Bảo vật quốc gia ở Cao Bằng là thứ gì mà vua Lê Thái Tổ để lại trên ngọn núi năm 1431?

Chủ nhật, ngày 19/02/2023 05:08 AM (GMT+7)
Bảo vật Quốc gia Bia Ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ trên núi Phja Tém, xã Hồng Việt (huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) là hiện vật gốc độc bản có niên đại năm 1431 - khẳng định chủ quyền quốc gia Đại Việt ở vùng biên viễn.
Bình luận 0

Bia Ma nhai Ngự chế của Vua Lê Thái Tổ trên ngọn núi Pja Tém ở Cao Bằng có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học.

Bài thơ Ngự chế được vua Lê Thái Tổ cảm khái trong một lần thân chinh đem quân lên châu Thạch Lâm, trấn Thái Nguyên (vùng Hòa An, Thạch An của tỉnh Cao Bằng ngày nay) để dẹp loạn và trấn áp thổ tù phản nghịch Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái (tháng Giêng năm 1431). 

Theo sử sách ghi lại, dưới thời Hậu Lê, vùng đất Cao Bằng thuộc trấn Thái Nguyên, là phên giậu phía Bắc quan trọng bậc nhất ở biên giới nước ta và nằm trong cương giới của nước Đại Việt, do các thổ tù, tù trưởng nắm giữ.

    Bảo vật quốc gia ở Cao Bằng là thứ gì mà vua Lê Thái Tổ để lại trên ngọn núi năm 1431? - Ảnh 1.

    Lãnh đạo huyện Hòa An (tỉnh Cao Bằng) và xã Hồng Việt nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia Bia Ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ trên ngọn núi Pja Tém.

    Bế Khắc Thiệu là một thổ tù có công lao được Lê Lợi cử về chống quân Minh xâm lược ở Cao Bằng. Lực lượng khởi nghĩa của Bế Khắc Thiệu trở thành một bộ phận quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc thế kỷ XV. 

    Tuy nhiên, sau khi được tấn phong quản lĩnh trấn thủ Thái Nguyên, Bế Khắc Thiệu cùng Nông Đắc Thái nổi dậy chống chính quyền Trung ương, mưu đồ cát cứ.

    Bia Ma nhai Ngự chế là hiện vật gốc độc bản dài 150 cm, rộng 70 cm, được tạo tác ở độ cao khoảng 12 mét so với mặt đất trên vách đá núi Phja Tém, bên dòng sông Dẻ Rào. 

    Bài thơ bố cục thành 8 cột dọc, dưới dạng một bài thơ chữ Hán, thể thất ngôn bát cú. Các chữ trên bia được khắc theo lối Khải chân, to, rõ ràng, dễ đọc. Đây là tuyệt tác nghệ thuật có niên đại sớm nhất trong số 3 bia ma nhai (tức bia khắc trên vách đá) của vua Lê Thái Tổ. 

    Sự tồn tại của văn bia khẳng định chủ quyền quốc gia Đại Việt ở vùng biên viễn dưới vương triều nhà Lê, cũng như công lao to lớn của vua Lê Thái Tổ trong việc dẹp loạn, chinh phạt, giữ yên vùng đất biên cương Cao Bằng.

    Nội dung bia là lời huấn thị của vua Lê với muôn dân về trách nhiệm bảo vệ đất nước, răn dạy bách tính về lòng trung quân, ái quốc, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. 

    Cùng với đó, ngay trên ngọn núi Phja Tém, phía ngoài đường vào Bia Ma nhai Ngự chế còn có bia "Câu Thủy bi ký" năm 1072, nói về việc đào mương, đắp đập, khẩn hoan đất đai mở rộng diện tích phát triển nông nghiệp đời vua Lê Hy Tông.  

    Bảo vật quốc gia ở Cao Bằng là thứ gì mà vua Lê Thái Tổ để lại trên ngọn núi năm 1431? - Ảnh 3.

    Bảo vật Quốc gia Bia Ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ trên núi Phja Tém, xã Hồng Việt (huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng).

    Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, tháng 7/2011, di tích Bia Ma nhai Ngự chế niên đại 1431 và bia "Câu Thủy bi ký" năm 1072 ở núi Phja Tém được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. 

    Ngày 15/1/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 88/QĐ-TTg công nhận Bia Ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ là Bảo vật Quốc gia.

    Ông Lô Quang Hữu, 74 tuổi, xóm Thanh Hùng, xã Hồng Việt (Hòa An) chia sẻ: Từ khi còn nhỏ tôi đã thấy  người dân có ý thức giữ gìn, không phá đá hay có hành vi hủy hoại môi trường ở khu vực này. Nhân dân địa phương rất vui mừng, tự hào khi bia được công nhận là Bảo vật Quốc gia.  

    Bảo vật Quốc gia Bia Ma nhai Ngự chế là hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, theo quy định được Nhà nước bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt. 

    Cùng với Bảo vật Quốc gia Bia Ma nhai Ngự chế, trên địa bàn huyện Hòa An hiện còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa đã được công nhận như: Khu di tích lịch sử Nặm Lìn, hang Ngườm Bốc, thành Na Lữ, đền vua Lê, đền Dẻ Đoóng, hang Ngườm Slưa... Đó là niềm tự hào của nhân dân địa phương về một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

    Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa An (tỉnh Cao Bằng)-ông Đàm Thế Trang, với tiềm năng đa dạng, phong phú về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn, trong thời gian tới, huyện tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm quản lý, khai thác có hiệu quả giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương. Xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ Bảo vật Quốc gia, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho bảo vật và các di tích. 

    Địa phương ưu tiên kinh phí đầu tư cho việc cải tạo, nâng cấp đường vào và khuôn viên khu vực lưu giữ bảo vật; gắn phát triển du lịch với bảo tồn di sản, quảng bá truyền thống lịch sử, văn hóa, xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm kết hợp tìm hiểu di sản văn hóa tại địa phương. 

    Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng đối với truyền thống quê hương cách mạng, gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa.  

    Bảo Bình (Báo Cao Bằng)
    Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày Xem