Một loài cá của Việt Nam đang đứng đầu trong danh sách ưa thích tại Malaysia, tháng sau mua nhiều hơn tháng trước
Một loài cá của Việt Nam đang đứng đầu trong danh sách ưa thích tại Malaysia, tháng sau mua nhiều hơn tháng trước
P.V
Chủ nhật, ngày 08/12/2024 15:48 PM (GMT+7)
Với sự tăng trưởng mạnh mẽ ở nhiều thị trường, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang tiến gần đến mục tiêu 10 tỷ USD trong năm 2024, trong đó cá tra đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu.
Theo thông tin từ VASEP, các sản phẩm cá tra Việt Nam liên tục đứng đầu trong danh sách cá thịt trắng được ưa thích nhất tại nhiều thị trường, Malaysia không phải là ngoại lệ. Nằm trong ASEAN - Một trong những khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới, xuất khẩu cá tra sang thị trường này liên tục tăng trưởng trong vài năm trở lại đây.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 10/2024, xuất khẩu cá tra sang Malaysia đạt hơn 3 triệu USD, tăng 19% so với tháng 10/2023. Lũy kế 10 tháng năm nay xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 29 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng trưởng dương đều ở hầu hết các tháng, trừ tháng 8/2024. Tháng 7 năm nay ghi nhận là tháng kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Malaysia đạt cao nhất kể từ đầu năm 2023, với hơn 4 triệu USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023.
Cơ cấu xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Malaysia chủ yếu vẫn là phile cá tra đông lạnh mã HS 0304. Mười tháng đầu năm 2024, xuất khẩu riêng sản phẩm này sang Malaysia đạt gần 24 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, xuất khẩu các sản phẩm cá tra khô/đông lạnh khác (nguyên con, cắt khúc,...) đạt hơn 3 triệu USD trong 10 tháng đầu năm nay, tăng 19% so với cùng kỳ.
Cuối cùng là sản phẩm cá tra GTGT, mặc dù giá trị xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn, tuy nhiên nhìn thấy rõ sự tăng trưởng mạnh mẽ các sản phẩm này sang quốc gia ở trung tâm Đông Nam Á này. Mười tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá tra GTGT sang Malaysia đạt hơn 1,5 triệu USD, tăng 115% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, mũi tên tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm này qua từng tháng đều ghi nhận rất ấn tượng: Tháng 1 tăng 526%, tháng 3 tăng 399%, tháng 5 tăng 325%, tháng 6 tăng 315%, tháng 7 tăng 404%,... so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Trung tâm thương mại thế giới (ITC), 8 tháng đầu năm nay, phile cá tra đông lạnh mã HS 0304 là sản phẩm cá thịt trắng Malaysia nhập khẩu nhiều nhất, với 18 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ, chiếm 42% tỷ trọng trong tổng giá trị quốc gia này nhập khẩu các sản phẩm cá thịt trắng từ thế giới. Việt Nam là nguồn cung lớn nhất phile cá tra đông lạnh cho Malaysia, chiếm đến 96% trong tổng nhập khẩu các sản phẩm mã HS 0304 của quốc gia này.
Trong những năm gần đây, tình hình giao thương giữa Việt Nam và Malaysia ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện sự gắn kết và tiềm năng hợp tác rộng mở giữa hai quốc gia. Trong thời gian tới, còn nhiều dư địa để đẩy mạnh thương mại song phương giữa Việt Nam và Malaysia, nhất là đặt trong bối cảnh hai bên đều đang nỗ lực tận dụng tốt các cơ hội từ các thỏa thuận thương mại khu vực hai bên cùng tham gia như RCEP, CPTPP. Đây là nền tảng vững chắc để thúc hợp tác thương mại, đầu tư hai nước Việt Nam – Malaysia liên tục phát triển trong tương lai, trong đó có XK cá tra Việt Nam.
Thông tin từ VASEP cho thấy, trong tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã vượt mốc 1 tỷ USD, cho thấy sự tăng tốc ấn tượng của các doanh nghiệp trong ngành. Tính đến cuối tháng 10, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản đã đạt 8,24 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi riêng tháng 10 ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 20%.
Bước sang tháng 11, xuất khẩu thủy sản tháng 11 tuy chững lại nhẹ sau khi đạt mức đỉnh 1 tỷ USD trong tháng 10 nhưng vẫn duy trì tăng trưởng ấn tượng, với giá trị đạt 924 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Tính lũy kế đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 9,2 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, xuất khẩu tôm vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, đạt mức tăng 22% trong tháng 11, dự báo sẽ cán mốc 4 tỷ USD vào cuối năm. Các sản phẩm khác như cá tra, cá ngừ cũng ghi nhận sự tăng trưởng khả quan. Cá tra đạt 1,84 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, và dự báo sẽ chạm mốc 2 tỷ USD vào cuối năm 2024. Cá ngừ, mặc dù tăng trưởng chậm lại, vẫn tăng 8% so với tháng 11/2023, và có thể đạt 1 tỷ USD như kỷ lục năm 2022.
VASEP nhận định, không chỉ có các sản phẩm chủ lực, ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam còn phát triển mạnh các sản phẩm phụ như bột cá. Xuất khẩu bột cá đạt 220,4 triệu USD trong 10 tháng đầu năm, dự báo cả năm sẽ đạt 264,6 triệu USD, với thị trường Trung Quốc chiếm gần 90% kim ngạch xuất khẩu bột cá.
Trung Quốc, Hongkong đã vượt lên dẫn đầu trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, với mức tăng trưởng 61% trong tháng 11, nâng tổng kim ngạch lũy kế lên hơn 1,7 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Mỹ cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực 21% trong tháng 11, đạt 1,67 tỷ USD sau 11 tháng, và dự báo sẽ tiếp tục khả quan trong tháng cuối năm trước khi chính quyền Mỹ có thể áp dụng các mức thuế mới. Mặc dù thị trường Nhật Bản, EU và Hàn Quốc không có sự bứt phá lớn trong tháng 11, nhưng vẫn đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Theo nhận định của bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông của VASEP, với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng trưởng 11,5% so với năm 2023. Trong đó, tôm và cá tra sẽ tiếp tục là hai trụ cột chính đóng góp vào thành công này.
Chuyên gia của VASEP nhận định, năm 2024 là một năm đầy hứa hẹn đối với ngành thủy sản Việt Nam, khi xuất khẩu tiếp tục đạt được những thành tựu ấn tượng, không chỉ về giá trị mà còn về sự đa dạng và ổn định của các thị trường và sản phẩm xuất khẩu.
Về triển vọng năm 2025, bà Lê Hằng nhận định, xuất khẩu thủy sản có thể đối mặt với những thách thức mới, đặc biệt là từ chính sách thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nhập khẩu dồn dập trong các tháng cuối năm 2024, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, nhưng cũng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với những rủi ro như tăng cước vận tải.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.