Môn Lịch sử vừa lựa chọn vừa bắt buộc, tổ hợp lựa chọn 5 môn thành 4, các trường có ý kiến gì?

Tào Nga Thứ bảy, ngày 16/07/2022 19:00 PM (GMT+7)
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ chính thức bước vào năm học mới 2022-2023, việc thay đổi môn Lịch sử và tổ hợp môn lựa chọn có gây khó cho các trường?
Bình luận 0

4 môn học lựa chọn 

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Đỗ Mạnh Thành, hiệu trưởng Trường THPT Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho hay: "Trong năm học tới, Nhà trường đưa ra 6 tổ hợp để phụ huynh lựa chọn, bao gồm 3 tổ hợp Khoa học Tự nhiên (4 lớp với 160 học sinh) và 3 tổ hợp Khoa học Xã hội (8 lớp với 320 học sinh)".

Thầy Thành chia sẻ thêm, hiện tại nhà trường chưa thấy khó khăn gì trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên áp dụng triển khai nên nguyện vọng của phụ huynh và học sinh vào lớp 10 chưa hoàn toàn chính xác. Trong quá trình học sẽ linh hoạt điều chỉnh.

Môn Lịch sử vừa lựa chọn vừa bắt buộc, tổ hợp lựa chọn 5 môn thành 4, các trường có ý kiến gì? - Ảnh 1.

6 tổ hợp môn của Trường THPT Trung Văn. Ảnh: NTCC

Thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng Trường Marie Curue cho biết: "Hiện tại, công tác tuyển sinh vào lớp 10 của trường đã xong. Thống kê cho thấy số học sinh chọn tổ hợp có môn Lịch sử chuyên sâu, "định hướng nghề nghiệp" là 501/944, tương đương 53%.

Nếu môn Lịch sử THPT là môn học lựa chọn (không bắt buộc) thì ở trường có 53% học sinh học Lịch sử, 47% không học Lịch sử. Tỷ lệ này đáng mừng vì việc thiết kế Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 không làm "triệt tiêu" môn Lịch sử.

Thế nhưng, do Bộ GDĐT điều chỉnh môn Lịch sử thêm phần "bắt buộc" nên các trường phải điều chỉnh các tổ hợp môn lựa chọn, bố trí lại giáo viên… Việc này khá phức tạp với nhà trường. Tuy nhiên, trường Marie Curie đã vượt qua tất cả để chuẩn bị bước vào năm học mới.

Trường Marie Curie đã chia xong các lớp 10. Năm nay trường có 29 lớp với gần 1.000 học sinh theo nguyện vọng của học sinh và phụ huynh. Mọi người đều hài lòng với sắp xếp này. Trường cũng đang khẩn trương làm thời khoá biểu để kịp đón học sinh tựu trường vào ngày 1/8.

Môn Lịch sử vừa lựa chọn vừa bắt buộc, tổ hợp lựa chọn 5 môn thành 4, các trường có ý kiến gì? - Ảnh 2.

Học sinh Trường Marie Curie. Ảnh: NTCC

Thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Lịch sử, Trường Liên cấp Đông Bắc Ga, TP.Thanh Hóa chia sẻ: "Về vấn đề vừa lựa chọn vừa bắt buộc, đây là một giải pháp chấp nhận được trong hoàn cảnh chương trình mới đã thực hiện, vừa đảm bảo học sinh được học môn Lịch sử, vừa có thêm phần nâng cao cho các học sinh chuyên về các nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn. Việc tổ chức dạy vừa bắt buộc vừa có phần lựa chọn không quá khó cũng không mới bởi thực tế dạy và học ở các trường phổ thông trước đây đã thực hiện rồi. Theo đó các lớp không chuyên sẽ được bố trí học đủ chương trình gồm các nội dung căn bản của Lịch sử dân tộc.

Về việc thay đổi tổ hợp 4 môn, thầy Hiển cho hay: "Bộ GDĐT đã có điều chỉnh nên cũng sẽ không khó để thực hiện, giáo viên sẽ có cách dạy phù hợp với chương trình nếu được bố trí hợp lý. Tâm tư của giáo viên lịch sử nói chung đều háo hức chờ đón chương trình mới từ Bộ GDĐT".

Học sinh sẽ học Lịch sử 52 tiết/năm học 

Mới đây, chia sẻ với PV, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết: "Theo yêu cầu của Nghị quyết 63, Bộ GDĐT đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 ban hành Chương trình GDPT, trong đó môn Lịch sử được giữ nguyên phần chuyên đề học tập lựa chọn (35 tiết/năm học) theo định hướng nghề nghiệp; chuyển phần chủ đề môn Lịch sử 70 tiết/năm học thành phần bắt buộc và điều chỉnh chương trình còn 52 tiết/năm học để bảo đảm sự phù hợp với tất cả học sinh và cơ cấu đội ngũ giáo viên Lịch sử hiện nay.

Đối với các môn lựa chọn, các trường xây dựng các tổ hợp 4 môn học lựa chọn (thay vì 5 môn theo thiết kế ban đầu) để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

Với phương án điều chỉnh đang dự thảo như trên, chương trình cấp THPT đối với mỗi học sinh được giảm 18 tiết/năm học so với thiết kế ban đầu (tương ứng với số tiết giảm của chương trình môn Lịch sử); các trường cần căn cứ vào đội ngũ giáo viên của trường mình để điều chỉnh giảm 1 môn học trong các tổ hợp 5 môn học lựa chọn đã chuẩn bị, xây dựng trong thời gian qua (thực tế chỉ cần điều chỉnh giảm 1 môn đối với tổ hợp không có môn Lịch sử).

Để kịp thời triển khai năm học 2022-2023, Bộ GDĐT đang thực hiện theo Kế hoạch đã ban hành, trong đó sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện quy trình rút gọn trong việc xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem