Canh thủy triều xuống, dân Khánh Hòa đi săn "lộc biển" là con đặc sản gì mà kiếm cả triệu đồng/ngày?

Công Tâm Thứ bảy, ngày 25/06/2022 19:05 PM (GMT+7)
Cứ mỗi buổi chiều, vùng triều ven biển thuộc phường Cam Nghĩa (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) có hàng chục hộ dân xuống mò ốc, bắt còng, sò,…ngày gặp may có người kiếm được gần một triệu đồng.
Bình luận 0

Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Dân Việt, vào mỗi buổi chiều là ông Nguyễn Trọng Tuấn (50 tuổi, phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh) chuẩn bị dụng cụ gồm chiếc lưới nhỏ, một cái rổ, lược, cùng hai thùng xốp có gắn phao, men theo theo vùng nước cạn ở vùng biển thuộc phường Cam Nghĩa (TP. Cam Ranh) để bắt ốc xoắn.

Sau một hồi nhìn xung quanh vùng triều xuống. Vục chiếc lược xuống đất, tay ông Tuấn thoăn thoắt cào ốc vào lưới liên tục. Vài phút sau, có vô số ốc xoắn nằm trong lưới. Cảm thấy vừa đủ, ông lại cho ốc vào chiếc rổ thưa chuẩn bị sẵn, chao trên dòng nước để đánh bay bùn và các tạp chất bám lẫn trên ốc.

Canh thủy triều xuống, dân Khánh Hòa đi săn "lộc biển" kiếm cả triệu đồng/ngày - Ảnh 1.

Sau một thời gian người dân đã bắt được hàng chục kí ốc xoắn. Ảnh: C.T

Theo ông Tuấn, ốc xoắn sống ở vùng biển vịnh Cam Ranh rất nhiều, nằm lẫn ở vùng đáy. Khi thủy triều rút tại vịnh Cam Ranh, chúng càng lộ rõ hơn, ốc có màu đen, phần vỏ gồ ghề. Con trưởng thành có kích thước chưa bằng đốt ngon tay út. Loại ốc này nhỏ nên chủ yếu dùng để xay nhuyễn, chế biến thành đồ ăn cho tôm càng xanh, tôm hùm,… 

Canh thủy triều xuống, dân Khánh Hòa đi săn "lộc biển" kiếm cả triệu đồng/ngày - Ảnh 2.

Ốc xoắn có nhiều kích thước khác nhau nên giá bán cũng khác nhau. Ảnh: C.T

"Loại ốc này vẫn có thể ăn được nhưng không ngon, những con có kích thước lớn cũng không nhiều. Mỗi ngày, tôi làm từ 17h - 1h sáng hôm sau. Sau một ngày đánh bắt tôi bốc được 1 tạ ốc xoắn, chất đầy 2 thùng xốp. Ốc xoắn này có quanh năm, nhưng rộ nhất vào tháng 6" - ông Tuấn nói.

Người dân địa phương thường đi cào ốc khi triều rút và dừng công việc khi nước biển lên, tùy từng người đi khai thác lúc sáng sớm hoặc chiều muộn. Gắn bó với nghề này gần 10 năm nên công việc ông Tuấn thực hiện khá thuần thục. 

Canh thủy triều xuống, dân Khánh Hòa đi săn "lộc biển" kiếm cả triệu đồng/ngày - Ảnh 3.

Cứ thủy triều rút là người dân kéo đến biển Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) để săn ốc, còng, sò. Ảnh: C.T

Số hàng ông đánh bắt được ông bán cho các hộ nuôi trồng thủy sản ở địa phương với giá 4.000 đồng mỗi cân. Trung bình mỗi ngày ông thu nhập khoảng 400-500 nghìn đồng. Cũng nhờ nghề này, ông có một khoản thu nhập ổn định trong mùa để nuôi hai đứa con ăn học. Ông Tuấn cho rằng nghề này không cần bỏ vốn nhiều để đầu tư ngư cụ, chỉ cần chịu khó thức khuya dậy sớm là có thể làm được.

Theo ông Tuấn, nghề bắt ốc xoắn không gò bó thời gian, nhưng ngâm mình trong nước nhiều, lại thiếu đồ bảo hộ nên đôi khi cũng bị xây xước dưới chân do đạp trúng các vỏ hàu, ốc hay các rác thải sắc nhọn nằm dưới lớp bùn.

Cách đó không xa, ông Đinh Văn Thủy (54 tuổi) cũng xách thuổng, dẫn cháu gái đi ra vùng triều ven biển để đào loại còng đỏ. Đây là loại còng khá phổ biến ở vịnh Cam Ranh, có kích thước nhỏ hơn cua đồng.

Ông Thủy quê Nam Định, mới chuyển về TP. Cam Ranh sinh sống với con cái được gần 2 năm. Thông qua người hàng xóm nên ông biết đến loại còng này, những lúc rảnh rỗi ông thường xuyên ra biển để bắt.

Canh thủy triều xuống, dân Khánh Hòa đi săn "lộc biển" kiếm cả triệu đồng/ngày - Ảnh 4.

Những con còng bắt được trên biển khu vực phường Cam Nghĩa, TP.Cam Ranh. Ảnh: C.T

Theo người dân địa phương, còng đỏ có đặc điểm chạy rất nhanh và đổi hướng tài tình, nên thường khi bắt còng phải đi theo nhiều nhóm để hỗ trợ nhau. Dụng cụ bắt còng đơn giản chỉ là cái đèn pin (nếu đi vào buổi đêm) và cái thuổng hoặc cái bay, đơn giản hơn thì dùng chén sành bể để có thể đào hang.

Theo ông Thủy, để bắt được loại còng không khó, lúc triều rút thì loại này thường đi ra khỏi các hang để phơi nắng, chỉ cần phải nhanh chân chạy đến chặn còng không kịp trốn xuống các hố cát ở mé biển là được. Nhiều người công phu hơn thì giăng lưới để bắt, nhưng ông cho rằng cách này tận diệt vì còng to, còng nhỏ đều chui vào lưới.

"Mùa này còng nhiều, nên rất dễ bắt, nhưng phải cẩn thận cầm hai bên mai còng, chứ cái càng nó kẹp vào thì…đau điếng", ông Thủy nói và cho biết bắt còng thú vị ở chỗ bản thân được vận động, có thêm nhiều trải nghiệm và cuộc sống đỡ buồn lúc tuổi già.

Theo ông Thủy, rất ít người bắt còng này để bán, lâu lâu có một vài người địa phương ra biển bắt về chế biến cho bữa tối. Còng biển thường ăn những thứ tự nhiên nên rất sạch. Sau khi bắt được, lột vỏ yếm và mai, dùng để chế biến nhiều món như nướng, rang me,…Hôm nay, ông Thủy bắt được 5 lạng còng đỏ và ông đánh giá loại còng này cho vị ngon gần như vị cua đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem