Nhiều chuyên gia dịch tễ cho rằng, nếu kiểm soát tốt, số phát hiện sẽ còn lớn hơn, điều đó đồng nghĩa với việc giảm nguy cơ lây nhiễm lao trong cộng đồng.
PGS-TS Đinh Ngọc Sỹ - Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư cho biết, trong các thể lao, lao phổi là bệnh chính chiếm 85%, còn lại là các loại lao khác như lao màng não, lao xương, lao khớp, lao da, lao hạch… “Lao ngoài cộng đồng đang trở thành nỗi lo khi việc phòng ngừa rất khó kiểm soát” - PGS-TS Đinh Ngọc Sỹ nói.
|
Khám sàng lọc bệnh lao tại Thanh Hoá. |
Chính vì vậy, tại nhiều địa phương, công tác ưu tiên hàng đầu trong phòng chống lao là phát hiện sớm và có giám sát tại cộng đồng. Bà Hà Thị Ngọc Mai- Trưởng phòng Y tế huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) cho biết, huyện Đồng Phú phát hiện 105 bệnh nhân lao các thể, trong đó đã thực hiện điều trị cho 86 bệnh nhân (đạt 81,9%). Hiện, để “tăng tốc” phát hiện lao sớm, huyện này đã phân công mỗi trạm y tế xã có một cán bộ y tế kiêm nhiệm quản lý chương trình phòng chống lao quốc gia, có nhiệm vụ khám, phát hiện, quản lý và điều trị; đồng thời hướng dẫn bệnh nhân đang điều trị ở giai đoạn tấn công uống, tiêm thuốc và theo dõi tình hình điều trị của bệnh nhân trong giai đoạn củng cố…
Tương tự, tại Thái Bình, các huyện đều xây dựng tổ chống lao. Tổ này có nhiệm vụ tăng cường công tác phát hiện nguồn lây tại cộng đồng thông qua truyền thông giáo dục sức khoẻ; tuyên truyền cho bệnh nhân lao và khách hàng có nhu cầu tư vấn, xét nghiệm, phát hiện bệnh. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sinh – Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Thái Bình chia sẻ, bên cạnh bệnh nhân lao thường, các tổ chống lao lưu ý đặc biệt tới đối tượng lao nhiễm HIV. Hiện tỉnh này đã thực hiện hoạt động khám, sàng lọc lao cho những người có HIV/AIDS ở tất cả các huyện, thành phố.
Cũng theo ông Sinh, khi mắc bệnh lao, bệnh nhân sẽ được điều trị tại cơ sở y tế chuyên khoa. Phương pháp được thế giới áp dụng chung gọi là phương pháp DOTS (hóa trị liệu có kiểm soát trực tiếp), người bệnh được điều trị 8 tháng liên tục, trong đó có 2 tháng tấn công và 6 tháng củng cố ngay tại địa phương mình sinh sống. Hiện nay, bệnh nhân điều trị lao được miễn phí 100%.
Nguyễn Trang
Nguồn: Chương trình Phòng chống lao quốc gia
Vui lòng nhập nội dung bình luận.