Nhà máy lọc nước biển trăm tỉ của ca sĩ Đông Đào lại kêu cứu

Khải Huyền Thứ bảy, ngày 07/12/2019 16:19 PM (GMT+7)
Sau nhiều năm kêu cứu, gởi đơn cứu xét đến UBND TP.HCM, dự án nhà máy lọc nước lợ tại huyện Cần Giờ do ca sĩ Đông Đào làm chủ đầu tư vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”.
Bình luận 0

Phương án UBND TP.HCM mua lại dự án này của doanh nghiệp vẫn chưa được thực hiện, do đây là trường hợp đặc thù, chưa có trong tiền lệ nên TP “khó xử lý”.

Tại kỳ họp thứ 17, HĐND TP.HCM khóa IX vừa khai mạc sáng nay (7/12), Sở KHĐT một lần nữa kiến nghị tổ công tác về đầu tư có ý kiến về chính sách hỗ trợ công ty Đặng Đoàn Nguyễn trong trường hợp này.

Trong trường hợp không có căn cứ pháp luật để thực hiện việc hỗ trợ doanh nghiệp, Sở KHĐT kiến nghị Tổ công tác có ý kiến chỉ đạo hướng giải quyết đối với dự án nhà máy xử lý nước lợ Cần Giờ của ca sĩ Đông Đào.

img

Dự án nhà máy lọc nước lợ của ca sĩ Đông Đào tại huyện Cần Giờ đang xuống cấp trầm trọng. 

Theo hồ sơ vụ việc, năm 2005, TP.HCM kêu gọi tư nhân đầu tư vào lĩnh vực cấp nước theo chủ trương xã hội hóa của ngành cấp nước thành phố, nhằm giải quyết nhu cầu bức xúc về nước sạch. Đồng thời, cũng theo chủ trương này, tư nhân sẽ nhận được nhiều “ưu đãi” khi đầu tư dự án vào Cần Giờ, nên Công ty Đặng Đoàn Nguyễn do ca sĩ Đông Đào là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, tiến hành đầu tư dự án, để biến nước mặn thành nước ngọt phục vụ người dân.

Theo giấy chứng nhận đầu tư do TP.HCM cấp, dự án Nhà máy lọc nước lợ Cần Giờ tại xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ có tổng mức đầu tư 67 tỷ đồng. Dự án 20 năm được thực hiện trong ba giai đoạn: Từ 2007-2011, mỗi ngày cung cấp 5.000m3 nước sạch; giai đoạn 2012-2016, nâng công suất lên gấp đôi và từ năm 2017 trở đi là 20.000m3/ngày.

Thiết bị lọc nước của nhà máy theo công nghệ thẩm thấu ngược (R.O), lọc được tất cả các loại vi khuẩn có hại cho sức khỏe và lọc được cả nước biển. Toàn bộ lượng nước này được bán cho Công ty Dịch vụ Công ích huyện Cần Giờ để cung cấp cho người dân.

Đến tháng 3/2011, Công ty đề nghị nâng công suất lên thành 10.000m3/ngày theo đúng tiến độ trong giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, cùng thời gian này, TP.HCM đã đầu tư xây dựng mạng lưới đường ống cấp nước cho huyện Cần Giờ do Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cung cấp. Do đó, kiến nghị nâng công suất nhà máy lọc nước của công ty Đặng Đoàn Nguyễn bị bác bỏ.

Việc này khiến dự án xã hội hóa của Công ty Đặng Đoàn Nguyễn chết dần, trong đó có việc phát triển mạng lưới sớm hơn kế hoạch của TP.HCM.

Trong nhiều văn bản kiến nghị TP.HCM, Công ty cổ phần Đặng Đoàn Nguyễn cho biết, sau 4 năm vận hành, do độ mặn của sông Lòng Tàu ngày càng tăng khiến chi phí sản xuất phải tăng nên nhà máy phải giảm sản lượng.

Để giải quyết vấn đề xử lý mặn, nhà máy buộc phải vay vốn hàng chục tỷ đồng để bổ sung thiết bị nhưng vẫn không xuể, chưa kể do số tiền công ty còn nợ ngân hàng nhiều nên phải trả lãi, dẫn đến thu không bù chi và lỗ gần 100 tỷ đồng.

Để giải quyết vụ việc, TP.HCM đã thành lập Tổ liên ngành, thuê công ty kiểm toán giá trị đầu tư độc lập, thuê công ty thẩm định đánh giá tài sản đối với dự án.

Sau nhiều lần thương thảo, đàm phán, Tổ liên ngành đã trình UBND TP.HCM phương án mua lại dự án. Tuy nhiên đến nay đã gần 7 năm, Tổ liên ngành nhiều lần kiến nghị giá nhưng nhà đầu tư vẫn chưa nhận được quyết định cuối cùng của UBND TP.HCM.

img

Ca sĩ Đông Đào buồn bã bên dự án tâm huyết nhằm phục vụ nhân dân huyện biển Cần Giờ (TP.HCM). Ảnh: CT

Giữa năm 2018, công ty cổ phần Đặng Đoàn Nguyễn cũng đã có văn bản đề xuất UBND TP.HCM cho phép nhà máy phục hồi hoạt động, công suất ban đầu là 5.000 m3/ngày đêm, gia hạn thêm giấy phép hoạt động là 7 năm, trong đó bù 5 năm ngưng hoạt động và 2 năm để công ty thay thế thiết bị, sửa chữa nhà máy.

Đến cuối năm 2018, Văn phòng UBND TP.HCM có văn bản mật, thông báo ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến về vụ việc này.

Trong đó, giao Sở KHĐT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, nghiên cứu tham mưu cho UBND TP.HCM chính sách hỗ trợ với Nhà máy xử lý nước lợ tại Cần Giờ của Công ty Đặng Đoàn Nguyễn.

Giao Sở GTVT làm việc thông báo chủ trương của TP với Công ty Cổ phần Đặng Đoàn Nguyễn về kết quả thẩm định đề xuất tái hoạt động nhà máy này. Đồng thời, giao UBND huyện Cần Giờ rà soát các dự án trên địa bàn huyện chuẩn bị đầu tư bằng hình thức kêu gọi xã hội hóa mời gọi công ty Đặng Đoàn Nguyễn tham gia, báo cáo UBND TP.

Sở GTVT TP cũng đã tổ chức buổi họp với công ty Đặng Đoàn Nguyễn về chủ trương của TP. Theo đó, việc tái khởi động lại hoạt động của nhà máy xử lý nước lợ Cần Giờ chưa đảm bảo hiệu quả kinh tế đối với thành phố và không đảm bảo kinh tế đối với doanh nghiệp khi thực hiện theo cơ chế thị trường. Vụ việc kéo dài, chưa được giải quyết thấu đáo dẫn đến doanh nghiệp rơi vào cảnh khốn khó.

Bà Nguyễn Thụy Đông Đào (ca sĩ Đông Đào) cho rằng, doanh nghiệp thực hiện lời kêu gọi của thành phố tham gia đầu tư theo hình thức xã hội hóa, cùng chia sẻ khó khăn trong những năm thiếu nước trầm trọng.

Vì chủ trương không nhất quán nên đã dẫn tới việc ngưng sản xuất và cấp nước của nhà máy. Sau đó, ngân hàng cho vay đã kiện doanh nghiệp này ra tòa để yêu cầu trả nợ và lãi vay từ năm 2007 đến nay.

“Giờ thành phố mua lại hay không cũng không biết. Bảy năm trời gần như tháng nào chúng tôi cũng gửi đơn kiến nghị các Sở, ngành nhưng vẫn chưa có ai giải quyết. Chờ đợi thêm ngày nào là doanh nghiệp khốn khổ thêm ngày đó”, bà Đào bức xúc.

Nhiều vấn đề dân sinh được quan tâm tại kỳ họp thứ 17, HĐND TP.HCM khóa IX

Sáng 7/12, kỳ họp thứ 17, HĐND TP.HCM khóa IX đã khai mạc. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã đến dự.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh năm 2019, TPHCM đã đạt được những kết quả khả quan về kinh tế, văn hóa, xã hội.

Dù tình hình chung vẫn còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có một số “điểm sáng” như môi trường đầu tư được cải thiện, quy hoạch chỉnh trang đô thị có chuyển biến tốt hơn…

Tuy nhiên, cũng theo bà Lệ, vẫn còn nhiều vấn đề dân sinh đến cải cách hành chính, phát triển đô thị… chưa đồng bộ, có lĩnh vực còn chậm. Việc thực hiện nghị quyết 54 có nội dung chưa được như mong muốn, ngập nước chưa khắc phục triệt để, vi phạm trật tự xây dựng còn tồn tại - nhất là ở những nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh. An toàn trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp, tội phạm về ma túy, xâm hại tình dục… vẫn còn tồn tại.

Theo lịch làm việc của HĐND TP.HCM, kỳ họp thứ 17, HĐND TP khóa IX sẽ kéo dài trong 3 ngày với nhiều nội dung quan trọng. Kỳ này, HĐND cũng làm công tác nhân sự bầu lãnh đạo 2 ban của HĐND TP.

imgLãnh đạo TP.HCM trao đổi bên lề kỳ họp thứ 17, HĐND khóa IX vừa khai mạc sáng nay. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem