Mỏ vàng biến thành hồ... ngao ngán

Thứ sáu, ngày 16/09/2011 13:08 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mỏ vàng sau khai thác không thực hiện hoàn thổ mà được để nguyên làm hồ... sinh thái. Ở cái vùng đồi núi, nhiều sông suối nhưng lại thiếu đất ở, đất sản xuất, cái hồ rộng đến 6,6ha tồn tại như cái trò đùa ngao ngán.
Bình luận 0

Hồ thuộc thôn Chợ Cũ, xã Lạng San, huyện Na Rì, được lãnh đạo huyện, xã và người dân ở đây quen gọi cái tên khá “mỹ miều” là hồ sinh thái. Hồ là “sản phẩm” sau khi Công ty An Thịnh, một “đại gia” ở Bắc Kạn khai khoáng rút đi…

img
Một góc “hồ sinh thái”.

Chợ xưa thành hồ

Ông Lý Văn Tuyên, người dân tộc Nùng, năm nay 48 tuổi nheo mắt nhìn ra hồ mênh mông nước trước mặt hồi tưởng: Trước đây, hồ vốn là một khu chợ với 2 dãy nhà cổ đối diện nhau. Ông và anh chị em trong gia đình lớn lên ở đấy; đến phiên chợ thì buôn bán cùng bố mẹ; ngày thường thì trồng ngô, làm lúa ở sau nhà.

Từ khi phát hiện tại khu vực này có vàng, người dân tranh thủ khai thác vàng theo phương thức thủ công để mong kiếm được cái lộc của đất trời. Nhưng vàng lúc đó chưa có giá như bây giờ, việc khai thác chỉ đơn giản bằng tay chân nên cái khu Chợ Cũ cũng chỉ có thêm vài cái ao nho nhỏ.

Nhưng rồi, “biến cố” xảy ra vào năm 2005, khi UBND tỉnh Bắc Kạn quyết định thành lập mỏ vàng, cho Công ty An Thịnh vào khai thác ngay trên nền đất rộng của khu Chợ Cũ này. Như mọi gia đình khác, ông Tuyên phải dỡ nhà, bỏ ruộng, nhường đất cho công trường khai khoáng. Anh em, láng giềng mỗi người cố gắng thu xếp một chỗ ở.

Phần lớn người dân chuyển vào chân núi dựng nhà, còn ông Tuyên may mắn mua lại được mảnh đất của ông chú nằm sát khu vực khai thác vàng. Khi máy móc được đưa vào khai thác, những nền nhà cũ, những ruộng lúa, bãi ngô lần lượt bị máy xúc đào đi, chuyển lên xe tải ra con sông Bắc Giang gần đó để đãi lấy vàng.

Ngày ngày, nhìn cảnh khai thác vàng, ông vẫn mong một ngày nào đó, đất sẽ được lấp lại, gia đình ông lại được về ở tại khu Chợ Cũ, buôn bán và cấy hái. Nhưng ước mơ đó đã không bao giờ đến. Năm 2008, việc khai thác chấm dứt, máy móc được chuyển đi hết, để lại nguyên vẹn cái hồ rộng 6,6ha, sâu hơn 10m như hiện nay.

Trước mắt chúng tôi, ngoài cái vẻ ngoại cỡ thì cái hồ chẳng khác gì một cái hồ bất kỳ hoang hoá, tù đọng là mấy. Quanh hồ không có đường đi, cũng không có bờ cao hay tường rào chắn; cây dại mọc um tùm. Anh Hứa Văn Du có căn nhà dựng sát bên mép hồ lắc đầu ngao ngán: “Dân không có ăn, đất không có ở, làm cái hồ sinh thái làm gì. Ở đây cây cối, sông suối thiếu gì mà cần hồ”.

Còn chị Hồng - vợ anh suốt ngày bức bối trong người do hồ không rào chắn nên khi nào chị cũng phải trông, phải bế con sợ chúng ngã xuống hồ. Chị còn nghe dân làng kể, trước đây, một số người còn dùng thuỷ ngân để “cô” vàng tại khu vực hồ nên chị cũng không dám thả vịt để nuôi.

Đề nghị … cấp tiền lấp hồ

Ông Lý Văn Huyên - Trưởng thôn cho biết: Thôn có 32 hộ thì chỉ có 6 hộ có ít ruộng trồng cấy. Không có ruộng, dân trong thôn chẳng còn cách nào khác là ra dọc sông suối mà đào đãi sái vàng kiếm tiền đong gạo. “Mang tiếng là đất vàng mà cả thôn có tới 80% dân trong thôn là hộ nghèo và cận nghèo. Nếu không lấp hồ thì không biết lấy đâu ra đất để bà con canh tác, kiếm cái mà ăn” – ông Huyên nói.

Ông trưởng thôn luống tuổi nói, đã là trưởng thôn, đại diện cho lời ăn tiếng nói của dân bản nên nhiều lần ông lên xã báo cáo, đề nghị nhưng chính quyền “nghe chưa thủng”. Nhấp chén trà, ông trưởng thôn tặc lưỡi: “Nghe ngóng thông tin báo đài về chương trình nông thôn mới đang triển khai mạnh; “ước” gì có cái nguồn tiền nào đó từ chương trình này giúp dân lấp hồ làm chỗ ở hoặc chỗ trồng ngô, trồng lúa”.

Trong Luật Khoáng sản năm 1996 và Luật Khoáng sản năm 2010 đều quy định: Đơn vị khai thác phải có trách nhiệm phục hồi môi trường và đất đai sau khi khai thác.

Bà Thảo - chủ thầu nuôi cá tại hồ cũng như ngồi trên đống lửa. “Từ đầu bản đến cuối bản, ai gặp họ cũng muốn lấp cái hồ lấy đất trồng ngô. Tôi cũng thấy thế là đúng; mình nuôi cá kiếm tiền nhưng hàng xóm không có ăn sao được. Khi tôi đánh hết lứa cá này, nếu xã, huyện có tiền lấp ao, tôi trả lại liền” – bà Thảo nói.

Đem tâm sự về cái hồ này trao đổi với ông Hoàng Đức Tâm - Chủ tịch UBND xã Lạng San cũng không có lời giải nào khả dĩ. Ông Tâm cho biết, việc hình thành nên cái hồ này đã được cấp uỷ xã lúc đó nhất trí, quan trọng hơn, UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đã có quyết định về việc này. Bây giờ, dân muốn lấp hồ, xã cũng không có tiền, nếu muốn lấp phải xin kinh phí của tỉnh.

Rời thôn Chợ Cũ, chúng tôi trộm nghĩ, giả sử mai này, ước muốn của ông Huyên - Trưởng thôn mà “linh nghiệm” thì cũng sẽ lại là chuyện khôi hài. Doanh nghiệp vào đào vàng, đem bán kiếm lời; trách nhiệm họ phải bỏ tiền lấp hồ. Nếu lấy ngân sách nhà nước, trong đó tất nhiên sẽ có ít nhiều tiền thuế của những người dân ở thôn Chợ Cũ, hay ở xã Lạng San và vùng lân cận. Như vậy, dân bản vừa không được khai thác vàng mà còn phải bỏ tiền ra khắc phục hậu quả cho doanh nghiệp.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem