Mỗi năm được đầu tư 1.000 tỷ, xe buýt vẫn “thua” vì xe ôm công nghệ?

Khải Huyền Chủ nhật, ngày 08/12/2019 13:18 PM (GMT+7)
Tỉ lệ hành khách sử dụng xe buýt vẫn đang giảm từng ngày, từng tháng, trong khi mỗi năm, TP.HCM vẫn đầu tư trợ giá cho xe buýt 1.000 tỷ đồng. Khoản đầu tư này liệu có hiệu quả, tính cạnh tranh của xe buýt đang ở đâu... là vấn đề được các đại biểu quan tâm trong buổi thảo luận chung, kỳ họp thứ 17, HĐND khóa IX TP.HCM sáng nay.
Bình luận 0

Trong buổi thảo luận chung tại hội trường, ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 17, HĐND khóa IX TP.HCM diễn ra sáng nay, nhiều vấn đề kinh tế, dân sinh… được các đại biểu đề cập, yêu cầu lãnh đạo Sở, ngành có liên quan trả lời.

Xe buýt thua vì yếu trong ứng dụng công nghệ

Phát biểu trong buổi thảo luận chung tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho biết, trong 8 tháng đầu năm nay, số lượng hành khách đi xe buýt tiếp tục giảm. Số liệu thống kê từ 2016 – 2018 cho thấy, mỗi năm, số lượng hành khách đi xe buýt đều giảm 6,6% trong khi TP vẫn phải trợ giá 1.000 tỷ/năm.

“TP có hơn 10 triệu dân cần di chuyển mỗi ngày. Câu hỏi đặt ra là người dân vẫn quay lưng với xe buýt? Số tiền ngân sách đầu tư có mang lại hiệu quả?”, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đặt vấn đề.

Về vấn đề này, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng, do sự cạnh tranh khốc liệt của “xe ôm công nghệ”, trong khi việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ xe buýt, các ứng dụng thẻ xe buýt điện tử… triển khai ì ạch khiến người dân không hào hứng với loại hình giao thông này.

Theo ông Lâm, nguyên nhân chính khiến lượng hành khách sử dụng xe buýt liên tục giảm là do thời lượng lưu thông xe buýt lâu hơn các phương tiện khác, khả năng tiếp cận xe buýt cũng còn hạn chế.

img

Kỳ họp thứ 17, HĐND TP.HCM khóa IX đề cập nhiều vấn đề đang "nóng".

Cụ thể, thời gian lưu thông các tuyến xe buýt từ nội đô đến ngoại thành TP.HCM hiện nay từ 40 – 90 phút một hành trình. Vận tốc lưu thông trung bình khoảng 20km/h. So với các phương tiện khác như xe hai bánh 30km/h thì xe buýt di chuyển lâu hơn nhiều.

Ngoài ra, khả năng tiếp cận xe buýt chỉ đạt khoảng 50% nhu cầu người dân. Việc tăng mật độ xe buýt lại không hề đơn giản, trong khi, thời gian vừa qua, việc tăng dân số kéo theo tăng phương tiện. Hiện tỉ lệ tăng ô tô đăng ký mới tăng rất cao. Hạ tầng phát triển rất khiêm tốn nhưng số lượng phương tiện tăng nhanh hơn nhiều.

“TP hiện có khoảng 164.000 xe 2 bánh ứng dụng công nghệ kết nối, chia sẻ, gọi tắt là xe ôm công nghệ. Nếu tính toán, hệ số đi lại là 2,06 thì mỗi ngày hơn 320.000 lượt di chuyển. Khách hàng một phần chuyển từ xe buýt sang”, ông Lâm giải thích thêm.

Về vấn đề hiệu quả kinh tế khi sử dụng xe buýt, ông Lâm cũng cho rằng, do chưa đưa được vé thông minh vào sử dụng, chưa thực hiện được việc trợ giá tích hợp vào thẻ trong suốt hành trình, chưa triển khai vé tháng, vé tuần hợp lý... nên hành khách không được trợ giá hợp lý trong suốt lộ trình di chuyển. Việc di chuyển của người dân do đó cũng không hiệu quả kinh tế bằng đi Grabbike.

Vị đứng đầu ngành GTVT TP.HCM cho biết, trong thời gian tới, Sở này sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống xe cộ đối với xe buýt, đưa thẻ điện tử tích hợp vào sử dụng, tổ chức ưu tiên theo giờ, theo hành trình… để thu hút người dân.

Sở cũng sẽ phối hợp với GoViet và Grabbike để tăng cường quản lý và đào tạo cho tài xế xe ôm công nghệ, tránh tình trạng tài xế vừa di chuyển vừa sử dụng điện thoại để nhận thông tin khách hàng, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

img

Mỗi năm được đầu tư trợ giá 1.000 tỷ đồng, xe buýt vẫn "thua cuộc" vì xe ôm công nghệ?

Còn với đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy, tình hình phát triển kinh tế của TP còn nhiều vấn đề cần quan tâm thảo luận. Ví dụ như sự phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, số doanh nghiệp thành lập mới, sự kết nối trong ngành dịch vụ…

Ứng dụng khoa học công nghệ vào doanh nghiệp còn mờ nhạt

Riêng về số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2019, theo bà Thúy, 44.000 hay 46.000 không quá quan trọng mà thay vào đó là TP đã tạo ra được môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp.

Tuy nhiên, cũng cần đánh giá thực chất sự phát triển của lĩnh vực này. Vì qua hai năm triển khai đẩy mạnh, số doanh nghiệp hình thành mới chủ yếu là doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ và bất động sản, chiếm 35%. Còn những ngành có giá trị gia tăng cao hiện vẫn rất ít, hoặc những ngành sản xuất vẫn còn ít. Nguyên nhân là các doanh nghiệp không có quỹ đất để đầu tư cho sản xuất.

Bà Thúy đề xuất TP cần đầu tư các mô hình khu công nghiệp thông minh. Đây là mô hình được thế giới đang sử dụng nhiều. Ở đó, có những cơ sở hạ tầng, nhà xưởng có sẵn cho một số loại hình công nghiệp mà thành phố đang tập trung.

Tại đó, có thể cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thuê nhà xưởng, cơ sở hạ tầng…, vừa tạo sự liên kết, kết nối đồng bộ và sử dụng ứng dụng CNTT giữa các doanh nghiệp vừa tạo động lực cho doanh nghiệp mạnh dạn đăng ký và thành lập mới doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Từ đó, giúp họ lớn mạnh dần, trở thành các doanh nghiệp độc lập và hình thành các nhóm công nghiệp sản xuất.

Cũng theo bà Thúy, với nền kinh tế số, cần đánh giá lại đóng góp của giá trị công nghiệp và một số sản phẩm công nghiệp, tập trung vào một số ngành dịch vụ, không quên ứng dụng KHCN vào các doanh nghiệp.

“Trong báo cáo năm nay, các con số về đổi mới ứng dụng KHCN vào doanh nghiệp tương đối mờ nhạt, khó hình dung được mức tiến của hoạt động này như thế nào. Tôi nghĩ rằng những con số này có thể đưa vào chỉ tiêu đánh giá quan trọng trong góp phần vào đánh giá sự phát triển kinh tế!”, đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy phát biểu.

Tại sao chỉ 50% lãnh đạo được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?

Phát biểu tại hội trường, một số đại biểu thắc mắc tại sao trong chỉ tiêu đánh giá cán bộ hằng quý và cuối năm, TP “khống chế” chỉ 50% cán bộ là lãnh đạo được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?

Về vấn đề này, Ông Trương Văn Lắm – Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho rằng, từ 2018, cán bộ công chức, viên chức TP.HCM được hưởng chính sách thu nhập tăng thêm, UBND đã ban hành quy định về đánh giá hằng quý để tăng thêm thu nhập cho công chức, viên chức. Kết quả đánh giá năm 2018 thì tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khá cao. Tiêu chí đánh giá cũng còn nhiều vấn đề cần xem lại.

Việc nâng cao thu nhập phải đưa đến kết quả là hiệu quả công việc, sự hài lòng của người dân… Do đó, quy định mới có những sửa đổi bổ sung, khắt khe hơn, chặt chẽ hơn. Đảm bảo người được đánh giá đạt được phù hợp với mức độ công tác của mình.

Trong đó, có tiêu chí người đứng đầu cơ quan đơn vị dễ đạt mức hoàn thành xuất sắc trong khi kết quả hoàn thành công tác của đơn vị vẫn còn nhiều tồn tại.

Do đó, UBND TP xem xét và chỉ định tập thể cán bộ chỉ có 50% là hoàn thành xuất sắc nhằm nâng cao hơn nữa mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo.

“Nếu như tôi mà được cấp trên đánh giá là hoàn thành tốt và được nhân dân đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì đó là việc rất đáng vinh dự. Do đó, tôi nghĩ đa số cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, còn cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là những cá nhân thật sự xuất sắc, nổi bật của cơ quan”, ông Lắm trả lời đại biểu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem