Đội tuyển Pháp là đội đầu tiên đã được hưởng lợi từ công nghệ này: Benzema sút bóng đập cột dọc bên phải cầu môn đội Honduras, quả bóng lăn theo vạch vôi, nhìn qua tưởng như chưa lăn vào phía trong. Bảng hình đã chiếu Goal-line cho thấy bàn thắng ghi cho đội Pháp là do thủ môn đội Honduras bắt hụt bóng, để bóng lăn vào trong cầu môn.
Việc áp dụng công nghệ này tránh cho những cãi vã bàn thắng mà có khi ảnh hưởng tai hại đến kết quả trận đấu, làm sai lệch tỷ số, khiến có những đội bóng phải thua oan. Nhìn rộng ra, bóng đá cũng cần sự chính xác ở những chỗ cần chính xác. Còn như những sai sót của trọng tài là điều khó tránh khỏi, khó có máy nào thay được mắt nhìn, óc phán đoán và tư duy quyết định của người cầm còi trên sân. Trọng tài giỏi là người hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót có thể có, và như thế bóng đá mới là trò chơi giữa những con người với nhau, chứ không phải là giữa những cỗ máy.
Cái mới thứ hai là mỗi khi có đá phạt, trọng tài lại rút ra cái bình xịt xuống cỏ một vạch trắng, xác định vị trí cầu thủ đứng với trái bóng chuẩn bị đá phạt và vị trí cầu thủ đối phương làm hàng rào. Bóng đá là môn thể thao phóng túng trong từng bước chạy, trong từng nhịp bóng lăn, trong từng đường chuyền, cú sút. Nhưng khi anh đứng im, nghĩa là khi bóng chết, thì sự phân chia rạch ròi ranh giới khoảng cách theo luật định để không bên nào (được phạt và bị phạt) ăn gian khoảng cách là điều cần thiết. Sân cỏ như cuộc đời có khoảng tự do và vạch giới hạn.
Cái mới thứ ba là ở câu khẩu hiệu của FIFA nêu ra cho giải đấu: “For the Game, for the World” - “Vì cuộc chơi, vì thế giới”. Đã chơi phải chơi hết mình, chơi hay chơi đẹp, nhất lại là bóng đá, môn thể thao cống hiến tận lực, phô bày toàn thân toàn thể, phơi trần hết những cái hay cái dở của mỗi con người. Nhưng cuộc chơi không chỉ để chơi. Chơi để đem lại niềm vui, nguồn cảm hứng cho muôn triệu người...
Những cái mới ở World Cup 2014 ở Brazil đem lại cho người xem thêm những khoái cảm và nghĩ suy cùng trái bóng Brazuca.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.