Một loại rau bình dân cực kỳ dễ trồng, được ca tụng là "rẻ hơn thịt, bổ hơn thuốc", mùa hè lớn rất nhanh

Nguyên An Thứ năm, ngày 04/05/2023 05:46 AM (GMT+7)
Ở nước ta, có một loại rau cực kỳ dễ trồng, lại còn được ca tụng "rẻ hơn thịt, bổ hơn thuốc" đó chính là rau ngót.
Bình luận 0

1. Công dụng của rau ngót

Vào những ngày hè nóng bức, bạn có thể sử dụng rau ngót để điều chế thành các món ăn/bài thuốc từ rau ngót để phòng bệnh cho cả gia đình.

Một loại rau bình dân cực kỳ dễ trồng, được ca tụng là "rẻ hơn thịt, bổ hơn thuốc", mùa hè lớn rất nhanh - Ảnh 1.

Anh Trần Văn Dũng, ở thôn Hiệp Hưng, xã Quảng Hiệp (huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) chăm sóc vườn rau ngót. Ảnh: Đoàn Dũng (Báo Đắk Lắk)

 Rau ngót được mệnh danh là thang thuốc "công bổ kiêm thi" (vừa công vừa bổ); "vừa phù chính vừa khu tà" (nâng đỡ chính khí, trừ tà khí) nghĩa là vừa tăng đề kháng, lại chống lại bệnh tật xâm nhập cơ thể.

Nghiên cứu của khoa học hiện đại cho thấy, trong 100g rau có 6,5g đạm, 0,08g chất béo, 9g đường, 503mg kali, 15,7mg sắt, 13,5mg mangan, 0,45mg đồng, 23.300UI betacaroten, 85mg sinh tố C...

Vào những ngày hè nóng bức, bạn có thể sử dụng rau ngót để điều chế thành các món ăn/bài thuốc từ rau ngót để phòng bệnh cho cả gia đình. Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội): "Trong Đông y, rau ngót là một loại thảo dược có đặc tính mát, giải nhiệt và đặc biệt là rất lành tính. Lá rau ngót vị ngọt, tính mát lành, có tác dụng điều hòa nội tạng, bổ ích cơ thể, tăng cường cơ năng tiêu hóa và bài tiết".

Rau ngót giúp giải nhiệt vào mùa hè

Trong ngày nóng, rau ngót có thể được dùng để thanh nhiệt, hạ sốt, trị ho do phế nhiệt. Các gia đình có thể uống lá rau ngót tươi dưới dạng nước ép lá hoặc nấu canh rau ngót để ăn.

Rau ngót trị táo bón

Theo Đông y, rau ngót bổ âm, sinh tân dịch, nhiều chất xơ nên ngăn ngừa được táo bón. Cách làm: Nấu canh rau ngót sẽ có tác dụng trị táo bón. Một số món canh rau ngót các bà nội trợ nên làm thường xuyên để chống táo bón hiệu quả cho cả nhà là rau ngót nấu bầu dục, rau ngót nấu thịt lợn băm, rau ngót nấu xương ninh…

Một loại rau bình dân cực kỳ dễ trồng, được ca tụng là "rẻ hơn thịt, bổ hơn thuốc", mùa hè lớn rất nhanh - Ảnh 2.

Rau ngót là một trong những loại thực phẩm phổ biến trong bữa cơm của người Việt. Loại rau này mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho sức khỏe người dùng ở mọi độ tuổi.

Rau ngót rất tốt cho phụ nữ sau sinh

Phụ nữ sau sinh, nên dùng rau ngót để vừa bổ âm, sinh tân dịch, bù lại âm và tân dịch mất cùng máu khi sinh.

Rau ngót trị nhiệt miệng

Lá rau ngót đem rửa sạch rồi dùng máy xay nhuyễn, ép lấy nước, sau đó cho thêm một chút mật ong vào đánh đều tay. Dùng hỗn hợp này bôi lên vùng da miệng bị nhiệt. Kiên trì bôi trong 3 ngày vết loét sẽ khỏi.

Rau ngót trị chảy máu cam

Rau ngót rửa sạch, giã nhỏ, thêm nước và ít đường vào để uống. Bã gói vào khăn xô hoặc gạc sạch đặt lên mũi.

Rau ngót chữa chứng mồ hôi trộm ở trẻ

Cách làm: 30g rau ngót, 30g bầu đất, 1 quả bầu dục lợn rồi nấu canh cho trẻ ăn. Đây không chỉ là món canh ngon, bổ dưỡng cho trẻ, nó còn là bài thuốc kích thích ăn uống ở những trẻ biếng ăn.

2. Cách trồng rau ngót

Cây rau ngót có khả năng thích nghi tốt với các điều kiện thời tiết, tuy nhiên rau ngót phát triển tốt vào mùa mưa và nơi ẩm ướt.

Để trồng được rau ngót không có gì là khó, loại rau này không kén đất, chỗ nào cũng trồng được và dễ sống. Bởi vậy, mọi người thường trồng nó quanh giếng, dọc các bờ rào, các lối đi,…

Một loại rau bình dân cực kỳ dễ trồng, được ca tụng là "rẻ hơn thịt, bổ hơn thuốc", mùa hè lớn rất nhanh - Ảnh 1.

Rau ngót có khả năng thích nghi tốt với các điều kiện thời tiết, mọi loại đất trồng.

Rau ngót sinh trưởng tốt nhất ở những nơi đất có nhiều mùn, có độ ẩm cao.

Rau này thường được trồng bằng thân. Ta chọn những đoạn thân ở cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh và chặt thành từng đoạn 20-25cm.

Cắm các đoạn thân đó vào các rãnh đã chuẩn bị sẵn rộng 20-25cm và sâu 10-15cm. Mỗi rãnh nên cách nhau khoảng 40-50cm để có lối đi vào khi hái lá.

Sau khi cắm cành, ta phải giữ ẩm cho đất. Sau khoản 10-15 ngày, phần hom bắt đầu mọc rễ và nảy chồi.

Một loại rau bình dân cực kỳ dễ trồng, được ca tụng là "rẻ hơn thịt, bổ hơn thuốc", mùa hè lớn rất nhanh - Ảnh 2.

Theo từng vùng miền, rau ngót có những tên gọi khác nhau như: rau bồ ngót, rau bù ngót, hay rau tuốt. Không chỉ là loại thực phẩm quen thuộc, rau ngót còn được xem là một vị thuốc trong Đông y.

Vì là loại rau ăn lá nên cây rau ngót cần lượng đạm và lần nhiều. Trong khi lượng kali chỉ cần ít là đủ.

Khi cây được 40-50cm thì có thể tiến hành thu hoạch, ta cắt cách gốc 10-15cm. Cây sẽ lại đâm chồi tiếp, lúc này cần bón thêm nước tiểu pha loãng hoặc dung dịch urê 1%. Ta phải luôn tưới ẩm cho đất nhưng cũng cần xới xáo để cho đất được thông thoáng.

Rau ngót sinh trưởng rất nhanh và ít sâu bệnh, cứ 20-25 ngày là có thể hái rau ăn. Với một luống rau ngót được trồng có thể cho thu hoạch liên tiếp trong vòng vài năm. Khi nào thấy cây già và cằn cỗi thì mới phải thay bằng cách trồng lại.

Một loại rau bình dân cực kỳ dễ trồng, được ca tụng là "rẻ hơn thịt, bổ hơn thuốc", mùa hè lớn rất nhanh - Ảnh 3.

Trồng rau ngót tại nhà không khó.

Phòng trừ sâu bệnh cho cây rau ngót: Do trồng rau ngót với quy mô hộ gia đình nên chúng ta hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật . Thường xuyên chăm sóc phát hiện và cắt tỉa những lá sâu, vàng để hạn chế sâu bệnh.

Rau ngót sau khi trồng khoảng 2 tháng thì có thể thu hoạch được, lúc này bạn hãy cắt ngang các nhánh cây hoặc chỉ tuốt lá. Rau ngót cho thu hoạch liên tục, cứ cách 15-20 ngày cây sẽ cho lá non mới để thu hoạch.

3. Một số lưu ý khi sử dụng rau ngót

- Khi chế biến, nên để nguyên lá, không vò nát để tránh làm mất đi chất dinh dưỡng có trong rau. 

- Khi chọn rau ngót, tốt hơn hết là chọn cây có lá mỏng nhưng cứng. Không nên mua rau ngót dày mềm, hoặc lá bị xoăn lại, bất thường, bởi đó là dấu hiệu của rau ngót đã bị phun thuốc bảo vệ thực vật.

Một loại rau bình dân cực kỳ dễ trồng, được ca tụng là "rẻ hơn thịt, bổ hơn thuốc", mùa hè lớn rất nhanh - Ảnh 6.

Hãy chọn những bó rau ngót lá mỏng, cọng rau cứng cáp. Bạn nên tránh những lá rau bồ ngót dày nhưng cọng bị ỉu. Đồng thời, chú ý không lựa chọn những lá ngót bị xoăn lại bất thường, vì đây dấu hiệu rau có thể bị dư thừa lượng thuốc bảo vệ thực vật.

- Chỉ nên dùng tối đa 50g rau ngót trong một ngày, tránh ăn liên tục trong 3 tháng vì việc tiêu thụ quá nhiều rau ngót sẽ gây ra chứng mất ngủ hoặc khó ngủ. Khi chế biến, rau ngót cần được rửa sạch, nấu chín kỹ và không vò nát rau trước khi nấu, tránh làm mất đi các chất dinh dưỡng có lợi trong rau.

- Phụ nữ đang mang thai không nên ăn nhiều rau ngót vì có thể gây ra các tác dụng phụ có hại cho sức khỏe mẹ và bé

- Rau ngót có thể gây cản trở quá trình hấp thụ canxi, phốt pho. Nguyên nhân là bởi trong rau ngót có chứa glucocorticoid có thể gây cản trở quá trình hấp thụ canxi và phốt pho. Chính vì thế, những đối tượng bị còi xương, thiếu canxi không nên ăn rau ngót nhiều. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem