Hoàng Ba Đình
Thứ bảy, ngày 16/04/2022 13:53 PM (GMT+7)
Một trong những món ăn tiêu biểu của TP.HCM là cơm tấm Sài Gòn. Nhưng từ chục năm nay, có một món cơm tấm từ địa phương khác đã dần dần tìm được thương hiệu và chỗ đứng tại vùng đất đô thành này, đó chính là cơm tấm Long Xuyên.
Chị Hồng Thư (Thủ Đức) chỉ ra điểm khác biệt làm nên nét đặc biệt của cơm tấm Long Xuyên: "Cơm tấm Sài Gòn ăn theo món như sườn, bì, chả, trứng chiên... Còn cơm tấm Long Xuyên chỉ trong vài món ăn kèm chính bì, thịt, trứng kho. Thịt có thể là thịt sườn, thịt khìa hoặc thịt nướng...
Điều đặc biệt là cả thịt và trứng kho đều được xắt nhuyễn ra cho hết vào dĩa, ăn kèm chung hết với nhau. Mỗi muỗng cơm đều có một chút bì, một chút trứng, một chút thịt... hòa lẫn vào nhau.
Anh Tùng Lê (quận 11) cho biết: "Em thuộc "đạo" cơm tấm. Ngày nào cũng ít nhất một dĩa. Trước nay em chỉ ăn cơm tấm Sài Gòn. Dạo về quê của ông anh rể ở Long Xuyên (An Giang) được ăn thử cơm tấm ở đây. Xong nghiện luôn. Ở Sài Gòn em vẫn thỉnh thoảng tìm mấy tiệm cơm tấm Long Xuyên ăn cho đã thèm".
Còn anh Phạm Vĩnh Lộc (Nha Trang, Khánh Hòa) cũng cho hay: "Tôi thường tìm đến những món ngon của các địa phương. Được biết món cơm tấm Long Xuyên này, nên cũng đã ăn thử, nói chung rất đặc biệt và khác biệt so với cơm tấm Sài Gòn".
Anh Trần Nam (Nhà Bè) nói thêm: "Tôi biết đến món này nhờ trang facebook "Cơm tấm là chân ái". Tôi ăn thử rồi. Nhận xét đơn giản thôi: ngon lắm".
Từ những ý kiến đó, có thể xem xét rằng món cơm tấm Long Xuyên đã phần nào chen chân được vào thị trường ăn uống ở Sài Gòn.
Nhưng đó là cả một quá trình không dễ dàng gì.
Cô Phương Lan (quận 7) kể lại quá trình hoạt động của quán cơm tấm Long Xuyên cô từng mở: "Năm 2008, vì lý do thời cuộc, tôi lên Sài Gòn cư ngụ, tạm thời chọn bán món cơm tấm Long Xuyên trong một con hẻm tại Gò Vấp. Ngày khai trương, khách cũng đông lắm.
Nhưng gần như không ai chịu ăn theo kiểu Long Xuyên. Hầu như mọi người đều chọn ăn gọi món kiểu Sài Gòn. Rồi mấy ngày sau cũng thế. Món cơm tấm Long Xuyên tồn tại chưa được một buổi".
Chị Hồng Thư cũng kể lại kỷ niệm về món cơm tấm Long Xuyên trong những năm đầu tiên của thế kỷ 21: "Lúc đó, cả Sài Gòn hầu như không có món này. Dân Long Xuyên nói riêng và dân An Giang nói chung thèm món này kinh khủng.
Cả TP.HCM chỉ có mỗi một tiệm cơm tấm Cây Điệp bán theo kiểu Long Xuyên. Mà ngặt nỗi, cái tiệm này vài tháng lại đổi địa chỉ một lần. Ngày xưa làm gì biết tra google để xem tiệm dời đi đâu. Thành thử, mất dấu là phải đợi vài tháng, mới dò ra được chỗ mới từ những người bạn đồng hương".
Chị Hồng Thư nói tiếp: "Mỗi lần ghé ăn là thấy cả đống xe biển số 67 (An Giang). Có điều, lúc đó chỉ mới có dân An Giang biết ăn món này. Những người khác đến đây ăn cơm tấm đều ăn theo kiểu Sài Gòn. Thành thử quán này muốn tồn tại cũng phải bán kèm theo đủ thứ món trật bài so với cơm tấm Long Xuyên: thịt kho, cá kho, lạp xưởng, trứng ốp la..."
Đến hôm nay, nhiều người đã biết đến món ăn này. Anh Tuấn Ngô (Quận 10): "Từ ngày biết món ăn này, món cơm tấm vốn đã ngon lại càng thêm quyến rũ. Giống như món phở Bắc, nhiều người chỉ nghĩ có món phở Hà Nội, nhưng nay nhiều người đã biết đến phở Nam Định. Món cơm tấm Long Xuyên cũng thế, đã dần gây được sự chú ý, bên cạnh món cơm tấm kinh điển sườn – bì – chả theo kiểu Sài Gòn".
Nhưng điều gì làm nên hồn cốt của cơm tấm Long Xuyên? Với câu hỏi này, ông Minh Đức, dân Long Xuyên chính gốc, cư ngụ ở Sài Gòn từ 30 năm, nghiềm ngẫm hồi lâu rồi mới trả lời: "Món ăn này, sở dĩ phổ biến ở Long Xuyên chính là vì nó đi lên từ món ăn cho người lao động. Người lao động, ăn nhanh để đi làm. Ăn nhanh nên không thể ngồi nhẩn nha gặm cục sườn, xắt miếng chả... Nên tất cả các thành phần phải xắt nhuyễn ra. Xắt nhuyễn ra để lùa cho nhanh còn đi làm".
"Và ăn cơm tấm Long Xuyên đúng điệu là chỉ ngồi ghế thấp, không ngồi bàn; chỉ ăn muỗng, không ăn nĩa. Mỗi người một ghế, một tay cầm dĩa, một tay cầm muỗng, nước mắm chan trực tiếp vào, trộn đều lên rồi ăn. Hồi tôi còn nhỏ ở Long Xuyên, đa số quán cơm đều như thế. Dĩ nhiên cũng có bàn, nhưng khá ít. Và bàn chỉ dành cho trẻ em, ăn uống còn đổ tháo mới cần bàn".
"Cũng bởi dành cho giới bình dân, lao động nên mới dễ làm, dễ bán, dễ ăn... Anh cứ nhìn lại xem, hầu hết những món ăn phổ biến trong xã hội Việt Nam đều xuất phát từ giới bình dân lao động như phở Hà Nội, bánh mỳ Sài Gòn, bánh bao, xôi...
Cơm tấm Long Xuyên cũng vậy. Có điều, du nhập lên Sài Gòn, mà chỉ ngồi bàn, không ngồi ghế; chỉ dùng muỗng, không dùng nĩa... thì kém khí thế quá. Nên quán nào cũng bàn cao ghế rộng, muỗng nĩa xổn xoảng. Thành thử, cơm tấm Long Xuyên ở Sài Gòn, tuy ngon có ngon, tuy đúng vị thì có đúng vị... nhưng vẫn thiếu không khí riêng. Thôi, Sài Gòn mà" – anh Đức đúc kết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.