Mỗi ngày sống là một ngày viết

Thứ tư, ngày 23/01/2013 06:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tối “chiêu đãi” vở “Âm binh” của nhà văn Nguyễn Quang Vinh ở Hà Nội, khán giả đứng kín một đoạn vỉa hè trước cửa rạp Đại Nam. Hai tầng rạp chật kín, phải kê thêm mấy chục ghế nhựa trước hàng 1.
Bình luận 0

“Âm binh” đại náo Hà Nội

Mới định cư Hà Nội 2,5 tháng, nhà văn Nguyễn Quang Vinh quyết ra mắt vở kịch nói này tại Hà Nội, mời bạn bè “đất thánh” thưởng thức “tiệc cát”. Cát là bối cảnh, nguyên cớ, nhân chứng trong hầu hết các tác phẩm của Nguyễn Quang Vinh.

Nửa năm sau thắng lợi tại Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc tháng 7.2012 tại Huế, nhà văn đem vở diễn ra “đại náo” Hà Nội. Những tên tuổi nổi tiếng của giới sân khấu nô nức đến từ sớm. Vợ chồng NSND Lê Tiến Thọ, NSƯT Lê Chức, các NSND Phạm Thị Thành, Hoàng Cúc, Lan Hương, NSND Lê Khanh… NSƯT Đỗ Kỷ, Thanh Thanh Hiền phải ngồi ghế kê thêm.

img
Cảnh vở diễn “Âm binh” tại rạp Đại Nam tối 19.1.

“Âm binh” là tác phẩm ít nhân vật nhất cho đến nay mà Nguyễn Quang Vinh viết. Toàn vở chỉ có 4 nhân vật và cả 4 diễn viên đều đoạt huy chương: 2 HCV cho NSƯT Hoàng Yến (vai Nhi) và hoạ sĩ Trí Đức (vai gốc phi lao); 2 HCB cho diễn viên nam: Xuân Hồng (vai Trung, lính ngụy), Trọng Hiếu (vai Quân, anh bộ đội). Họ đều công tác tại Nhà hát Thế giới Trẻ, Đại học Sân khấu điện ảnh TP. HCM.

“Gốc phi lao” kể những số phận trên cát. Một người đàn bà tên Nhi, bị mất đứa con 3 tháng vì chiến tranh, đã vắt sữa nuôi cả tên lính ngụy và một bộ đội bị thương lết vào trong vườn nhà mình. Sau chiến tranh, cô không lấy ai, sống trong cảnh bị nghi kỵ, dằn vặt và lỡ làng trong tình yêu. Sau 40 năm, Nhi gặp lại 2 người cũ, một trở thành chủ tịch tỉnh, một là Việt kiều Mỹ, về đầu tư mở khu du lịch để đáp nghĩa Nhi. Con đường 8 làn xe mở từ thị xã chạy ra biển, sẽ phải phá khu vườn và những ngôi mộ chở che họ. Giờ thì cô đã thành bà Nhi 60 tuổi đã lẩn thẩn, tiều tụy, sống khổ sở nơi hẻo lánh với “âm binh”.

Đêm ấy, thuyết phục Nhi không được, họ nói chuyện với nhau. Bà Nhi nghe hết, hiểu tấm lòng Trung muốn khởi sắc cho vùng cát nghèo. Bà nấu cháo cho 2 cựu binh: Quân - chủ tịch tỉnh, Trung - nhà đầu tư. Tự bà “giải phóng mặt bằng” khu mộ và bê tiểu hài cốt của con gái vào chùa. Sáng thức dậy, Quân và Trung xúc động ngỡ ngàng.

Trên vùng đất đầy máu xương, cuộc sống vẫn tiếp diễn và sẽ tốt đẹp hơn khi những ý nghĩ lương thiện tử tế lay động cả người đã khuất. Không có phe phái địch ta, chỉ có khát vọng sống, hàn gắn. Những ngôi mộ đã che chở cho họ giữa những trận pháo kích, lại vì họ trong thời bình. NSƯT Hoàng Yến đã nhập vai Nhi tự nhiên, truyền cảm, nhất là cảnh Nhi về già, chị diễn rất duyên. Nhiều lần khán giả vỗ tay vì các chi tiết, lời thoại đắt. Lấy được nước mắt người xem đã khó, khiến nghệ sĩ chuyên nghiệp rung động, cảm phục càng thậm khó. Lần đầu tiên cây phi lao thành nhân vật xuất hiện suốt vở. Vở hết mà khán phòng vẫn nán trong dư âm xúc cảm, ngỡ ngàng. Chưa khi nào có những cảm giác, ấn tượng lạ như thế.

Cả đời sẽ viết về quê

Sức sống những trang viết của Nguyễn Quang Vinh chính từ bản năng sống và sáng tạo của anh. Như thể nguồn sáng tạo không thể nào vơi cạn, vùng cát và những người vùng cát - Nguyễn Quang Vinh luôn tự nhận mình là tay nhà quê và cả đời sẽ viết về quê. Chuyển cư ra Hà Nội, anh đang sống trong một căn nhà nhỏ ở ngõ Thái Hà cùng con trai Quang Tuyến. Sau khi Nguyễn Quang Lập vào TP.HCM từ tháng 6.2011, Hà Nội lại có Nguyễn Quang Vinh. Anh em nhà văn rất trọng đất này.

Lời mở đầu của “Âm binh” là lời của cây phi lao: “Đây có thể là câu chuyện của một người đàn bà, cũng có thể là câu chuyện của hai người đàn ông. Cũng có thể là câu chuyện của gió, của cát, của sóng biển. Nhưng đây là câu chuyện của tất cả chúng ta”.

Viết về nông thôn là đề tài Nguyễn Quang Vinh tâm đắc, anh tin “sống ở Hà Nội, thì văn về nhà quê sẽ lấp lánh, sang hơn, thơ hơn. Và nhất thiết là tiết tấu hiện đại”. Nông thôn đương đại trong văn chương, kịch bản của anh sẽ không chỉ là quê hương Quảng Bình, mà là nông thôn Việt Nam.

Phóng sự của Nguyễn Quang Vinh in trên báo Lao Động, đã là nền tảng của một số phóng sự truyền hình. Tác phẩm của cây bút tài năng và giàu tâm huyết, nhiệt thành này không khi nào nhạt. Ngồn ngộn chi tiết, hình ảnh trong những trang văn; đọc tiểu thuyết như xem phim trên giấy, đấy là cảm nhận của tôi khi đọc “Cát trọc đầu”, (NXB Trẻ, 1.2013).

Nguyễn Quang Vinh hiện đang viết tiểu thuyết 1.000 trang về đề tài nông thôn Việt Nam, tựa tạm đặt là “Rơm rạ”. Viết gì, anh cũng dám khai thác, tìm kiếm, đẩy đến tận cùng số phận nhân vật, cảnh huống, để mở ra một ngả đường, một lựa chọn, một quyết định nhân hậu, dù bi kịch và trả giá.

Từ tối 27 Tết (tức ngày 7.2) “Âm binh” diễn 3 đêm tại Nhà hát Thế giới Trẻ, (Cống Quỳnh, quận 1, TP. HCM). Và từ 23.2, “Âm binh” sẽ tái ngộ khán giả đông đảo thủ đô diễn liên tiếp 1 tuần tại rạp Đại Nam. Đúng như NSND Hoàng Cúc nhận định: “Người viết có trái tim rực cháy như Nguyễn Quang Vinh chỉ đếm đầu ngón tay. Viết văn là lao động nặng, khổ nhọc mà Nguyễn Quang Vinh lại coi là điều sung sướng nhất. Tác phẩm của anh xứng đáng được đón xem”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem