Một loài động vật hoang dã, động vật rừng dễ thương tên cheo cheo xuất hiện ở Hòn Bà, Khánh Hòa
Ở Hòn Bà của Khánh Hòa xuất hiện cả ngày lẫn đêm một loài động vật hoang dã, động vật rừng dễ thương
Thứ tư, ngày 21/08/2024 05:33 AM (GMT+7)
Tại Hòn Bà, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa), loài cheo cheo Nam Dương (động vật rừng, động vật hoang dã) thường được bắt gặp ở những khu rừng trồng các loại cây dầu rái, bạch đàn… và các khu vực rừng phục hồi sau khai thác ở cao độ từ 50-300m, phân khu phục hồi sinh thái. Loài cheo cheo xuất hiện cả ngày lẫn đêm.
Trong quá trình đặt bẫy ảnh nhằm thu thập thêm dữ liệu về động vật hoang dã để tăng tư liệu về động vật, nâng cao cơ hội bảo tồn đa dạng sinh học trong lâm phần được giao, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) đã ghi được hình ảnh loài cheo cheo Nam Dương.
Tại Hòn Bà, cheo cheo Nam Dương thường được bắt gặp ở những khu rừng trồng các loại cây dầu rái, bạch đàn… và các khu vực rừng phục hồi sau khai thác ở cao độ từ 50-300m, phân khu phục hồi sinh thái.
Đàn cheo cheo khu vực Hòn Bà của xã Khánh Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa xuất hiện cả ngày lẫn đêm.
Trước đó, các nhân viên của Khu bảo tồn rất nhiều lần nhìn thấy chúng nhưng không ghi được hình ảnh vì loài này khá nhút nhát.
Cheo cheo Nam Dương-loài động vật rừng, động vật hoang dã. (Ảnh: Ydvn). Loài thú mang tên cheo cheo này đã phát hiện ở vùng rừng tái sinh ở Hòn Bà, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.
Theo Phòng Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, cheo cheo Nam Dương có tên gọi khoa học là Tragulus javanicus, một loài động vật có vú thuộc họ cheo cheo, bộ ngón chẵn, là loài thú móng guốc cổ nhất, hiếm và chỉ còn tồn tại ở rừng nhiệt đới Đông Nam Á.
Ở Việt Nam, cheo cheo Nam Dương từng được ghi nhận từ Lạng Sơn đến Tây Ninh. Tuy nhiên, hiện ở các tỉnh phía Bắc, chúng gần như bị tuyệt chủng.
Tại các tỉnh phía Nam, số lượng cheo cheo giảm sút đáng kể do diện tích rừng ngày càng thu hẹp.
Trong Sách đỏ Việt Nam (2007), chúng được phân hạng VU (sẽ nguy cấp), Nhà nước chưa có văn bản bảo vệ.
Khi trưởng thành, mỗi cá thể cheo cheo Nam Dương có thân dài khoảng 40-50cm, trọng lượng trung bình 1,3-2,3kg, không có tuyến trước ổ mắt.
Con cheo cheo có răng nanh mọc dài ngoài mép (ở con đực dài hơn con cái), thiếu răng cửa trên; bốn chân rất mảnh, ngón 3, 4 phát triển.
Bộ lông của chúng ngắn, mịn, màu nâu đỏ ở mặt trên nhạt dần ở hai bên, dọc giữa lưng đậm màu, dọc gáy có vệt lông đen, dưới cằm và họng có hai vệt trắng chung gốc, một vệt dọc giữa tự do, lông đuôi xù.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà nằm cách thành phố Nha Trang khoảng 40km về phía Tây Nam, thuộc địa bàn 4 huyện: Cam Lâm, Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa).
Hệ sinh thái Hòn Bà phong phú, nhiều nơi vẫn còn tương đối nguyên sinh; tài nguyên động, thực vật đa dạng với nhiều loài quý hiếm và đặc hữu.
Theo thống kê chưa đầy đủ, Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà có 321 loài 90 họ thuộc 27 bộ, trong đó có 56 loài động vật quý hiếm. Riêng tại đây có 70 loài thú trong 23 họ ở 9 bộ.
So với tài nguyên thú của cả nước là 252 loài, 41 họ, 14 bộ, tài nguyên thú của khu bảo tồn này có số loài chiếm 27%, số họ chiếm 56% và số bộ chiếm 64%.
Loài thú đáng chú ý ở Khu bảo tồn này là vượn đen má hung (Nomascus gabriellae), chà vá chân đen (Pygathrix nigripes), khỉ vàng (Macaca mulatta) và khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides)…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.