|
Lớp học nghề hàn ở Hải Dương. |
Cho đến thời điểm này, Trung tâm Dạy nghề - Hội Nông dân Hải Dương vẫn thực hiện hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 81/QĐ-TTg, mức hỗ trợ tối đa 300.000 đồng/người/tháng và không quá 1.500.000 đồng/người/khoá học.
Ông Nguyễn Ngọc Tuyến - Giám đốc Trung tâm cho biết: “Thông tư hướng dẫn tài chính cho Quyết định này ra đời từ năm 2005 đã quá cũ và không còn phù hợp với thực tế dạy và học nghề hiện nay. Giá cả nguyên vật liệu đều tăng trong khi kinh phí vẫn vậy khiến việc tổ chức lớp, đặc biệt là các buổi thực hành gặp rất nhiều khó khăn”.
Vì thiếu kinh phí nên có những lớp, trung tâm chỉ có thể cung cấp nguyên liệu thực hành rất hạn chế. Khó khăn nhất là nghề hàn, vì nguyên liệu nghề hàn là sắt thép, que hàn rất đắt. Một học viên cho biết: “Học viên lớp hàn mà mỗi buổi thực hành chỉ có một que hàn thì làm sao mà thành thạo được. Nhiều học viên chúng tôi sau khi học xong vào doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại”.
Bộ Tài chính cho biết đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ xin bổ sung kinh phí năm 2010 để thực hiện đề án là 1.984 tỷ đồng. Ngày 10-5-2010 Bộ Tài chính có Công văn số 578/BTC-NSNN thông báo bổ sung dự toán chi cho 63 tỉnh, thành và 8 bộ, cơ quan Trung ương thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Khoản tiền này chỉ đợi thông tư hướng dẫn để có thể giải ngân theo quy định.
Theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, số tiền hỗ trợ lao động học nghề được hưởng mức khá cao. Cao nhất là đối tượng người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế); hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày, hỗ trợ đi lại 200.000 đồng/người/khoá học.
Các đối tượng khác được hỗ trợ tiền học từ 2 - 2,5 triệu đồng/khoá. Bộ Tài chính cho biết, đã chủ trì với Bộ LĐ-TB&XH dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí. Tuy nhiên, cho tới giờ Thông tư vẫn chưa được ban hành khiến nhiều tỉnh, thành rơi vào tình trạng: Tổ chức lớp theo hướng dẫn tài chính cũ hoặc “án binh bất động” chờ hướng dẫn mới. Cả 2 cách phản ứng này đều ảnh hưởng tới quyền lợi của người học và ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu dạy nghề nông dân trong năm 2010.
Dương Giang- Bích Phượng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.