Tờ giấy biên nhận được Viện Khoa học hình sự giám định có 2 dòng chữ (trong ô vuông) chèn thêm. (Ảnh: D.H)
Theo trình bày của ông Bình, ngày 24.1.2011, Công ty Thái Hòa mượn của bà Tám 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) để thế chấp ngân hàng. Giao dịch này được lập giấy biên nhận “Về việc mượn tài sản” số 01 do chính ông Bình ký cùng ngày. Sau đó, Công ty Thái Hòa đã trả 2 GCNQSDĐ cho bà Tám. Tuy nhiên, tháng 6.2013, bà Tám làm đơn khởi kiện đòi Công ty Thái Hòa trả thêm 800 triệu đồng. Bằng chứng mà bà Tám đưa ra chính là tờ giấy biên nhận số 01 nói trên.
Trong giấy biên nhận mà bà Tám cung cấp cho tòa án, ngoài nội dung Công ty Thái Hòa mượn 2 GCNQSDĐ còn có thêm 2 dòng chữ: “Và tiền mặt 800 triệu đồng” và “Số tiền 800 triệu đồng và lãi 14,4%/năm, tôi hẹn sẽ trả vào ngày 24.2.2013 đầy đủ cả gốc và lãi”. Quá trình xét xử vụ án, tòa sơ thẩm đã 2 lần gửi giấy biên nhận số 01 cho Viện Khoa học hình sự giám định. Cả hai lần giám định này đều có kết quả 2 dòng chữ nói trên là được chèn thêm. Do đó, tòa sơ thẩm bác đơn của bà Tám. Tuy nhiên, tại bản án số 14/2015/DS-PT ngày 21.1.2015, TAND tỉnh Đăk Lăk lại đứng về phía bà Tám. Tòa cho rằng tòa sơ thẩm đã đánh giá sai chứng cứ. Đồng thời chấp nhận lời khai của bà Tám, cho rằng 2 dòng chữ chèn thêm là do Công ty Thái Hòa thực hiện do thời điểm mượn tiền và mượn GCNQSDĐ khác nhau. Do đó, TAND tỉnh Đăk Lăk đã buộc Công ty Thái Hòa phải trả cho bà Tám cả gốc và lãi là 965,9 triệu đồng.
Về phía Công ty Thái Hòa, ông Bình cho rằng: “Việc tòa án dựa vào giấy biên nhận số 01, buộc chúng tôi phải trả gần 1 tỷ đồng cho bà Tám là quá vô lý bởi tờ biên nhận số 01 bà Tám giữ thì chúng tôi làm cách nào để chèn thêm? Hiện bản án số 14 đã có hiệu lực, chúng tôi đang lãnh một món nợ oan mà không biết kêu ai”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.