“5.000 người được báo cáo đã bị ngộ độc thực phẩm tại Việt Nam riêng năm 2014. 9 tháng đầu năm 2015, số người ngộ độc thực phẩm cũng lên tới 3.436. Đáng lưu ý, đây là các con số chính thức được báo cáo và ghi lại, trên thực tế, số người bị ngộ độc thực phẩm tại Việt Nam có thể lớn hơn rất nhiều…” – đây là thông tin từ báo cáo của Nhóm công tác nông nghiệp VBF.
Theo ông David Whitehead - Trưởng nhóm công tác nông nghiệp VBF, thực phẩm không an toàn không chỉ khiến người Việt Nam mắc bệnh mà còn hạn chế khả năng xuất khẩu nhiều mặt hàng và làm tổn hại uy tín của hàng Việt Nam. Từ tháng 1 đến nay, EU đã từ chối 21 sản phẩm đến từ Việt Nam, 17 sản phẩm phải ngừng xuất khẩu để làm rõ thông tin chất lượng. Năm 2014, Việt Nam cũng có tới 130 sản phẩm không được phép xuất khẩu trực tiếp vào EU; 51 lô hàng bị phát hiện chứa hóa chất, kháng sinh quá cao, tăng gấp 7 lần so năm 2013. Hàng của Việt Nam bị ngừng xuất khẩu hoặc trả lại nói chung đều bị nhiễm một số kim loại nặng, vi khuẩn, vi rút, nấm mốc hay các chất cấm khác.
Thực phẩm không an toàn đang là mối lo của người dân và doanh nghiệp
“Đó có thể chỉ là do một nhà sản xuất hay nhà nhập khẩu không tuân thủ hoặc không ý thức nhưng danh tiếng của tất cả các sản phẩm của Việt Nam đang bị đe dọa. Người Việt Nam cũng như người nước ngoài đang mất niềm tin vào sản phẩm an toàn tại Việt Nam” – ông David Whitehead nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc dự án Năng lực thương mại Việt Nam kể câu chuyện, ông lên Yên Bái mua sản phẩm chè Suối Giàng “xịn” nhưng sau đó phát hiện đã bị mua phải sản phẩm giả, hay khi lên Hà Giang mua gạo Nàng Hương chợ Đào thì cũng bị cảnh báo nhiều cá nhân đưa gạo Thái Bình lên giả gạo Nàng Hương để bán… Nói vậy để thấy, các sản phẩm có nguyên liệu giả và trái phép không chỉ gây tổn hại uy tín sản phẩm Việt Nam mà còn gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân Việt Nam, ảnh hưởng tới xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam ra thế giới.
Trong bối cảnh hàng loạt hiệp định thương mại được ký kết và phê chuẩn, điều quan trọng là Việt Nam phải giải quyết vấn đề dư lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm khi cuộc cạnh tranh ngày một trở nên khốc liệt hơn. Các chuyên gia cho rằng, vấn đề an toàn thực phẩm cho người dân Việt Nam chỉ có thể được giải quyết bằng một khuôn khổ pháp lý tốt, một hệ thống theo dõi, giám sát và truy xuất sản phẩm; quyền sở hữu trí tuệ - xây dựng thương hiệu; kiểm soát và quản lý thuốc trừ sâu; thiết bị kiểm nghiệm tốt và thực thi pháp luật hiệu quả.
Các chuyên gia quốc tế còn khuyến nghị, trước mắt Việt Nam nên lập ra một cơ quan an toàn thực phẩm riêng trên cơ sở sáp nhập cơ cấu hiện tại, ví dụ như Cục an toàn thực phẩm của Trung ương và địa phương thành một cơ cấu mới. Cơ quan này sẽ có nhiệm vụ cải thiện việc quản lý và kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, giảm thiểu khả năng các sản phẩm xuất khẩu bị từ chối; giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời giảm thiểu những nguy hại cho sức khỏe; hỗ trợ nhiều hơn cho thương mại công bằng và bền vững…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.