Hiện Bắc Hà là nơi duy nhất trên cả nước duy trì, phát triển phong trào đua ngựa. Ông có thể cho biết khái quát về phong trào đua ngựa truyền thống nơi đây?
- Từ xa xưa, con ngựa đã gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt, lao động của người dân vùng cao. Ngựa chuyên chở hàng từ nhà lên nương, từ nhà xuống chợ... nên có thể coi nó như một thành viên gia đình.
Hoạt động đua ngựa phát triển sẽ giúp thu hút du khách đến với các địa phương như Bắc Hà, Bắc Ninh... Ảnh: I.T
Trong quá khứ, đua ngựa Bắc Hà thường tổ chức ngay sau dịp Tết cổ truyền. Tuy nhiên, vào những năm 80 của thế kỷ trước, do nhiều điều kiện khách quan và chủ quan, đua ngựa có phần bị lãng quên. Cách đây khoảng 15 năm, chúng tôi mới bắt đầu khôi phục, và chính thức tổ chức giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà lần thứ I vào năm 2007. Qua 9 mùa giải, đua ngựa giúp người dân tăng cường sức khỏe, gắn bó hơn với nhau trong đời sống lao động sản xuất, duy trì, phát huy bản sắc.
"Phải khẳng định rằng, trong thời điểm hiện nay, việc Báo NTNN phối hợp Trung tâm DLVHTT Phú Sơn tổ chức giải đua ngựa phong trào 2015 là rất đáng trân trọng, có ý nghĩa động viên, khuyến khích người dân vùng cao chúng tôi giữ ngựa, chăm sóc, huấn luyện ngựa”.
Ông Thào Seo Cấu
|
Cũng nhờ đua ngựa, Bắc Hà có cơ hội quảng bá các đặc sản như rượu ngô, mận tam hoa. Song song với giải đua ngựa, chúng tôi cũng tổ chức các hội nghị khách hàng, giới thiệu các tour, điểm đến với du khách: Du lịch trên sông Chảy; du lịch trên hồ Cốc Ly; thăm rừng gỗ nghiến ở Cốc Ly; thăm di tích lịch sử đền Bắc Hà, đền Trung Đô, nhà cổ Hoàng A Tưởng...
Những năm qua, đua ngựa Bắc Hà đã thu hút hàng vạn lượt người xem. Nhưng dường như từng đó vẫn chưa xứng với tiềm năng, thưa ông?
- Phong trào đua ngựa đã nhận được sự quan tâm từ các cấp ủy, chính quyền. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế chung của cả nước, máy móc, ô tô, xe máy… xuất hiện nhiều thay sức kéo cho ngựa và điều tất yếu là ngựa ngày càng ít đi. Ở Lào Cai hiện nay, cũng chỉ có Bắc Hà và huyện Si Ma Cai là có đua ngựa. Một số huyện khác có thể có ngựa nhưng họ không cho đi đua.
Có ngựa không chịu ăn cỏ nơi khác, mà chỉ ăn cỏ bản địa. Do đó, việc lựa chọn ngựa tốt nhất vào thi đấu không nhiều. Năm 2009, chúng tôi tổ chức giải đua ngựa truyền thống mở rộng, mời các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang… nhưng cuối cùng chỉ có tỉnhbạn Hà Giang đưa ngựa sang thi đấu.
Trong điều kiện như vậy, việc Bắc Hà có thể đưa 32 ngựa tốt nhất tới Bắc Ninh so tài trong hai ngày 5-6.12 tới là một nỗ lực lớn?
- Phải khẳng định, trong thời điểm này, việc Báo NTNN phối hợp với Trung tâm DLVHTT Phú Sơn tổ chức giải đua ngựa phong trào 2015 là rất đáng trân trọng. Thông qua giải, tôi tin hình ảnh của Bắc Hà sẽ còn được biết đến nhiều hơn trên cả nước.
Trong tương lai, chúng tôi mong muốn kết hợp Báo NTNN để giải đua ngựa không chỉ tổ chức ở Bắc Hà, Bắc Ninh, mà còn ở nhiều địa phương khác. Hy vọng các tổ chức, doanh nghiệp sẽ cùng chung tay để đua ngựa có thể tổ chức giải hàng tháng, hàng quý, chứ không chỉ mỗi năm chỉ có 1 giải ở Bắc Hà. Điều đó cũng sẽ giúp người dân cả nước có thêm cơ hội được giải trí, có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Địa phương đăng cai tổ chức cũng có thêm một thứ “đặc sản” để thu hút khách du lịch.
Xin cảm ơn ông!
Phó Chủ tịch huyện Bắc Hà Thào Seo Cấu kỳ vọng hội đua ngựa sẽ giúp quảng bá hình ảnh vùng cao. Clip: Xuân Lực
Vui lòng nhập nội dung bình luận.