Quá lạm dụng
Gia đình ông Thân Văn Thương, thôn Thiết Nham, xã Minh Đức (Việt Yên - Bắc Giang) thường trồng một mẫu lạc mỗi vụ. Trước đây, để ngăn cỏ mọc, ông mất vài ngày nhổ, vạc mới hết. Thế nhưng, khoảng 5 năm qua, khi lên luống, lấp đất xong, ông phun ngay thuốc trừ cỏ.
Glyphosan (glyphosante) là loại thuốc diệt cỏ được Tổ chức Y tế thế giới phân loại vào nhóm 2A, có khả năng gây ung thư cao
Công việc này một người làm trong một ngày đã hoàn tất. Trên ruộng lúa sau cấy vài ngày, ông Thương trộn thuốc lẫn với cát vãi xuống ruộng, không dùng nạo cỏ như trước.
Hiện nay, hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũng làm theo cách trên. Không chỉ trong sản xuất, đi trên một số tuyến phố tại TP Bắc Giang nhiều người bắt gặp đơn vị quản lý dùng thuốc diệt cỏ trên vỉa hè mà đáng lẽ phát dọn thủ công. Để dòng chảy thông thoáng, một số công ty thủy nông phun thuốc trừ cỏ diệt bèo, cỏ dại bám ở bờ kênh, mương.
Theo đánh giá của Chi cục BVTV tỉnh Bắc Giang, nông dân đang sử dụng thuốc diệt cỏ tràn lan, không quan tâm làm cỏ sục bùn cho lúa, nhổ cỏ trên ruộng rau màu. Thậm chí có người còn nghĩ càng tăng nồng độ thì hiệu quả càng cao nên phun không theo hướng dẫn trên bao bì. Thuốc trừ cỏ đã giúp nông dân đỡ vất vả, tiết kiệm công lao động. Tuy nhiên, nhiều người đã lạm dụng quá mức hoá chất, phun thuốc cả trên bờ, dưới ruộng.
Không thể nhìn thấy, mỏng nhẹ như làn sương nhưng thuốc diệt cỏ vô cùng độc hại. Ảnh: IT
Sơn La là một trong số các địa phương tiêu thụ thuốc trừ cỏ nhiều nhất, trung bình mỗi năm người dân nơi đây sử dụng gần 300.000 lít thuốc trừ cỏ các loại.
Chẳng cần găng tay, khẩu trang hay bất cứ một loại dụng cụ bảo hộ nào, mỗi xô nước, Sùng A Lau đổ thêm vào gần 2 ca thuốc trừ cỏ. Dù không biết tên thuốc, nhưng anh Lau khẳng định 1 xô dung dịch này có thể diệt sạch cỏ trong diện tích 100m2, nhanh hơn nhiều so với làm cỏ bằng tay.
Những bình thuốc dùng hết bị ném bừa bãi ngay trên sườn núi, trong đó có thuốc diệt cỏ Glyphosate, loại được Tổ chức Y tế thế giới phân loại vào nhóm 2A, có khả năng gây ung thư cao. Thế nhưng, với giá chỉ 50.000 đồng/bình, diệt sạch cỏ trong diện tích 500m2 thì vẫn rẻ hơn nhiều so với công làm cỏ bằng tay.
Cách đây không lâu, tại bản Suối Khoang (xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu) đã xảy ra vụ ngộ độc tập thể khiến 78 người phải vào bệnh viện cấp cứu.
Các loại can đựng thuốc diệt cỏ paraquat được tìm thấy ở khu vực suối nước nghi là gây ngộ độc cho hàng loạt người dân bản Suối Khoang (xã Tân Hợp, Mộc Châu - Sơn La)
Tại nơi xảy ra ngộ độc, toàn bộ hộ dân sử dụng chung mó nước (một ống dẫn nước về bản – PV) lấy từ một thung lũng cách bản Suối Khoang khoảng 3-4 km dẫn nước về một bể chứa ở bản. Đoàn công tác đã tiến hành lấy mẫu nước và làm các xét nghiệm, trong đó phát hiện 4 mẫu nước dương tính với Paraquat (thuốc diệt cỏ).
Theo ông Đinh Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Tân Hợp: qua tìm hiểu đã xác định được có một hộ gia đình phun thuốc diệt cỏ ở khu vườn trồng mận, mơ. Thuốc chưa kịp ngấm vào cỏ, đất thì không may gặp trời mưa nên đã trôi xuống mó nước dẫn về bể chứa tại bản Suối Khoang. Từ bể chứa đó, nước được phân phối đến từng gia đình trong bản gây ra vụ ngộ độc trên.
Cần thiết nhân rộng phương thức canh tác an toàn
Việc sử dụng thuốc trừ cỏ tràn lan ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ cộng đồng, trước tiên là người trực tiếp sử dụng. Khi phun trên kênh mương, hoạt chất tan theo nước, chảy đến nơi khác và tích tụ trong động vật thuỷ sinh.
Thuốc trừ cỏ còn tiêu diệt vi sinh vật có ích, gây mất cân bằng sinh thái. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình hình sâu bệnh trên cây trồng ngày càng diễn biến phức tạp và phát sinh nhiều đối tượng mới. Nhận thức được những tác hại của thuốc trừ cỏ, khắc phục khó khăn về nhân lực, một số chủ trang trại đã dùng máy làm cỏ mini song số lượng còn ít.
Sử dụng máy cắt cỏ mini để tiết kiệm công sức và hạn chế sử dụng các loại thuốc diệt cỏ.
Ông Nguyễn Xuân Giang, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đồng Xanh, xã Lan Giới (Tân Yên – Bắc Giang) cho biết: "Đơn vị chúng tôi chuyên sản xuất, kinh doanh rau an toàn với diện tích gần 5ha. Để sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng chúng tôi không dùng thuốc trừ cỏ. Nếu làm cỏ thủ công trên diện tích lớn thì tốn rất nhiều thời gian, công sức. Vì vậy, Công ty đã chi hơn 30 triệu đồng mua một máy băm cỏ có công suất làm việc bằng 8-9 người".
Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực, Chi cục BVTV tỉnh Bắc Giang cũng đã khuyến cáo nông dân chú trọng thực hiện các biện pháp canh tác an toàn. Bà Đỗ Thị Luyến, Chi cục phó Chi cục BVTV cho biết: "Đối với lúa nên cấy thẳng hàng theo băng. Sau cấy 15 ngày bà con nên làm cỏ sục bùn thủ công. Cách làm này tăng kích thích ô xy trong đất, tạo môi trường thuận lợi vi sinh vật có ích phát triển, phòng bệnh nghẹt rễ lúa”.
Đối với cây màu nên mở rộng diện tích làm đất tối thiểu, tận dụng rơm rạ che phủ bề mặt luống, vừa giữ ẩm vừa hạn chế cỏ mọc. Đi đôi với biện pháp trên, về phía người dân khi sử dụng thuốc BVTV cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ, đúng thời điểm và kỹ thuật) để nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh; nêu cao vai trò của các tổ chức chính trị, đoàn thể cơ sở trong việc tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng thuốc BVTV an toàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.