Một loại viên nén của Việt Nam đắt hàng ở Nhật Bản, có bao nhiêu cũng mua hết

P.V Thứ sáu, ngày 25/11/2022 11:32 AM (GMT+7)
Nhu cầu sử dụng dăm gỗ, viên nén gỗ của Nhật Bản tăng vọt đã giúp kim ngạch xuất khẩu 2 mặt hàng lâm sản này của Việt Nam sang Nhật Bản tăng trưởng nhanh chưa từng có.
Bình luận 0

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Nhật Bản trong tháng 10/2022 đạt 162,5 triệu USD, tăng 34,9% so với tháng 10/2021. 

Tính chung 10 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Nhật Bản đạt 1,5 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng dăm gỗ, viên nén gỗ, gỗ, ván và ván sàn, cửa gỗ đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tới thị trường Nhật Bản rất cao, góp phần đẩy mạnh trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường này. 

Trong đó, xuất khẩu dăm gỗ chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 495,2 triệu USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, xuất khẩu viên nén gỗ sang Nhật Bản có trị giá xuất khẩu lớn thứ 3 đạt 266 triệu USD, tăng 98,9% so với cùng kỳ năm 2021. 

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đây là mặt hàng có nhiều tiềm năng tăng trưởng, bởi Chính phủ Nhật Bản đang tiếp tục thực hiện chuyển đổi từ nguồn điện than sang điện sạch, bao gồm cả điện sinh khối, do vậy nhu cầu sử dụng dăm gỗ và viên nén gỗ có xu hướng tăng mạnh. 

Một loại viên nén của Việt Nam đắt hàng ở Nhật Bản, có bao nhiêu cũng mua hết - Ảnh 1.

Xuất khẩu viên nén gỗ sang Nhật Bản tăng trưởng mạnh. Trong ảnh: Dây chuyền chế biến viên nén của Công ty CP Năng lượng Dung Quất (Quảng Ngãi). Ảnh: K.N

Đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 2 trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới Nhật Bản trong 9 tháng đầu năm 2022. 

Mặc dù trị giá xuất khẩu không tăng trưởng mạnh như các mặt hàng khác, tuy nhiên so với tốc độ tăng trưởng chung của ngành nội thất bằng gỗ của Việt Nam, thì đây là kết quả đáng khích lệ, trong bối cảnh lạm phát tăng cao khiến nhu cầu tiêu dùng chậm lại. 

Tốc độ tăng trưởng khá của mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ tới Nhật Bản cho thấy người tiêu dùng nước này đang quan tâm nhiều hơn tới các sản phẩm đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam. 

Theo khuyến cáo từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, khi xuất khẩu hàng hóa tới Nhật Bản, các doanh nghiệp không chỉ quan tâm tới chất lượng, giá cả mà cần tích cực củng cố, đẩy mạnh nâng cao hình ảnh, thương hiệu hàng hóa Việt Nam. 

Điều này sẽ góp phần nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng thị phần hàng hóa nói chung và mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ nói riêng của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản.

10 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 13,5 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 9,4 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ ba của Việt Nam, sau Mỹ và Trung Quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem