Mỏi mòn chờ hội hát dô

Thứ tư, ngày 17/10/2012 11:51 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đối với người dân xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai (Hà Nội), lễ hội hát dô là một tín ngưỡng dân gian, niềm tự hào của nhiều thế hệ. Thế nhưng hiện nay, lễ hội này chỉ còn là hoài niệm.
Bình luận 0

Dân ca nghi lễ

Cụ Kiều Thị Hạnh, 97 tuổi, ở thôn Vĩnh Phúc có lẽ là nghệ nhân hát dô duy nhất còn sót lại ở Liệp Tuyết. Cụ kể: Lễ hội hát dô là một lễ hội dân ca nghi lễ được hình thành và phát triển trên mảnh đất Lạp Hạ xưa kia (xã Liệp Tuyết ngày nay) thờ Đức Thánh Tản Viên - một trong “tứ bất tử” linh thiêng của dân tộc Việt. Một lễ hội ca ngợi các vị thánh trong đền Khánh Xuân và cũng nhằm ca ngợi tình yêu thiên nhiên, tình yêu trai gái; cầu mong sự thịnh vượng, no ấm, học hành đỗ đạt, ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên làng xóm…

img
Đội hát dô của xã Liệp Tuyết vẫn luyện tập nhưng chưa có đất diễn.

Tương truyền, vào một ngày đầu xuân, Đức Thánh Tản Viên đi du ngoạn qua sông Tích, khi đến xã Lạp Hạ thấy ruộng đất phì nhiêu nhưng dân cư thưa thớt, ngài đã dừng lại dạy dân trồng trọt, cày cấy. Sau đó, ngài ra đi, hẹn mùa lúa chín sẽ về. Vụ đó, người dân Lạp Hạ bội thu nhưng chờ mãi không thấy Đức Thánh quay lại. 36 năm sau, ngài mới trở lại, thấy dân làng đã giàu có, thóc lúa đầy nhà, ngài tập hợp trai gái trong làng để dạy múa hát, mừng cho dân làng được mùa no ấm. Từ đó dân làng xây đền Khánh Xuân tại thôn Đại Phu để tưởng nhớ công ơn và cứ 36 năm theo lệ lại mở hội ca múa tưng bừng, còn gọi là hội hát dô.

Theo cụ Hạnh, hát dô có 36 làn điệu và là loại hình nghệ thuật có những luật rất nghiêm ngặt. Hội hát dô được tổ chức từ ngày mùng 10 đến 15 tháng Giêng âm lịch, thì từ năm trước vào khoảng tháng 8, dân làng bắt đầu tuyển trai, gái từ 12 - 18 tuổi chưa chồng, chưa vợ để tập luyện và sau khi kết thúc lễ hội thì không một ai được phép nhắc hoặc hát hát dô, nếu không sẽ bị lời “hèm” cay nghiệt, ai vi phạm sẽ mang tội với thánh. Người Liệp Tuyết vẫn truyền nhau câu ca: “Con hát tuổi hạn hai mươi/ Nếu qua tuổi ấy thì thôi hát hò/ Bao giờ đến hội hát dô/ Thì còn phải kiếm gái tơ chưa chồng”…

Mòn mỏi trông chờ

Học hát dô từ năm 11 tuổi, cụ Hạnh cho biết, hát dô cũng không quá khó, mặc dù cụ không biết chữ nhưng được “Cái hát” (tức người đàn ông làm người Cái lĩnh xướng - PV) chỉ dạy bằng truyền khẩu, nên đã thuộc và đam mê từ đó. Cụ tâm sự: “Năm tôi 11 tuổi, tôi học hát dô và được tham gia lễ hội năm ấy (năm 1926). Khi đó nhà tôi đã phải bán 3 sào ruộng để cho chị em tôi đi hát, mẹ tôi đã cõng tôi đến lễ hội. Tôi nhớ người đi xem lễ hội đông lắm, không chỉ các làng, xã bên mà ở cả các tỉnh khác cũng đổ về xem, nô nức...”.

Có một tin vui là Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vừa công nhận hát dô là “địa chỉ văn hóa dân gian”, và Hội đã phối hợp với Quỹ Ford thực hiện dự án bảo tồn và phát huy hát dô; bà Nguyễn Thị Lan – chủ nhiệm CLB Hát dô xã Liệp Tuyết - được công nhận danh hiệu Nghệ nhân hát dô.

Tuy nhiên cụ cũng buồn rầu cho biết, kể từ bấy đến nay là đã 86 năm mà cụ chưa được chứng kiến thêm hội hát dô một lần nào nữa: “Tôi năm nay đã 97, cái tuổi gần về với ông bà, vẫn cứ mong mỏi từng ngày được một lần gặp lại lễ hội, như thế thì tôi vui mừng và hạnh phúc lắm”.

Đem điều băn khoăn của cụ Kiều Thị Hạnh đến ông Kiều Đình Minh - Chủ tịch UBND xã Liệp Tuyết. Ông bảo: “Hát dô vẫn được duy trì đấy chứ! Ở các hội nghị của xã, các cháu vẫn tập luyện, và vẫn biểu diễn từng đợt, như Tết âm lịch chẳng hạn. Tuy nhiên, để tổ chức một lễ hội lớn thì địa phương không làm nổi vì thiếu kinh phí. Phải cấp thành phố mới có lực khôi phục lại lễ hội”. Ông cũng chia sẻ, vì thiếu kinh phí nên xã cũng không thể hỗ trợ cho CLB hát dô của xã, thậm chí cũng không có cả các chế độ cho những người đã có công sưu tầm, lưu giữ và phát triển làn điệu hát dô cổ…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem