Mở tài khoản ngân hàng riêng để ngăn chủ đầu tư "om" quỹ bảo trì

Trần Kháng Thứ hai, ngày 10/08/2020 06:30 AM (GMT+7)
Đề xuất sửa đổi quy định về quản lý 2% quỹ bảo trì nhà chung cư được Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.
Bình luận 0

Theo Bộ Xây dựng, hiện tại người mua, thuê mua nhà ở, chủ đầu tư phải đóng 2% kinh phí bảo trì phần sở hữu chung theo quy định tại Điều 108, Luật Nhà ở.

Cũng theo Điều 36 Luật này, người mua nhà có 2 phương thức để nộp kinh phí bảo trì là nộp trực tiếp vào tài khoản đã ghi trong hợp đồng mua bán, hoặc nộp cho chủ đầu tư và chủ đầu tư chuyển vào tài khoản kinh phí bảo trì. 

Tuy nhiên, trên thực tế thời gian gần đây những vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân về quỹ bảo trì đã cho thấy kẽ hở dẫn đến nhiều chủ đầu tư tự ý sử dụng khoản tiền này theo mục đích riêng, không trao trả đủ cho Ban quản trị nhà chung cư.

Do đó, Bộ Xây dựng cho rằng cần thiết bỏ quy định về hình thức nộp kinh phí bảo trì trực tiếp cho chủ đầu tư để hạn chế tình trạng trên.

Mở tài khoản ngân hàng riêng để ngăn chủ đầu tư "om" quỹ bảo trì - Ảnh 2.

Công ty TNHH Hòa Bình - chủ đầu tư dự án chung cư Hòa Bình Green City (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị phạt vi phạm hành chính số tiền 125 triệu đồng do chậm bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị.

Cụ thể, theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi Khoản 1, Khoản 2 Điều 36 như sau:

Thứ nhất, người mua, thuê mua nhà ở, chủ đầu tư phải đóng 2% kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định tại Điều 108 của Luật Nhà ở; khoản kinh phí này được tính trước thuế để nộp (Nhà nước không thu thuế đối với khoản kinh phí này). Chủ đầu tư phải mở một tài khoản vốn chuyên dùng có kỳ hạn tại một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để nhận tiền bảo trì do người mua, thuê mua, chủ đầu tư nộp theo quy định.

Chủ đầu tư phải ghi thống nhất tài khoản đã mở theo quy định tại Khoản 1 Điều này trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư ký với khách hàng (bao gồm số tài khoản, tên tài khoản và tên tổ chức tín chức tín dụng nơi mở tài khoản này); người mua, thuê mua trước khi nhận bàn giao nhà ở phải nộp 2% kinh phí bảo trì theo quy định vào tài khoản đã ghi trong hợp đồng này; nếu chủ đầu tư không thu kinh phí này mà vẫn bàn giao căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư cho người mua, thuê mua thì chủ đầu tư phải nộp khoản kinh phí 2% này". 

Bên cạnh đó, Điểm đ khoản 1 Điều 37 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế của UBND cấp tỉnh, tổ chức tín dụng đang quản lý tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư hoặc quản lý tài khoản khác của chủ đầu tư theo quyết định cưỡng chế có trách nhiệm chuyển kinh phí sang tài khoản do Ban quản trị lập để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về nhà ở và quyết định cưỡng chế.

Trường hợp phải xử lý tài sản của chủ đầu tư để thu hồi kinh phí bảo trì cho Ban quản trị thì UBND cấp tỉnh thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không bàn giao kinh phí bảo trì của chủ đầu tư theo quy định. Trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải ghi rõ biện pháp kê biên tài sản của chủ đầu tư để thực hiện bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản nhằm thu hồi kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư"

Thống kê hồi quý I/2020 của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 3/2020 có khoảng 70 nhà chung cư có tranh chấp liên quan đến khoản tiền kinh phí bảo trì 2%. Tại nhiều chung cư, khoản tiền này có thể lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Đây là những tranh chấp dai dẳng, khó giải quyết nhất thời gian qua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem