Món ăn đặc sản ở Cao Bằng: Cực hấp dẫn với bánh cuốn nước canh nóng hổi, vị ngọt của thịt bằm
Không phải phở chua, phở vịt đây mới là món ăn nóng, ấm bụng ngày đông du khách nên thử khi đến Cao Bằng
Kiều Anh (tổng hợp)
Thứ năm, ngày 02/01/2025 10:39 AM (GMT+7)
Cách thưởng thức khác lạ và hương vị bánh cuốn vùng cao được nhiều người ưa chuộng, bởi lẽ, bánh cuốn Cao Bằng không ăn kèm nước chấm pha mắm như cách ăn ở những vùng khác.
Thường được ví von là "viên ngọc xanh" của núi rừng Đông Bắc, Cao Bằng là mảnh đất giàu thống lịch sử, điểm đến hấp dẫn cho các chuyến du lịch trải nghiệm. Ngoài vô vàn thắng cảnh trời ban thì ẩm thực chính là yếu tố níu chân du khách.
Cao Bằng nổi tiếng như một thiên đường ẩm thực với các món ăn được chế biến vô cùng độc đáo như: phở chua, phở vịt, bánh coóng phù, bánh khảo, bánh chè lam, vịt quay 7 vị, lợn sữa quay, bánh áp chao, bánh trứng kiến, xôi trứng kiến, xôi ngũ sắc, xôi trám đen, thạch đen, thạch trắng, thạch Xỏm Đeng, … Đặc biệt, bánh cuốn Cao Bằng hay bánh cuốn canh là một trong những món ăn độc đáo nhất của vùng đất này.
Món ăn đặc sản ở Cao Bằng: Người dân Cao Bằng coi bánh cuốn ăn cùng nước canh xương là đặc sản "hiếm có khó tìm"
Bánh cuốn (bánh mướt) là món ăn dân dã từ bột gạo có mặt ở hầu khắp mọi vùng miền từ Bắc vào Nam. Tuy nhiên, khi du nhập vào Cao Bằng, người dân địa phương đã biến tấu món ăn quen thuộc này để trở thành phiên bản đặc trưng của vùng cao.
Bánh cuốn nóng Cao Bằng có công thức chế biến bước đầu cũng giống như bánh cuốn (bánh mướt) ở những nơi khác. Nguyên liệu chính của món bánh cuốn thường là bột gạo. Tuy nhiên, món bánh cuốn Cao Bằng gây ấn tượng đó là nhờ chất lượng loại gạo nơi đây.
Việc chọn loại gạo để làm bánh góp phần quan trọng tạo nên chất lượng cho món ăn dân dã này. Do đặc thù địa hình và thời tiết, hạt gạo tẻ đặc sản Cao Bằng dẻo ngon, thơm bùi, sau khi ngâm xay thành bột mịn, có độ sánh, dẻo vừa đủ tạo nên những chiếc bánh cuốn trắng, mịn, có mùi thơm đặc trưng.
Nếu như nhân bánh cuốn bình thường sẽ có thịt và mộc nhĩ, bánh cuốn Cao Bằng sẽ chỉ có nhân thịt. Thịt xay thật nhỏ, xào trong 30 phút, nêm nếm đậm đà.
Qua bàn tay khéo léo của các bà, các chị, sau khi tráng mỏng, hấp chín sẽ có đĩa bánh trắng mềm mịn, dẻo với độ dai dai, cuốn bên trong là nhân thịt băm, mộc nhĩ, rắc bên trên là ít hành phi vàng thơm nức. Điểm đặc sắc ở bánh cuốn Cao Bằng ngoài bánh nhân thịt là chiếc bánh cuốn trứng được thả vào trong bát nước chấm ninh xương mặn ngọt tròn vị.
Khi bánh đang trên khuôn, người tráng đập quả trứng gà vào giữa khuôn bánh rồi đậy vung lại, bánh chín cuộn bọc lấy lòng đỏ trứng gà, vuông vắn trên khuôn, dùng muôi lấy vào bát cho khách.
Một suất bánh cuốn đầy đủ thường có bánh cuốn nhân thịt băm, bánh cuốn trứng kèm 1 thanh giò nóng hổi. Người bán chan bát canh ninh xương ngọt lừ từ xương ống được pha chế thêm cho vừa miệng, rắc một nhúm rau mùi ta thái nhỏ tạo màu xanh đẹp mắt và tăng mùi vị hấp dẫn.
Phần quan trọng để tạo nên những suất bánh cuốn ngon nằm ở nước dùng. Nguyên liệu chính là xương ống cùng với gia vị đặc trưng. Xương ống heo chần với nước sôi và rửa sạch, để khi nấu nước ngọt và thanh hơn. Mỗi nồi nước dùng được nấu trong khoảng 8 tiếng. Người nấu phải liên tục vớt bọt, váng mỡ để nồi nước dùng trong. Sau 8 tiếng, giảm nhiệt độ bếp dần để duy trì độ nóng cho nồi nước.
Khói nghi ngút mang theo mùi thơm của gạo mới khiến thực khách khó lòng bỏ qua nếu đi ngang một quán bánh cuốn canh.
Cách ăn của món đặc sản của Cao Bằng như sau: Bánh cuốn được nhúng ngập vào bát nước canh đã được pha với tương ớt và măng chua. Rồi cứ thế đưa lên cắn ngập răng, cảm nhận sự mềm dẻo của vỏ bánh, vị ngậy bùi của thịt bằm, cuối cùng húp thêm một thìa nước canh, thực khách sẽ cảm thấy vô cùng khoan khoái.
Thưởng thức bánh cuốn Cao Bằng sẽ dậy vị và thực sự "cuốn" hơn khi cho thêm măng ngâm ớt, lá mắc mật đặc trưng vùng núi để đẩy vị nước canh thêm phần trọn vẹn hơn.
Lý giải về việc ăn bánh cuốn với súp ninh từ xương chứ không phải nước mắm, người dân địa phương cho biết món ăn này đã có từ thời xa xưa và có lẽ do cuộc sống vùng cao gắn liền với thời tiết lạnh nên người Cao Bằng thường ăn những món gì đó thật nóng để tốt cho hệ tiêu hóa.
Dĩa bánh cuốn mang ra phục vụ thực khách luôn nghi ngút khói, khi ăn người ta dùng đũa gắp từng miếng bánh cho vào bát súp rồi thưởng thức như ăn bún hoặc phở chứ không gắp từng miếng chấm vào bát canh rồi thưởng thức như những nơi khác. Rất nhiều du khách khi tới Cao Bằng đã tỏ ra bất ngờ về cách thưởng thức bánh cuốn độc đáo này.
Nhiều du khách chia sẻ rằng, điểm đặc biệt của bánh cuốn khiến người ta không thể nào quên được đó chính là nước chấm được hầm bằng xương. Khi chan ra bát là thấy rõ hương tủy xương thơm lừng, ngọt lịm bởi xương được chủ quán ninh từ tối hôm trước. Vị ngọt dịu nhẹ của nước xương hoà cùng mùi thơm của bột gạo như tan chảy trong miệng.
Bánh cuốn ở Cao Bằng không tráng trước, có khách gọi, chủ quan nhanh tay tráng bột, cuốn bánh nhưng các nguyên liệu làm nhân có thể xào sẵn. Bởi vậy ăn bánh cuốn Cao Bằng không thể nhanh được, phải chờ cô chủ tráng từng cái bánh, dù vậy nhiều người vẫn sẵn sàng xếp hàng đợi thưởng thức bằng được đĩa bánh cuốn nóng hổi vào sáng sớm.
Tùy theo khẩu vị, có người thích ăn bánh cuốn canh không, người lại muốn thêm hương vị bằng quả trứng hay miếng giò. Sở dĩ món bánh cuốn canh Cao Bằng trở nên đặc biệt và được nhiều du khách yêu thích là do hương vị hấp dẫn của món ăn, cũng như cách thưởng thức khác biệt so với món bánh cuốn ở những nơi khác.
Nếm thử một thìa nước canh, du khách sẽ cảm nhận được vị ngọt tự nhiên của xương ống, không có váng mỡ nên không hề tạo cảm giác ngấy. Chất bánh dai dẻo kết hợp hoàn hảo với phần nước canh đậm đà, thêm chút chua chua, cay cay của măng ớt, tạo nên một tổng thể hương vị hài hoà, khiến thực khách nhớ mãi không quên.
Ghé một tiệm bánh cuốn canh Cao Bằng gọi và chờ đợi bánh ra lò, sau đó thưởng thức món ăn ngay tại quán trong cái se lạnh của buổi sớm mai cũng là một trải nghiệm đầy thú vị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.