Dân điêu đứng
Năm 2006, Phong Sơn là một trong nhiều địa phương ở Thừa Thiên- Huế được chọn triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển cây cao su tiểu điền. Sau khi được cấp đất, gia đình ông Nguyễn Văn Thắng (thôn Tứ Chánh) vay mượn gần 170 triệu đồng để mua phân bón, thuê nhân công trồng, chăm sóc gần 2ha cao su. Vậy nhưng, khi cao su của ông Thắng được hơn 4 năm tuổi thì bị Thủy điện Hương Điền làm thiệt hại hầu hết.
Cuộc sống của người dân thôn Tứ Chánh, xã Phong Sơn chồng chất khó khăn do nhà máy thủy điện chậm trễ hỗ trợ.
“Vườn cao su đang phát triển tốt thì bị Thủy điện Hương Điền tích nước làm ngập 1,5ha. Vài tháng sau khi bị ngập, toàn bộ diện tích cao su này bị thối rễ, rụng lá rồi chết rụi”- ông Thắng kể. Bao nhiêu công sức, vốn liếng của gia đình ông Thắng mất trắng, nợ nần đầm đìa. Cùng cảnh ngộ với gia đình ông Thắng là hàng loạt hộ dân trồng cao su và trồng rừng kinh tế khác ở thôn Tứ Chánh và các thôn Công Thành, Thanh Tân, Sơn Quả, Hiền Sĩ, Phe Tư của xã Phong Sơn.
Ông Nguyễn Bá Nam- Phó Chủ tịch UBND xã Phong Sơn cho biết, năm 2010, khi Thủy điện Hương Điền bắt đầu chặn dòng tích nước lòng hồ dưới cao trình 35m, có 5ha cao su của người dân xã này bị ngập. Đến tháng 11.2011, khi thủy điện này tích nước đạt cao trình 58,17m, hàng loạt diện tích cao su và rừng kinh tế của người dân các thôn trên địa bàn xã bị ngập sâu. Tổng cộng có hơn 65ha cao su và hơn 36ha rừng kinh tế của 105 hộ dân ở các thôn bị thiệt hại toàn bộ.
Theo ông chính quyền xã Phong Sơn, nguyên nhân dẫn đến việc thủy điện “nuốt” cao su và rừng trồng của người dân là do sự quy hoạch chồng chéo. Cụ thể, năm 2005, bản đồ địa chính dự án Thủy điện Hương Điền được đo vẽ nhưng chủ đầu tư dự án này không tiến hành lập cột mốc phân định ranh giới. Tình trạng này khiến sau đó các cấp chính quyền tiến hành đo đạc, cấp đất trồng cao su chồng lấn lên diện tích lòng hồ thủy điện mà không hề hay biết. Đến khi cây cao su bị ngập chìm trong lòng hồ thì mọi chuyện mới vỡ lẽ.
Thủy điện không vội
Bị đẩy vào cảnh trắng tay và mất khả năng trả nợ, những hộ dân trên kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế chỉ đạo các cơ quan liên quan bồi thường thiệt hại cho họ. Trên cơ sở đó, UBND huyện Phong Điền đã phê duyệt giá trị bồi thường cho những hộ dân bị thiệt hại 10,4 tỷ đồng. Trong đó, Công ty cổ phần Thủy điện Hương Điền hỗ trợ bồi thường 4,11 tỷ đồng, phần còn lại thuộc về chính quyền huyện.
Theo ông Nguyễn Đại Vui- Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, huyện đã tạm ứng 3 tỷ đồng và bố trí 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng để chi trả đợt 1 cho các hộ dân. Ngoài ra, huyện sẽ cấp 85ha đất ở khu vực ven Thủy điện Hương Điền cho người dân trồng cao su. Chính quyền huyện đã có nhiều buổi làm việc với Công ty cổ phần Thủy điện Huơng Điền nhưng đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa hỗ trợ đền bù cho người dân. Như vậy, sự chậm trễ từ phía thủy điện khiến kinh phí chi trả đền bù cho người dân mới đáp ứng được khoảng 50%.
Ông Nguyễn Bá Nam còn cho biết, nhiều năm trở lại đây, từ khi Thủy điện Hương Điền tích nước, sông ngòi trên địa bàn xã khô hạn nghiêm trọng. Để duy trì sản xuất 400ha ruộng lúa, xã phải tốn rất nhiều chi phí chống hạn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.