Phát biểu tại lễ đón nhận ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Mộc bản thư viện/trường học Phúc Giang (còn gọi là Mộc bản trường Lưu) là kho sách “có một không hai”, những bản khắc (bằng gỗ cây thị đực) để in sách phục vụ cho việc dạy và học. Loại “sách độc" đáo này được hình thành từ giữa thế kỷ thứ XVIII đến đầu thế kỷ XX tại làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện Thiên Lộc (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc).
Mộc bản trường học Phúc Giang là những bản khắc bằng gỗ cây thị đực in sách phục vụ cho việc dạy và học được trưng bày trong lễ đón nhận di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức Thế giới Khu vục Châu Á - Thái Bình Dương.
Mặc dù là di sản của một dòng họ nhưng Mộc bản Trường Lưu gồm 383 bản, được khắc chữ Hán ngược để in 3 tập sách giáo khoa kinh điển (gồm 11 quyển) được “toản yếu” của Nho giáo và 1 quyển sách quy chế trường học: Tính lý toản yếu đại toàn, Ngũ kinh toản yếu đại toàn và Thư viện quy lệ chứa đựng một kho tàng văn hóa đặc sắc, trở thành nguồn tư liệu quý giá cho các cơ quan chức năng và các nhà khoa học, giới nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực, từ lịch sử đến địa lý, từ chính trị, ngoại giao đến kinh tế và nhất là giáo dục.
Bà Susan Vize - Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao bằng công nhận của UNESCO về Mộc bản Trường học Phúc Giang là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Mộc bản trường học Phúc Giang đạt 2 tiêu chí rất cơ bản của tổ chức UNESCO là tính xác thực và ý nghĩa quốc tế. Tại hội nghị toàn thể lần thứ 7, Ủy ban Chương trình ký ức Thế giới Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (MOWCAP) do Việt Nam đăng cai tổ chức tại thành phố Huế từ ngày 18 đến 21.5 đã công bố 13/16 hồ sơ do các nước đệ trình, trong đó cả 2 hồ sơ của Việt Nam là Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế và Mộc bản Trường học Phúc Giang đều được ghi danh vào Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức Thế giới Khu vục Châu Á - Thái Bình Dương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.