Từ cổng vào đến ngôi nhà khang trang của ông Mỹ xếp dày đặc các loại cây. Ông Mỹ kể về cái duyên đến với cây cảnh của mình: “Hồi nhỏ, khi mang trâu vào rừng chăn thả, nhìn thấy nhiều cây trong rừng có dáng đẹp, tôi đào mang về trồng, chẳng mấy chốc mà chật mảnh vườn trước nhà. Mẹ tôi bao lần đòi chặt đi để trồng cây ăn quả. Tôi phải thuyết phục mẹ để bảo vệ bằng được những cây mình đã mang về". Yêu cây cảnh, ông Mỹ còn lặn lội vào rừng núi phía tây Yên Tử tìm những cây có kiểu dáng lạ mua về trồng và nhân giống.
|
Vườn cây cảnh tiền tỷ của ông Mỹ. |
Giờ đây với 50 năm kinh nghiệm chăm cây, ông thuộc hết đặc tính của các loại cây cảnh trong vườn nhà. Chỉ bằng quan sát là ông có thể biết cây bị bệnh gì. "Cây cảnh đầu tiên tôi bán cách đây 18 năm cho một ông khách người Hà Nội. Ông ấy trả cây sanh thế huynh đệ gần 10 triệu đồng. Lần đầu tiên trong đời, tôi cầm số tiền lớn như vậy. Cũng nhờ số tiền đó mà gia đình tôi thoát khỏi cảnh chạy ăn từng bữa"- ông Cảnh nhớ lại .
Gần 3.000m2 trồng cây cảnh của ông hiện nay có đủ các loại sanh, tùng la hán, si, lộc vừng, vạn tuế, sung, đa, duối, ổi, khế… đều 30-40 năm tuổi, với đủ các thế: Huyền, trực, trực quân tử, trực liên tri, mẫu tử, phu tử, thác đổ, quần thụ, huynh đệ... mang ngụ ý sâu xa về đạo nghĩa ở đời. Đặc biệt cây duối trực liên tri và cây lộc vừng trên 200 tuổi, đều được định giá tiền tỷ. Ông Mỹ chia sẻ trung bình mỗi năm gia đình ông thu nhập từ 400-500 triệu đồng từ bán cây cảnh. Vườn cây cảnh của ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương với thu nhập từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông bảo: "Trồng cây cũng như chăm người. Phải am hiểu về từng loại cây, mỗi loại cây phải tạo dáng khác nhau, phải kiên nhẫn, công phu và mất nhiều năm tháng, nhiều công sức và cả tiền bạc thì mới mong thành công được. Nghề trồng cây cảnh không phải dành cho những người hời hợt, nóng vội. Bởi trồng cây cảnh đâu phải là một hai năm mà có khi là cả một đời người".
Đỗ Việt - Nguyễn Khoát
Vui lòng nhập nội dung bình luận.