Con động vật hoang dã tên nghe mắc cười ở một khu rừng Cà Mau, dân đặt bẫy, bắt bán làm đặc sản bình dân

Hoàng Hạnh Thứ tư, ngày 16/10/2024 05:34 AM (GMT+7)
Chù ụ là một loài động vật hoang dã thuộc họ cua, lớp giáp xác sống trong khu rừng cây mắm, rừng cây đước. Con chù ụ có hình dáng gần giống như con ba khía nhưng phần mai xù xì, nhiều gai và mai chù ụ cao hơn mai con ba khía. Con đặc sản này sống tụ tập, sinh sản dưới tán rừng ngập mặn ở Cà Mau.
Bình luận 0

Clip: Chị Nguyễn Tuyết Lộc và anh Châu Văn Mười, nông dân xã Tam Giang, huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) lội vô khu rừng cây mắm, rừng cây đước đặt bẫy bắt con chù ụ hàng ngày. Chù ụ là con động vật hoang dã thuộc lớp giáp xác, họ cua. Chù ụ là con đặc sản ở vùng rừng ngập mặn Cà Mau.

Hiện tại, con đặc sản rừng ngập mặn là con chù ụ này đang được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Cà Mau ưa chuộng.

Chù ụ-con đặc sản có thân hình khá kỳ dị này có nhiều gạch, thịt chắc, thịt ngon ngọt. 

Thịt con chù ụ có nhiều dinh dưỡng, giàu protein, giàu canxi-đây chính là lý do khiến loài động vật hoang xã này đang hot.

Nghề đặt bẫy bắt con chù ụ hay nói theo lối dân gian là đi săn chù ụ cũng trở thành một nghề kiếm ra tiền cho bà con cư dân sống ven biển tỉnh Cà Mau-nơi có những khu rừng ngập mặn mọc dày đặc các loại cây hoang dại, đó là cây đước, cây mắm...

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề săn bắt con chù ụ, chị Nguyễn Tuyết Lộc, ngụ xã Tam Giang, huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) cho biết, có nhiều cách để bắt con đặc sản này.

Ví như, người ta có thể dùng đèn pin sáng đi soi vào ban đêm. Hay người dân có thể vô rừng cây mắm lần theo dấu vết rồi đào hang bắt con động vật tên nghe mắc cười này.

Nhưng có một cách bắt con chủ ụ rất hiệu quả, có thể nói là kiểu săn bắt tốt nhất của người dân Cà Mau đối với loài vật này thường là đi đặt rập (một loại bẫy).

Anh Châu Văn Mười, nông dân xã Tam Giang, huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) cho biết, sau khi đặt rập bẫy xong, quay lại thu gom lại thì thường bắt được trên dưới 10 kg chù ụ. 

Chù ụ là con gì mà chỉ cần dùng lá cây làm mồi nhử là có thể bắt được  - Ảnh 1.

Anh Châu Văn Mười, nông dân xã Tam Giang, huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) cho biết, một ngày anh lội vô khu rừng mắm, rừng cây đước đặt 300 cái rập chù ụ. Khi đi thu gom lại thì thường bắt được trên dưới 10 kg chù ụ. Con đặc sản này bán với giá bình dân là 50.000 đồng/kg, tổng thu cho một ngày luồn rừng ngập mặn là 500.000 đồng. Ảnh: An An.

Chù ụ là con gì mà chỉ cần dùng lá cây làm mồi nhử là có thể bắt được  - Ảnh 2.

Con chù ụ làm hang hình tròn cao hơn so với mặt đất bùn lầy trong rừng khoảng 3cm. Một con chù ụ thường đào nhiều hang. Người đi săn con đặc sản này phải có kinh nghiệm để xác định chù ụ sẽ đi ra từ hang nào ra mà đặt rập. Ảnh: An An.

"Do đặc tính của con chù ụ thường đào hang ăn thông với các gốc mắm, chan đước nên tìm ngay hang có dấu chù ụ mới bò vào để đặt rập là hiệu quả nhất", chị Lộc nói và cho biết.

Điểm đặc biệt khi đặt rập để dẫn dụ con chù ụ chui vào rập chính là mồi nhử-đó là lá cây mắm, hay lá cây đước người dân bẻ ngay trong rừng.

Các tay thợ săn chù ụ lành nghề cho biết, một trong những yếu tố quyết định buổi đi săn chù ụ thành công hay không còn phụ thuộc vào thời tiết. 

Nghĩa là trời phải hửng nắng hoặc không mưa, vì khi mưa nước sẽ làm ngập các hang và làm mất dấu chù ụ bò vô hang, nên rất khó để xác định được hang nào có con động vật hoang dã này đang trú ngụ.

Chù ụ là con gì mà chỉ cần dùng lá cây làm mồi nhử là có thể bắt được  - Ảnh 3.

Mồi để dẫn dụ con đặc sản có cái tên nghe mắc cười-con chù ụ chui vào rập là lá cây đước, hay lá cây mắm. Nghề này tuy không tốn nhiều chi phí, nhưng cũng không kém phần cực nhọc. Ảnh: An An.

Chù ụ là con gì mà chỉ cần dùng lá cây làm mồi nhử là có thể bắt được  - Ảnh 4.

Chù ụ sau khi ngửi được mùi thức ăn là lá cây mắm, lá cây đước chúng sẽ từ trong hang bò vào rập để ăn mồi. Ảnh: An An.

Chù ụ thuộc họ cua, có hình dáng gần giống như ba khía nhưng phần mai xù xì, nhiều gai, cao hơn mai của ba khía.

"Một con chù ụ thường đào một hang có 4-5 ngõ ngách để lẩn trốn khi bị đuổi bắt, thông thường chù ụ làm hang hình tròn cao hơn so với mặt đất khoảng 3 tấc, đây là những ngõ ra cũng là đường thở của chù ụ khi mực nước thủy triều dâng cao", anh Châu Văn Mười – tay thợ săn chù ụ nói.

Theo anh Mười, phải là người có nhiều kinh nghiệm mới phát hiện cửa hang nào có chù ụ hay ra để mà đặt rập. 

Và nghề săn bắt con động vật hoang dã lớp giáp xác này cũng nhiều cực nhọc, vì phải lội luồn rừng hàng km, người thợ săn còn bị hào cắt đứt chân, phải chịu cảnh muỗi cắn, lội sình bùn…

Chù ụ là con gì mà chỉ cần dùng lá cây làm mồi nhử là có thể bắt được  - Ảnh 5.

Đối với những tay săn lành nghề như anh Mười, chị Lộc (nông dân xã Tam Giang, huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau)  thì mỗi một cái rập sẽ bắt được một con chù ụ, vì họ xác định chính xác hang nào có chù ụ để đặt rập. Ảnh: An An.

Chù ụ là con gì mà chỉ cần dùng lá cây làm mồi nhử là có thể bắt được  - Ảnh 6.

Con chù ụ sau khi bắt ở trong rừng đước, rừng mắm huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) về phải được gây mê bằng nước đá để cho chúng không kẹp vào nhau. Ảnh: An An.

Chù ụ là con đặc sản bình dân khai thác từ tự nhiên nên được thị trường ưa chuộng. Thịt của con chù ụ, ngon, ngọt và có nhiều gạch. 

Người dùng có thể chế biến con chù ụ thành nhiều món ăn ngon dân dã thuộc hàng đặc sản đồng quê nhưng kiểu luộc sả, hay rang me là ngon nhất. 

Chù ụ sau khi bắt về phải bỏ ngay vào nước đá để gây tê, nhằm tránh việc chù ụ kẹp nhau gây gãy càng. 

Những con chù ụ còn sống đang được thương lái ở Cà Mau thu mua với giá từ 50.000 đến 65.000/kg. 

Bình quân, mỗi ngày một người đi đặt rập (đặt bẫy) có thể bắt được hơn 10kg chù ụ, thu nhập khoảng 500.000 đồng. Dù lao động vất vả, cực nhọc, nhưng nghề bắt con đặc sản trong rừng ngập mặn Cà Mau cũng góp phần cải thiện thêm nhu nhập cho nhiều lao động địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem