Tìm thấy nhiều tiền cổ thuộc kho tiền ông Nguyễn Nhạc tại di tích Tây Sơn Thượng đạo ở Gia Lai
Tìm thấy nhiều tiền cổ thuộc kho tiền ông Nguyễn Nhạc tại di tích Tây Sơn Thượng đạo ở Gia Lai
Chủ nhật, ngày 18/06/2023 15:35 PM (GMT+7)
Bảo tàng tỉnh Gia Lai vừa tiến hành khảo sát thực tế tại di tích Kho tiền ông Nhạc (kho tiền của ông Nguyễn Nhạc nhà Tây Sơn thuộc Tây Sơn Thượng Đạo ở làng Hlang, xã Yang Nam, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) để cập nhật hình ảnh tư liệu mới nhất.
Xuất phát từ thị xã An Khê trên chiếc xe cà tàng, gần trưa, chúng tôi mới tới làng Hlang. Chiếc xe chồm lên trên con đường mòn đủ một lối đi nhưng lởm chởm sỏi đá.
Ì ạch mãi chúng tôi cũng leo lên lưng chừng dốc Ya Prum để tiếp tục đi vào di tích Kho tiền ông Nhạc. Đứng trên dốc nhìn ra xa, chỉ thấy đôi ba mái nhà và lác đác màu xanh của một vài rẫy mì do bà con mới trồng. Khung cảnh thật vắng vẻ.
Di tích Kho tiền ông Nhạc nằm trong cụm di tích Nền nhà-Hồ nước-Kho tiền ông Nhạc thuộc Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo. Đây chính là nơi Nguyễn Nhạc cất giấu tiền để phục vụ cho nghĩa quân Tây Sơn. Di tích Kho tiền cổ ông Nhạc cách thị trấn Kông Chro khoảng 10 km về hướng Đông Bắc.
Theo tài liệu của ông Nguyễn Quốc Thành-nhà nghiên cứu về An Khê (đã qua đời), vào những năm 80 của thế kỷ trước, từ thông tin người dân địa phương nhặt được khá nhiều đồng tiền cổ có chữ Hán ở khu vực suối Hlang (xã Yang Nam), nhiều đoàn cán bộ về đây tham quan, khảo sát.
Ngày 4-4-1987, đoàn khảo sát của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã tìm thấy 28 đồng tiền cổ có niên hiệu như: Khai Nguyên, Hàm Bình, Tường Phù, Vĩnh Lạc... (tiền Trung Quốc); Nguyên Phong, Thái Hòa, Cảnh Thống... (tiền Việt Nam). Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có rất nhiều tiền cổ ở các hốc đá bên dòng suối Hlang?
Các hốc đá dọc suối Hlang-nơi phát hiện tiền cổ được cho là thuộc kho tiền của ông Nhạc (do Nguyễn Nhạc nhà Tây Sơn thời còn làm biện lại thu thuế không giao nộp cho triều đình thuộc di tích Tây Sơn Thượng đạo ở làng Hlang, xã Yang Nam, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Nguyễn Anh Minh.
Ngược dòng lịch sử, kho tiền là do Nguyễn Nhạc khi còn làm biện lại thu thuế không giao nộp cho triều đình, cộng với sản nghiệp họ Hồ, họ Nguyễn và hầu hết các nhà thương nghiệp đóng góp mới có. Đây là nguồn dự trữ quân lương.
Sau khi nghĩa quân Tây Sơn tiến xuống đồng bằng, Nguyễn Nhạc đã cắt cử 2 anh em ruột là Nguyễn Hữu và Nguyễn Hảo ở lại tập hợp và huấn luyện dân làng Hlang bảo vệ kho tiền.
Nguyễn Huệ đã dặn dò anh em họ Nguyễn: “Gắng sức giữ gìn, có ngày dùng đến”. Chính vì vậy, chẳng những anh em họ Nguyễn mà cả dân làng đều coi kho tiền là của thiêng không ai được xâm phạm.
Khi nghĩa quân Tây Sơn tiến xuống đồng bằng, đi đến đâu cũng được người dân hồ hởi tiếp đón và cung ứng. Hơn nữa, Nguyễn Nhạc chủ trương lấy của tham quan, ác bá, vừa sung công vừa phân phát cho dân nghèo nên tạm thời không cần dùng đến kho tiền dự trữ.
Vì lẽ đó, những người ở nhà trông coi kho tiền cứ âm thầm chờ đợi mà không thấy ông Nhạc quay về lấy tiền.
Sau này, nhà Tây Sơn sụp đổ, nhiều toán cướp đã đến cướp tiền nhưng đều bị anh em họ Nguyễn và dân làng đánh cho tan tác, quyết tâm giữ vững kho tiền thiêng. Khi thủ kho Nguyễn Hữu lâm bệnh nặng, dự liệu không qua khỏi, ông đã cho người vận chuyển tiền giấu trong các hốc đá dọc suối Hlang rồi giao lại cho già làng trông giữ. Vậy nên, người dân mới nhặt được tiền ở các hốc đá dọc con suối.
Đây là một trong rất nhiều câu chuyện lịch sử về kho tiền ông Nhạc. Nhưng căn cứ vào những tài liệu và chứng cứ mà các nhà nghiên cứu thu thập được, chứng minh nơi đây đã tồn tại một kho tiền của nghĩa quân Tây Sơn.
Khu di tích lịch sử Nền nhà-Hồ nước ông Nhạc đã được đầu tư xây dựng nhà bia tưởng niệm, kè đá hồ nước và cổng khang trang, bề thế tại làng Hlang, xã Yang Nam, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Ngọc Minh
Theo quan sát của chúng tôi, những năm gần đây, khu di tích Nền nhà-Hồ nước ông Nhạc đã được huyện Kông Chro đầu tư tôn tạo, xây dựng bia di tích, hàng rào bao quanh, đặt biển chỉ dẫn, làm đường bê tông nối từ đường trục chính vào.
Năm 2020, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã trùng tu, xây dựng nhà bia tưởng niệm, kè đá hồ nước, xây cổng đá, làm lối đi nội bộ.
Thế nhưng, do kinh phí đầu tư còn hạn hẹp nên mới chỉ thực hiện ở khu vực di tích Nền nhà-Hồ nước, còn khu vực di tích Kho tiền ông Nhạc vẫn còn nguyên sơ với con đường mòn đi vào lởm chởm đá.
Vào sâu trong khu vực di tích, ngay đến biển chỉ đường cũng bị gãy đổ. Thiết nghĩ, nếu là khách du lịch, tìm đến được di tích Kho tiền ông Nhạc thực sự rất khó khăn.
Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo (trong đó có di tích Kho tiền ông Nhạc) được xếp hạng Di tích cấp quốc gia từ năm 1991, đến nay đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Vì vậy, di tích này cần được các cấp, các ngành có thẩm quyền quan tâm, trùng tu, tôn tạo và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho xứng tầm, tạo điều kiện thuận lợi và thu hút người dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.