cả lên…

Chẳng riêng mình, làng Mới bây giờ việc gì cũng mới. Người giàu thì đã có những Kpuih Vel, Kpuih Tăng (thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng). Lũ thanh niên hết uống rượu quậy phá, chỉ lo việc làm ăn; con nít hết bỏ học, người chết không chôn chung.

Làng không ai ăn cắp của ai, không ai còn lởn vởn trong đầu lời kẻ xấu. Mới đây thằng Rơ Lan Chối ở làng Đăk Ngo sang đây định truyền đạo trái phép, dân làng lập tức đi báo công an… Việc lớn thì được binh đoàn, công ty giúp; việc nhỏ thì được anh em Kinh chỉ cho, làng mình chắc sẽ trở thành “nông thôn mới” đầu tiên của xã…

Mô hình sáng tạo

Trải dài trên địa bàn 160 bản làng của 30 xã, thị trấn thuộc 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, 27 năm qua bằng hiệu quả từ sản xuất kinh doanh, binh đoàn đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất trên địa bàn đứng chân.

Chỉ tính mươi năm trở lại đây, hàng trăm tỷ đồng đã được đầu tư để xây dựng 7 trung tâm cụm dân cư, 35 khu tập thể, hơn 1.000km đường giao thông; 104 hồ đập chứa nước cùng hàng trăm km kênh mương; hơn 100 nhà trẻ, mẫu giáo, 8 bệnh xá cùng hàng trăm km đường dây tải điện.

Bên cạnh đó là hàng loạt các thiết chế văn hóa: Sân bóng đá, nhà rông, khu vui chơi giải trí… chưa kể hàng chục tỷ đồng đóng góp vào các quỹ nhà tình nghĩa, đại đoàn kết… Cùng với việc mang lại cho đồng bào các dân tộc sự đổi thay có tính cách mạng về đời sống vật chất, binh đoàn đã đặt những viên gạch nền móng cho cơ sở hạ tầng - những vốn liếng quý báu cho công cuộc xây dựng nông thôn mới hôm nay.

img
Cán bộ Công ty 74 – Binh đoàn 15 hướng dẫn công nhân dân tộc làng Mói kỹ thuật chăm sóc cây điều.

Như vậy có thể nói dù chưa chính danh tên gọi, nhưng với phương châm “Binh đoàn gắn với tỉnh, công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng” được thực hiện nhất quán từ hơn 27 năm nay, nội hàm của khái niệm “Xây dựng nông thôn mới” đã được binh đoàn thực hiện từ ngày thành lập.

Tuy nhiên một thực tế cần được nhìn nhận thấu đáo là thu nhập của đa số người lao động dân tộc còn kém công nhân Kinh. Nguyên nhân là năng suất lao động chưa cao, kinh tế phụ phát triển chưa hiệu quả và phần đông chưa biết cách quản trị kinh tế gia đình.

Bên cạnh đó một số tập tục lạc hậu còn rơi rớt, nếp sống giản đơn còn tồn tại trong không ít gia đình. Đây là những trở lực nếu không vượt qua thì không thể xây dựng thành công nông thôn mới...

Từ sự dày công tìm tòi, đúc kết thực tiễn, năm 2006 binh đoàn đã chỉ đạo Công ty 74 làm điểm tổ chức kết nghĩa 30 cặp hộ. Hiệu quả từ mô hình đã được Bộ tư lệnh binh đoàn khẳng định: Đây là mô hình thể hiện sự sáng tạo của công tác dân vận, cần được nhân rộng.

Từ 30 cặp hộ kết nghĩa, đến nay đã có 4.276 cặp hộ gắn kết – trong đó có hơn 1.900 hộ đồng bào dân tộc không phải là người lao động binh đoàn. Mô hình “gắn kết hộ” đã được Ban dân vận Trung ương, Tổng cục Chính trị QĐNDVN, cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá là mô hình điểm, là cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác “dân vận khéo” của binh đoàn…

Khi mọi nhà là con một nhà

Không chỉ một làng Mới, hầu như xuống bất kỳ đội sản xuất nào của binh đoàn, tôi cũng được nghe những câu chuyện xúc động về tình cảm anh chị em, cha con của những gia đình kết nghĩa…

Này là chuyện Ksor Tiên – công nhân đội 2 Công ty 75 kết nghĩa với gia đình anh Phan Bá Hậu. Trước đây Tiên hay uống rượu, kinh tế gia đình khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ bằng tình thương ruột thịt của người anh kết nghĩa, Tiên đã trở thành thợ cạo mủ giỏi, làm kinh tế phụ giỏi. Từ một công nhân chậm tiến, Ksor Tiên đã trở thành đảng viên…

Hay như cặp hộ kết nghĩa Hồ Thị Thu (đội 4, Công ty 732) và Y Đế (chị Y Đế không phải là công nhân). Bằng sự giúp đỡ ân cần của người em, với 400 cây cao su tiểu điền, thu nhập của gia đình chị đã đạt gần 200 triệu đồng…

Chị Phạm Thị Hà - Đội trưởng Đội sản xuất số 2 – đơn vị đầu tiên trong Công ty 74 thực hiện phong trào kết nghĩa cho biết: Đội có 77 hộ công nhân người Kinh, tất cả đều nhận kết nghĩa với các hộ công nhân dân tộc. Họ giúp đỡ nhau có thể nói không khác tình ruột thịt. Từ việc lớn là định hướng cách làm ăn, quản trị kinh tế gia đình… đến những việc nhỏ là trồng rau ăn, làm chuồng gà, làm nhà vệ sinh…

“Cả 56 hộ làng mình đều kết nghĩa với công nhân đội 2. Anh em người Kinh giúp cho nhiều việc lắm. Như mình, nhận vợ chồng anh Lương Đức Thuận làm anh em, năm rồi làm nhà mới hết 30 triệu đồng thì anh đã giúp cho 10 triệu đồng”.

Sự giúp đỡ ấy đã tạo chuyển biến rõ rệt trong đời sống công nhân dân tộc: Năng suất lao động tăng 1,5 lần; không còn kiểu làm việc kiểu tuỳ hứng. Phong trào lập vườn, làm kinh tế phụ được khởi động. Đặc biệt là nếp sống văn minh đã bước hẳn vào mỗi gia đình. Đồng bào bỏ thói quen uống nước lã, đêm ngủ mắc màn; biết dùng nhà vệ sinh. Các cháu đều đi học và không còn việc bỏ học giữa chừng. Một không khí hoà đồng thân ái chan hoà từ tập thể đơn vị cho đến mọi nhà…

Hết mình vì cuộc sống của đồng bào các dân tộc – đó chính là cội nguồn của những thành tích xuất sắc mà Binh đoàn 15 giành được trong cả hai nhiệm vụ phát triển kinh tế - an ninh – quốc phòng trong suốt chặng đường 27 năm qua. “Gắn kết hộ” thực ra cũng chỉ là sự tiếp tục của “chiến lược con người” một cách toàn diện. “Nông thôn mới” là một cơ thể tập hợp những tế bào khỏe mạnh và “Gắn kết hộ” chính là công việc để tạo nên những tế bào cho cơ thể ấy…

Những tín hiệu của sự khởi động ban đầu đang hứa hẹn mở ra một chương mới cho cuộc sống đồng bào các dân tộc – Và như thế, một chương phát triển mới của binh đoàn cũng sẽ bắt đầu…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem